Điều họ mong nhất lúc này là làm sao có thể bảo vệ con thoát khỏi những câu chuyện đau lòng tương tự.
Mối nguy khắp nơi
Khi vụ bé gái ở Hà Nội bị xâm hại tình dục hay bé gái ở Vũng Tàu bị dâm ô đang khiến dư luận phẫn uất, thì vụ một học sinh lớp 1 Trường tiểu học V. tại quận Thủ Đức (TP.HCM) nghi bị xâm hại tình dục ngay tại trường học vào trưa 14.2 đã khiến mọi người càng thêm lo lắng.
Bởi lẽ nguy cơ con em có thể bị xâm hại tình dục ngày càng lớn, và mối nguy hiện diện khắp mọi nơi, kể cả trong nhà lẫn trường học.
Tháng 12.2016, P., nữ sinh Trường ĐH T., đã kể lại câu chuyện trong nước mắt, khi bị chính người dượng thân thiết của mình cưỡng hiếp. Vừa sốc, vừa dị nghị, tủi hổ, P. không biết chuyện trò cùng ai. Và nỗi tủi hổ lên đến cùng cực khi liên tiếp chuỗi ngày sau đó, P. trở thành “người thỏa mãn chuyện chăn gối” cho người dượng của mình.
Tiến sĩ Xã hội học và Tâm lý học Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM), cũng cho biết chị từng tham gia nhiều chương trình về phòng chống xâm hại trẻ em, và được lắng nghe vô số câu chuyện đau lòng về xâm hại tình dục. Như một bé gái ở Bình Dương đã bị nam thanh niên cùng xóm trọ tấn công nhiều lần. Mỗi lần bị xâm hại đều bị dọa giết nên bé gái chỉ biết im lặng chịu đựng. Đến khi biểu hiện xanh xao, sợ sệt càng lộ rõ thì bố mẹ mới tá hỏa khi biết con mình là nạn nhân của xâm hại tình dục.
Cũng theo bà Thúy, bà đã nhận được rất nhiều tâm sự của bạn trẻ về vấn nạn này trên Facebook. Đáng chú ý, những nạn nhân phải chịu đựng sự hành hạ, xâm hại từ những người anh ruột, anh họ, bạn bè của bố mẹ, thầy giáo... “Nghe mà rất đau lòng”, bà Thúy chia sẻ.
|
|
Những con số ớn lạnh
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm trung bình cả nước có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Trong đó, hơn 1.200 trẻ em bị xâm hại tình dục, chiếm hơn 60% số vụ xâm hại trẻ em.
Trong khi đó, chỉ tính riêng trong năm 2016, TP.HCM có tới gần 100 vụ xâm hại tình dục trẻ em, trong đó có 24 vụ hiếp dâm, 47 vụ giao cấu.
Còn theo Tổ chức Nhân đạo Quốc tế từng công bố kết quả điều tra năm 2015 tại Hà Nội cho thấy số trẻ bị xâm hại (sờ mó, sàm sỡ) chiếm tới 78,1%.
|
|
|
Những câu chuyện đau lòng
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long (Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM) và tiến sĩ Xã hội học và Tâm lý học Phạm Thị Thúy cùng nhận định, nhiều nữ sinh trung học phổ thông hay sinh viên đại học cũng chưa biết cách để thoát khỏi nguy cơ bị lạm dụng tình dục.
Trên trang Fan Page Tham vấn tâm lý, có rất nhiều câu chuyện đẫm nước mắt mà các nạn nhân đã từng bị xâm hại, lạm dụng tình dục chia sẻ. Họ như không còn lối thoát và chỉ có thể giãi bày qua Fan Page này để tìm được sự chia sẻ, đồng cảm và mong được hướng dẫn cách để vượt qua.
Một nạn nhân đã thốt lên: “Em giữ nó trong lòng như muốn nổ tung ra đến nơi. Em đã từng bị lạm dụng tình dục. Em bị chính anh họ của mình. Nhiều lần chứ không phải một lần. Một lần là anh con bác họ nội, một lần là anh con bác họ ngoại và một lần là chú thuê nhà em mò vào phòng em khi em đang ngủ”.
Nạn nhân này kể tiếp: “Bao nhiêu năm nay những ký ức xấu xa ấy cứ theo em, em không dám kể với ai. Dù giờ hai anh kia đã lấy vợ sinh con, nhưng thú thật em phải gặp lần nào là lần đó em ớn lạnh. Hồi em học lớp 11 em bị ám ảnh quá nặng nề đến nỗi không thể ngủ nổi trong suốt 21 ngày đêm, thức trắng hoàn toàn”.
Một cô gái khác đã khóc hết nước mắt khi nhớ lại câu chuyện đã ám ảnh suốt 19 năm qua. “Khi còn nhỏ đã bị ba người đàn ông lạm dụng tình dục. Người thứ nhất là đồng hương với ba mẹ, ông ta lợi dụng lòng tốt của ba mẹ coi ông ta như anh em cứ thế mà sống trong nhà em. Em nhớ như in buổi chiều hôm ấy..., sau khi lợi dụng em, em đã chảy rất nhiều máu và ông xách em ra phi nước dội sạch trước khi ba mẹ em đi làm về và sau đó còn nhiều lần khác cho tới khi em lên lớp 8 được ba mẹ cho đi học xa nhà”. Và câu chuyện của hai kẻ đốn mạt sau dường như làm cô gái này quỵ ngã…
Rất nhiều câu chuyện tương tự đã được chia sẻ, và một điểm chung là, tất cả đều ám ảnh với những gì đã xảy ra. Họ cảm thấy nặng nề, bứt rứt và không thể sống thoải mái. Họ cảm thấy xót xa cho bản thân, cho số phận, để rồi chẳng bao giờ có thể nở một nụ cười như bao người.
Có những nạn nhân của lạm dụng tình dục, sau khi bước qua quãng đời tăm tối, có người yêu, có gia đình, nhưng rồi quá khứ với những nỗi nhục nhã ê chề đã khiến họ mất tự tin, nơm nớp lo sợ người yêu, chồng của mình sẽ biết. Nỗi ám ảnh đến nỗi khi nhìn thấy những đứa cháu gái trong gia đình dần lớn lên, họ lại lo sợ cháu mình cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
“Vì sao khi gặp chuyện không kể ra với gia đình, đặc biệt là mẹ?”, người viết hỏi. H., một nạn nhân của xâm hại tình dục, nấc lên: “Vì bị hù dọa, và thật sự mình coi đó là vết nhơ, để rồi chẳng dám nói gì, làm gì”…
Có rất nhiều những cô gái như H., “chẳng dám nói gì, làm gì”, và sống trong tủi nhục suốt nhiều năm tháng… (còn tiếp)
Kỳ sau: Làm sao để con em thoát khỏi 'yêu râu xanh'?
Bình luận (0)