Lo ngại môi trường
[VIDEO] Người miền Tây bất lực dù “trăm phương nghìn kế” diệt lục bình
|
Hiện một số hộ dân ở các huyện Mộc Hóa, Tân Thạnh (Long An) nuôi lục bình để cắt lấy thân bán. Việc “giam” nuôi lục bình trên các sông, rạch sau khi cắt lấy thân ảnh hưởng giao thông thủy và chất lượng nguồn nước; khiến người dân tìm cách “diệt” lục bình. Đáng lo ngại là việc người dân dùng thuốc trừ cỏ 2,4D để diệt lục bình diễn ra công khai hằng ngày, gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường.
tin liên quan
TP.HCM chi hơn 28 tỉ đồng để vớt lục bình, rác thải trên kênh rạchGhi nhận của PV Thanh Niên, khắp các kênh, rạch nội đồng ở các huyện phía đông của tỉnh Tiền Giang như: Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây và cả TP.Mỹ Tho, người dân tự trục vớt, trục đẩy hoặc xịt thuốc tiêu diệt lục bình.
Theo TS Nguyễn Hữu Chiếm, Khoa Môi trường và tài nguyên thiên nhiên, Trường đại học Cần Thơ, thuốc trừ cỏ 2,4D được nông dân ĐBSCL dùng để trừ cỏ lúa, là loại thuốc rất độc hại đối với sức khỏe con người. 2,4D có cấu tạo phân tử mạch vòng gần giống với chất độc da cam.
Làm nhiều cách vẫn không hiệu quả
|
Theo ông Nguyễn Quốc Minh, Phó chủ tịch UBND xã Tân Thành, xã có 5 tuyến kênh cấp 1 chảy qua địa bàn; chưa kể hơn 30 tuyến kênh cấp 2, cấp 3 hiện hữu đang “đầy ắp” lục bình. “Giá thuê trục vớt, trục đẩy lục bình từ 1,1 - 1,4 triệu đồng/km/năm. Nhưng với giá này hiện không thuê được người làm. Chúng tôi đã kiến nghị cấp trên tăng giá thuê nhân công nhưng chưa được chấp nhận”, ông Minh nêu khó khăn.
Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Tiền Giang, cho biết trong tháng 7 và 8.2018, tỉnh đã triển khai việc kiểm soát, xử lý hơn 10.000 m2 lục bình trên các tuyến sông với kinh phí gần 9 tỉ đồng. Nhưng chưa đầy nửa năm, lục bình sinh sôi đầy các tuyến sông, rạch tại các huyện phía đông thuộc 2 dự án ngọt hóa Gò Công và Bảo Định với tổng diện tích tự nhiên hơn 54.000 ha.
Ông Võ Kim Thuần, Chi cục trưởng Chi cục Nông thôn và thủy lợi tỉnh Long An, cho biết năm 2015, UBND tỉnh chi hơn 3 tỉ đồng để hỗ trợ các địa phương kiểm soát lục bình trên các tuyến kênh nội đồng; nhưng thời gian ngắn sau đó đâu lại vào đấy. Nghiêm trọng đến mức vấn đề lục bình đã được UBND tỉnh trình ra HĐND tỉnh để tìm cách giải quyết, nhưng các giải pháp sau đó đều thất bại hoặc không triển khai được. Chẳng hạn máy vớt lục bình rất được kỳ vọng hiện “đắp chiếu” trên một dòng kênh ở H.Mộc Hóa nhiều năm nay. UBND tỉnh cũng không có kế hoạch chi ngân sách để duy trì thông thoáng kênh rạch như tại Tiền Giang. “Nói thật lòng là cho đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa có giải pháp nào thực sự hiệu quả để kiểm soát được tình trạng lục bình phủ kín lòng kênh, mương nội đồng vốn gây bức xúc trong dân từ nhiều năm qua”, ông Thuần nói.
Bình luận (0)