Jack Ma - ông chủ của Alibaba - giờ đã trở thành doanh nhân giàu nhất Trung Quốc (Ảnh: Fortune)
Ngày 10.12.2014 vừa qua, Alibaba đã tiết lộ bước đi mới nhất của mình trong ngành công nghiệp game: một nền tảng game trên mạng xã hội mới với tên gọi KTplay. Là sản phẩm của sự kết hợp giữa Alibaba và Yodo1 - một hãng game mobile có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc. KTplay được đánh giá như một phiên bản vượt trội của Game Center, một chức năng mang tính mạng xã hội dành riêng cho game thủ của hãng Apple.
Nhưng đó không phải là nước cờ duy nhất của Alibaba tại lĩnh vực game trong thời gian gần đây. Vào tháng 8.2014, công ty này đã đầu tư đến 120 triệu USD vào nhà phát triển game Kabam, cũng như thử nghiệm sử dụng các trang thương mại điện tử như một nền tảng để phân phối game.
KTplay - nền tảng games trên mạng xã hội mới phát hành của hãng Alibaba (Ảnh: Segmentfault)
Tất cả những động thái trên khiến chúng ta đặt ra một câu hỏi: Alibaba sẽ đi được bao xa trong ngành công nghiệp game? Nói cho cùng thì đây vẫn là một thị trường hoàn toàn mới mẻ với Alibaba, “đại gia” thương mại điện tử của Trung Quốc. Nhưng Alibaba hoàn toàn có cơ sở để đầu tư và tiến xa hơn trong ngành game với tiềm lực tài chính hùng mạnh và lịch sử thành công lẫy lừng. Tuy nhiên, một số người tỏ ra hoài nghi về việc liệu Alibaba có thể thách thức vị thế thống trị của Tencent (công ty game số 1 Trung Quốc, và thuộc hàng top thế giới -TNG) trong lĩnh vực game hay không. Một số chuyên gia cho rằng đó là điều không thể.
Sự thống trị tuyệt đối
Để hiểu được lý do tại sao Alibaba khó có thể qua mặt Tencent, chúng ta cần biết được vị thế thống trị tuyệt đối của Tencent tại thị trường game Trung Quốc. Trong mảng game PC, Tencent chính là chủ nhân của ba tựa game ăn khách nhất quốc gia này trong nhiều năm liền: đó là League of Legends (Liên minh huyền thoại), Crossfire (Đội kích) và Dungeons fighters online (một game MMO hành động 2D màn hình ngang cực kỳ nổi tiếng đến từ Hàn Quốc - TNG). Bên cạnh đó, Tencent còn sở hữu nhiều game ăn khách khác, nhưng chỉ cần ba game “bự” trên thôi cũng đã khiến các nhà sản xuất khác khó lòng bì kịp vị thế của Tencent khi mà doanh thu từ các games PC luôn chiếm phần lớn trong toàn bộ doanh thu của ngành công nghiệp game Trung Quốc.
Liên minh huyền thoại (do Tencent vận hành) đang là game ăn khách nhất lại Trung Quốc (Ảnh: Polygon)
Tuy nhiên, thậm chí nếu chúng ta bỏ qua thị trường game PC và giả sử rằng Alibaba chỉ tập trung vào thị trường game di động, Tencent vẫn là một ông lớn khó vượt qua. Mới đây hãng Apple đã tiết lộ danh sách những ứng dụng iOS có doanh thu cao nhất tại Trung Quốc năm 2014, và bất ngờ thay: 13/20 ứng dụng có doanh thu cao nhất chính là những game di động của hãng Tencent. Như vậy, gần 75% trong số những ứng dụng iOS có doanh thu cao nhất tại Trung Quốc thuộc về Tencent. Thật đáng ngưỡng mộ!
