Theo đạo diễn Fede Álvarez, Alien: Romulus (tựa Việt: Quái vật không gian: Romulus) lấy cảm hứng từ giai thoại hai anh em Romulus và Remus dựng xây thành Rome, đồng thời 7 ký tự của tên phim ngầm ẩn ý đây là phần thứ 7 của thương hiệu. Tác phẩm là trung truyện (interquel), lấy mốc thời gian giữa hai tập phim đầu tiên ra mắt năm 1979 - 1986.
Năm 2124, đại tập đoàn Weyland-Yutani ra sức bành trướng các nhà máy, trung tâm nghiên cứu ra toàn cõi vũ trụ, với hy vọng thu phục những thể sống bí ẩn ngoài không gian. Nữ chính Rain (Cailee Spaeny thủ vai) và cậu em nuôi - người nhân tạo Andy (David Jonsson) là công nhân của một hầm mỏ do đại tập đoàn quản lý. Họ cố gắng lao động để đổi lấy tấm vé tự do, nhưng cố gắng của bộ đôi qua nhiều năm tháng vẫn là vô vọng.
Cùng với bốn công nhân khác, Rain quyết định đột nhập trạm không gian bỏ hoang Romulus, với hy vọng tìm thấy đủ nhiên liệu để bỏ trốn. Nhưng tại đây, họ vô tình phải đối mặt với những sinh vật không gian Xenomorph man rợ.
Tìm dấu ấn riêng trong thời kỳ điện ảnh mới
Thập niên 1980 - 1990 tại Hollywood là thời kỳ hoàng kim của dòng phim hành động - khoa học viễn tưởng, với những thương hiệu tiêu biểu như Alien, The Terminator (Kẻ hủy diệt), Independence Day (Ngày độc lập)... Không chỉ là những bộ phim thế hiện kỹ xảo bậc nhất thời bấy giờ, các tác phẩm còn là nguồn cảm những cho nhiều thế hệ hậu bối, góp phần làm giàu đẹp cho văn hóa đại chúng - giải trí của thế giới.
Song, những năm gần đây là thời điểm các nhà biên kịch, đạo diễn phải đối mặt với sự khó tính, cầu toàn từ phía người xem. Những thương hiệu kể trên khi tái xuất qua các phần hậu truyện, tái khởi động đều khó tìm được chỗ đứng, bởi dù có thay dàn diễn viên trẻ trung thì đường dây câu chuyện đã quá dễ đoán biết, thiếu những nút thắt bất ngờ.
Trong khi đó, loạt Alien có phong độ khá ổn định, khi hai phần trước là Alien: Prometheus và Alien: Covenant đều nhận về kết quả phòng vé khả quan. Một phần nằm ở cách xây dựng “thế giới” của cha đẻ loạt phim - nhà sản xuất Ridley Scott - luôn mang đến nhiều bất ngờ, khiến hình ảnh các Xenomorph vẫn là nỗi ám ảnh của khán giả nhiều thế hệ.
Phần nhìn tiếp tục 'đỉnh chóp'
Trở lại thời điểm năm 1979, phần Alien đầu tiên sau khi ra mắt đã nhận được nhiều lời khen từ các nhà phê bình quốc tế, một số còn so sánh khâu kỹ xảo của phim ấn tượng ngang ngửa “tượng đài” Star Wars của đạo diễn George Lucas. Tạo hình phi giới tính của loài Xenomorph vừa ám ảnh song cũng cuốn hút, mang đến vẻ đẹp ma mị của một thực thể độc ác hoàn toàn xa lạ với con người. Trên thực tế, sự thay đổi về hình dáng của Xenomorph qua các phần phim, cũng như sự tò mò về các “giống lai” sẽ xuất hiện, là hai trong số những động lực chính “giữ fan” của thương hiệu.
Đến Alien: Romulus, công ty thiết kế Legacy Effect kết hợp kỹ xảo vi tính (CGI), kỹ xảo thực tế (practical effect) và mô hình điện tử (animatronic) để mang đến những Xenomorph có vẻ ngoài nhớp nhúa, rùng rợn. Kịch bản xây dựng chủng Facehugger (loài bám mặt) không còn là những sinh vật bị động “chờ thời”, thay vào đó chúng lao vào các con mồi theo bầy đàn, với tốc độ cực cao. Vài khoảnh khắc khi các Facehugger bám vào mặt người để cấy giống thể hiện rõ không khí ngột ngạt, cũng như sự bất lực của nhân loại yếu ớt trước bầy quỷ dữ không gian.
