Album bất thường của Thanh Lam

19/06/2020 12:19 GMT+7

Đĩa đôi Nơi gặp gỡ tình yêu là cách Thanh Lam giữ lại tình yêu của cha mẹ mình - những người đã yêu nhau từ hai bờ Hiền Lương.

Đề nghị kỳ lạ nhất

Một ngày, nhạc sĩ Lưu Hà An nhận được đề nghị làm đĩa kỳ lạ nhất của nữ ca sĩ Thanh Lam. “Khi nhận lời làm việc với chị Lam lần này, áp lực không phải chỉ là chuyện phối khí, mà do chị có một yêu cầu bất thường. Chị hay nói chị muốn làm một đĩa có dấu ấn. Nhưng lần này chị lại nói chị một làm đĩa kỷ niệm”, nhạc sĩ Lưu Hà An chia sẻ về quá trình sản xuất đĩa đôi Nơi gặp gỡ tình yêu của Thanh Lam.
Cũng theo ông An, dường như sau sự ra đi của người cha là nhạc sĩ Thuận Yến, Thanh Lam đã có nhiều thay đổi. Chị có cái nhìn chậm hơn về cuộc sống, về từng ca khúc của cha, về những ca khúc của thế hệ nhạc sĩ cùng thời đại với cha mình. Chị cũng có cái nhìn chậm hơn cả về tình yêu của cha mẹ nữa.
“Tôi và anh Thanh Phương quyết định album này cũng chẳng cần tính toán nhiều. Hãy để mọi việc thật tự nhiên. Bản chất từng bài hát trong album này nó đã có sẵn tình yêu rồi, có tình yêu của tác giả viết ra bài hát. Và cũng có những tình yêu khác của những người sinh ra khi ca khúc đó được phổ biến…”, ông Lưu Hà An nhớ lại.

Nhạc sĩ Lưu Hà An và bà Thanh Hương - mẹ của nữ ca sĩ Thanh Lam

Ảnh NVCC

Hát lời tình yêu

Tình yêu vẫn luôn là điều Thanh Lam hát giỏi nhất. Chỉ cần chị cất giọng lên là bài hát nào cũng như hát về cuộc tình của chính mình, quấn quýt say đắm và rất dễ trở nên rườm rà.
Vì thế, nếu có gì đáng nói nhất ở Nơi gặp gỡ tình yêu này, chính là Thanh Lam đã hát về tình yêu từ một góc nhìn khác. Như thể, một cô gái nhỏ hát về tình yêu mà mình hình dung, mình biết chắc cha mẹ mình đã yêu như vậy.
30 năm trước, Thanh Lam từng hát về tình yêu của cố nhạc sĩ Thuận Yến và nghệ sĩ đàn dân tộc Thanh Hương trong cuộc thi đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc, ở bảng thi nhạc nhẹ.
Chị hát Chia tay hoàng hôn, vượt trên cả giải nhất của ca sĩ Hồng Nhung để đoạt giải đặc biệt. Sau đó, công chúng gọi chị là nữ hoàng nhạc nhẹ. Đó cũng là thời kỳ những màu sắc khác của tình yêu, của tình yêu người lính, được hát lên tự nhiên hơn.
Ở đó, chiến tranh tuy vẫn còn nhưng lùi ra xa, để tình yêu được rõ hơn hết. Các bài hát vì thế cũng mang tính cá nhân rõ nét hơn. Thanh Lam thắng giải, cả vì chất giọng quá dày, quá tình, cả vì câu chuyện tình yêu thời chiến thật sự đã rất khác với nhiều ca khúc chính trị trước đó.

Thanh Lam đang đi những bước chậm rãi hơn trong cuộc đời và âm nhạc

Ảnh NVCC

Với Nơi gặp gỡ tình yêu, Thanh Lam một lần nữa lại cá nhân hóa bài hát. Chị vẫn giữ được sự dày ấm, độ rung run rẩy, những nét luyến của người nghe dân ca miền Trung trước cả khi học nói, những đoạn hát như nói như thầm thì của cô bé từ nhỏ đã được mẹ dạy ngâm thơ trên Đài Tiếng nói Việt Nam.
Nhưng Thanh Lam thêm vào đó rất nhiều sự trong trẻo, bớt ở đó rất nhiều chi tiết để càng ngày càng tối giản hơn. Nhạc rừng là một bài ca mang rõ dấu ấn cô bé ngây thơ của chị. Nếu như công chúng đã rất quen nghe nhạc rừng dồn dập vui vẻ có phần nam tính của bước chân “có anh chiến sĩ”, thì ở đây, Thanh Lam đi rất nhẹ, hát rất khẽ. Chỉ có một cô bé lần đầu vào rừng, vừa đi vừa ngạc nhiên với lá với cây mới mang lại cảm nhận sự thanh mát như thế.
Qua 15 nhạc phẩm của Nơi gặp gỡ tình yêu, Thanh Lam hát mà tình yêu cứ trào ra. Người nghe cảm thấy tình yêu đó sao mà quá quen như vừa gặp đâu đó trong gia đình mình, trong gia đình hàng xóm và không thể cưỡng nổi sự hấp dẫn giản dị của nó. Từng chữ, từng nốt chị hát chậm rãi và mỗi lần vang lên thì như có tiếng lanh canh như giọt nước mưa đậu khẽ vào chuông chùa.
Lên ngàn, vì thế có khoảng lặng của tình yêu quê hương đất nước, vừa có cảm giác trải dài không dứt của nỗi nhớ trong tình yêu nam nữ. Nhưng hơn cả, Lên ngàn mang lại cảm giác hát về chiến tranh trong hòa bình. Khi đó, người nghe cảm thấy sự bất thường của chiến tranh, đồng thời cũng choáng ngợp về chất bi tráng của nó. Thanh Lam đã cân bằng những điều đó rất khéo. Đây cũng là bài hát hay nhất của album.
Trở thành nữ hoàng nhạc nhẹ từ thể hiện thành công bài hát chiến tranh, giờ đây, một lần nữa Thanh Lam lại cho thấy sự bắt rễ của mình với những tác phẩm gắn với chiến tranh vệ quốc. Sự bắt rễ từ môi trường gia đình ông bà Thuận Yến - Thanh Hương đã nuôi lớn trong chị nhạc cảm mạnh mẽ về nhạc đỏ.
Nhưng ở lần thể hiện với Nơi gặp gỡ tình yêu này, Thanh Lam cho thấy thêm một cách hát khác với chính chị trước đây.
Tưởng như Thanh Lam giấu đi hết cá tính âm nhạc, kỹ thuật điêu luyện và giọng ca thiên bẩm, nhưng lại những yếu tố đó trở nên lay động hơn nhiều. Và những người đã nghe chị hát nhiều năm, những người đã lớn lên cùng các bản nhạc "đỏ" trên đài phát thanh, thấy lại ký ức của mình trong hiện tại xanh tươi. Họ cũng hiểu rõ hơn, những đợi chờ để nghe chị hát về tình yêu là điều mãi mãi đúng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.