Thêm vào đó, cứ cho rằng Tencent không dẫn đầu doanh thu trong ngành công nghiệp game đi chăng nữa, thì hãng này vẫn dẫn đầu về mạng quan hệ xã hội. Điều này giúp cho việc phát hành game trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Khi muốn phát hành một trò chơi mới, các nhà sản xuất sẽ nhanh chóng nghĩ tới - ví dụ như – hàng trăm triệu người dùng WeChat (ứng dụng nhắn tin phổ biến trên di động của Tencent). Họ là những người sẵn sàng và mong muốn được chơi game trên ứng dụng này. Alibaba tuy cũng có một lượng lớn người dùng thông qua thị trường thương mại điện tử như Taobao và Tmail, nhưng người dùng không chơi bất kì game nào trên những nền tảng này, và những nỗ lực "tiến quân" vào mạng xã hội trước đó của Alibaba cũng được cho là không mấy thành công.
Không thể dựa vào may mắn
Tất nhiên, nhiều người sẽ lập luận rằng Alibaba vẫn có thể đánh bại Tencent với sự trợ giúp của... thần may mắn. Chỉ cần đầu tư vào đúng game tiềm năng, bạn sẽ hái ra tiền chỉ sau một đêm, đặc biệt là trong lĩnh vực game mobile. Nhưng những thành tựu của Tencent đã chỉ ra rằng, thành công không thể nào chỉ đơn thuần dựa vào sự may mắn.
Chiến lược điển hình của hãng này, là tìm kiếm những game vừa mới thành công hoặc có tiềm năng lớn và tìm cách mua lại, có thể thông qua việc trở thành nhà phát hành độc quyền của game này tại Trung Quốc, hay bằng cách mua luôn cả studio. Nếu những biện pháp trên không hiệu quả, Tencent sẽ bắt đầu mô phỏng/ nhái theo game đó (clone). Tencent có đội ngũ các nhân tài công nghệ “thừa sức” mô phỏng lại gần như mọi thứ, và các nền tảng mạng xã hội rộng lớn (WeChat, Tencent Weibo, QQ) sẽ đảm bảo rằng mọi thứ mà hãng muốn xúc tiến sẽ ngay lập tức đến được với hàng trăm triệu người dùng. Thực tế, thậm chí khi Tencent đã mua lại được một game, hãng này vẫn có thể sẽ phát triển một bản sao của game đó - thêm vào một số yếu tố đậm tính văn hóa Trung Hoa, để đảm bảo game phù hợp với thị hiếu game thủ Trung Quốc hơn.
(Ảnh: Reuters)
Thành công nhanh chóng với một tựa game, đặc biệt là game di động, có thể liên quan nhiều đến yếu tố may mắn, nhưng vị thế thống trị của Tencent trong thị trường game iOS tại Trung Quốc năm ngoái (và thị trường game PC nhiều năm qua) đã chứng minh điều ngược lại. Không phải là may mắn, đó là cả một hệ thống. Dù cho mọi người có chỉ trích các mô hình kinh doanh và xu hướng bắt chước của Tencent, sự thành công vượt bậc của hãng trong hơn một thập niên vừa qua đã chứng minh hệ thống điều hành này thực sự đem lại hiệu quả.
Con đường nào cho Alibaba?
Để cạnh tranh với Tencent, Alibaba sẽ cần phải rót một khoản vốn khổng lồ vào lĩnh vực game. Alibaba cần phải thâu tóm các studio phát triển game tiềm năng, cả trong và ngoài nước, cũng như phải chú trọng hơn nữa là thị trường game PC. Hãng này cũng cần phải tạo ra các nền tảng mạng xã hội có thể đánh bại các nền tảng của Tencent nhằm tích hợp các game của mình. Đó là chưa kể còn cần phải tìm cách soán ngôi các game của Tencent trong các bảng xếp hạng tại Trung Quốc, một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn.
Về lý thuyết mà nói, việc này không hẳn là bất khả thi, tuy nhiên sẽ không thể nào xảy ra trong một sớm một chiều. Alibaba vẫn còn một chặng đường dài và gian nan phía trước để đi nếu muốn đánh bại được Tencent trong ngành công nghiệp game Trung Quốc.
Bình luận (0)