Không chỉ thế, những phân cảnh “đinh” của loạt phim như khi các Chestburster đâm thủng ngực nạn nhân để chui ra ngoài, sau đó “đóng kén” để hạ sinh Xenomorph cũng được khắc họa trọn vẹn, đúng tinh thần kịch tính - kinh dị của hai phần phim đầu tiên. Ngoài ra, Fede Álvarez còn khai thác sâu hơn về những đặc tính sinh học của loài quái vật, cụ thể là cơ chế “đồng quy vu tận” với kẻ thù thông qua việc bắn ra máu chứa a xít ăn mòn da thịt. Góc nhìn sinh học thực tế khiến Xenomorph trở nên bớt xa lạ với khán giả, nhưng từ đó khiến nỗi ám ảnh về chúng tăng lên bội phần.
Xét về các trường đoạn hành động, rượt đuổi, tác phẩm đẩy cao trào rất tốt, nhiều lần đẩy người xem vào cảm xúc bất lực, tuyệt vọng như thể các nhân vật trên phim. Nếu ở phần một và hai, nữ chính Ripley là quân nhân, nên cách đối phó Xenomorph cũng bài bản, giúp tăng cơ hội sống còn hơn. Đối mặt với chủng loài có tiềm năng cao về cả sức khỏe lẫn khả năng sinh sản là những người thợ mỏ không được trang bị kiến thức - kỹ năng phù hợp, từ đó tăng tính bất ngờ cho người xem.
Kịch bản tầm trung, nhân vật thiếu đột phá
Công bằng mà nói, tuyến truyện của Alien: Romulus vẫn đủ yếu tố giải trí; tuy nhiên, kịch bản còn dễ đoán, lộ nhiều “hạt sạn”. Đầu phim, biên kịch cố tình đả kích chính sách lao động của các công ty tư bản: Nhân công được hứa hẹn về “vùng đất hứa” nếu hoàn thành chỉ tiêu, trong khi bộ phận nhân sự lại tùy tiện tăng chỉ tiêu hàng ngày. Những người lao động nghèo bị “bòn rút”, còn người nhân tạo (hay A.I) thì mang sứ mệnh duy nhất là phục vụ lợi ích công ty. Tuy nhiên, loạt chi tiết ẩn dụ này không được khai thác sâu, nhường chỗ cho các phân cảnh hành động.
Kịch bản cũng bỏ lỡ cơ hội khai thác chủ đề “A.I hóa” - vốn là đề tài đang được quan tâm ngoài đời thực - thông qua nhân vật Andy. Nhờ diễn xuất tự nhiên của David Jonsson, Andy là tuyến vai thú vị, với những cử chỉ và quyết định khó đoán biết. Tuy nhiên, thời lượng và quy mô của phần mới khiến nhân vật không được khắc họa chu đáo, để lại nhiều dấu ấn như người máy David, do Michael Fassbender từng thể hiện, trong phần phim Alien: Prometheus.
Cùng với Andy, nữ chính Rain được xây dựng tương đối đầy đặn, phần nhiều cũng nhờ thần thái từ Cailee Spaeny. Nhân vật của Spaeny có sự mạnh mẽ pha chút liều lĩnh, nổi loạn, dễ làm fan lâu năm liên tưởng đến nữ chính Ripley, từng do Sigourney Weaver thể hiện. Tuy nhiên, kịch bản lại không làm rõ quá khứ, cũng như động lực của Rain, khiến vai diễn trở nên lưng chừng.
Ngược với Rain và Andy, nhóm nhân vật phụ bị khai khác mờ nhạt, một màu. Họ hoặc quá anh hùng, hoặc quá hèn nhát, nhưng điểm chung là đều có những hành động thiếu sáng suốt. Không quá khứ, không động lực, không cá tính, sự ra đi của từng nhân vật phụ vì thế cũng không tạo được sức nặng trong lòng người xem; trừ việc xuyên suốt phim họ thường là “gánh nặng” của hai nhân vật chính.
Để thuận lợi cho mạch truyện tuyến tính, nhiều tình tiết trong phim cũng bị khai thác qua loa. Tác phẩm không giải thích được việc tại sao nhóm nhân vật có thể đột nhập Romulus đơn giản đến vậy, nhưng trước nay chưa ai thử làm. Hay như tập đoàn Weyland-Yutani vốn khao khát chiếm hữu loài Xenomorph, nhưng nhiều năm liền không có động thái tiếp cận trạm không gian đang nuôi dưỡng chúng. Nhiều tình tiết hời hợt khác cũng làm giảm chất lượng kịch bản phim.
Nhìn chung, Alien: Romulus từ hình ảnh đến âm thanh, độ kịch tính đều đủ tiêu chuẩn bom tấn điện ảnh. Tuy nhiên do là phần ngoại truyện, tác phẩm không có nhiều ảnh hưởng đến mạch chính của thương hiệu Alien, cùng kịch bản thiếu sáng tạo, khiến phần mới chưa đủ “đã” với fan lâu năm. Tuy nhiên, người hâm mộ có thể yên tâm rằng thương hiệu Quái vật không gian sẽ còn “dài hơi”, khi vũ trụ do Ridley Scott xây dựng vẫn có nhiều bí ẩn chưa được khai thác.
Bình luận (0)