Đó là bộ truyện tranh tình huống thực tế Chuyện của Mèo gồm 6 tập của thầy giáo Lê Văn Nam, giáo viên hóa học và 5 học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Bộ truyện này cũng mới được giải nhì cấp quốc gia trong cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần 5" (SV Startup) do Bộ GD-ĐT chủ trì.
Những nạn nhân của áp lực đồng trang lứa
Nguyễn Mai Phương, học sinh lớp 11, thành viên nhóm, cho biết là những học sinh Gen Z, các bạn đều hiểu cảm giác áp lực đồng trang lứa. Chính các thành viên trong nhóm cũng đã là nạn nhân của hội chứng tâm lý này.
Nữ sinh lớp 11 dẫn lại kết quả nghiên cứu trên tạp chí Tâm lý học cho thấy, cứ mỗi 10 người có từ 6-7 người phải đối mặt với vấn đề áp lực đồng trang lứa, nhất là trẻ em, thanh thiếu niên đi học và những người đang đi làm. Những câu nói như "con nhà người ta", "sao con nhà người ta làm được mà mình không làm được" tưởng như vô hại nhưng tạo ra áp lực vô hình đè nặng đôi vai mỗi người. Về lâu dài, áp lực này khiến nạn nhân xa cách dần với các mối quan hệ xã hội, khép kín và khó kiểm soát được cảm xúc của chính mình.
"Bên cạnh đó, phòng học vừa là nơi thân thuộc, gần gũi nhưng cũng là nơi có những lần phải hoàn thành deadline (giới hạn thời gian nhất định của công việc được giao-PV) xuyên đêm đầy ám ảnh với bất cứ học sinh nào. Chính vì vậy, nhóm chúng em muốn mang Chuyện của Mèo len lỏi vào mỗi một ngóc ngách trong phòng để giúp học sinh giảm tải áp lực đồng trang lứa", Mai Phương nói.
Nhóm của Mai Phương đã nghiên cứu và nhận thấy có 6 nhóm đối tượng tác động gây nên tình trạng áp lực đồng trang lứa gồm: gia đình, nhà trường, bạn bè, xã hội, không gian mạng và cả chính bản thân mỗi người.
Từ đó, nhóm 5 học sinh - Nguyễn Mai Phương (lớp 11A13), Nguyễn Thị Hoài Ni (lớp 11A13), Nguyễn Ngọc Hồng Trâm (lớp 10A5), Nguyễn Lê Quỳnh Anh (lớp 12A3) và Ngô Nhật Nguyên (lớp 10A16) - thực hiện bộ truyện tranh Chuyện của Mèo gồm 6 tập tương ứng.
Sự sáng tạo của các học sinh Gen Z
Toàn bộ 6 truyện tranh do chính các thành viên trong nhóm tự biên soạn và sáng tác, từ lên ý tưởng, nội dung, vẽ và lên màu, hoàn thiện trong khoảng 4 tháng. Đặc biệt, phần vẽ truyện đều là do chính các bạn trong nhóm thực hiện.
Mỗi học sinh có một thế mạnh riêng trong dự án này. Như Nhật Nguyên có đam mê lớn nhất là ngành công nghệ máy tính, trí tuệ nhân tạo, định hướng nghề nghiệp là ngành công nghệ thông tin (IT). Quỳnh Anh có đam mê lớn nhất là trở thành sinh viên kiến trúc, bạn đã đặt mục tiêu thi đậu ngành thiết kế của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Hồng Trâm có đam mê, sở trường lớn nhất là vẽ.
Mai Phương thì yêu thích nhiếp ảnh và tham gia sinh hoạt trong FFAP - CLB Nhiếp ảnh trường THPT Trần Văn Giàu. Còn Hoài Ni yêu thích ngành truyền thông, đặt mục tiêu trở thành sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.
"Chúng em nhận được sự hỗ trợ của giáo viên hướng dẫn là thầy Lê Văn Nam và cô Nguyễn Thu Hà, giảng viên tại Học viện cán bộ TP.HCM - người cố vấn tài chính của nhóm tại vòng thi cấp quốc gia. Bên cạnh đó, nhóm có sự đồng hành và trợ giúp của cô Đàm Phương Trâm Anh, giáo viên tiểu học, trong sáng tác và lên ý tưởng cho sản phẩm. Bên cạnh đó, để truyện có thể đạt đúng mục tiêu cùng học sinh vượt qua áp lực đồng trang lứa, trong quá trình sáng tác chúng em đã có liên hệ và nhờ sự tư vấn, giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý", nữ sinh Mai Phương cho hay.
Bộ sách của nhóm học sinh có giấy phép xuất bản và đã xuất bản 500 bộ sách với tổng cộng 3.000 quyển.
Là giáo viên dạy hóa học, thầy Lê Văn Nam cho biết thầy giữ vai trò định hướng cho nhóm học sinh về dự án và đốc thúc tiến độ công việc. "Tôi hỗ trợ các em ở những phần liên quan đến giấy phép xuất bản, đăng ký bản quyền, động viên tinh thần nhóm. Rất may là kinh nghiệm tham gia các cuộc thi nói chung và SV Startup nói riêng đã giúp tôi có được những kinh nghiệm quan trọng để truyền đạt đến các bạn", thầy giáo hóa học cho hay.
Bình luận (0)