Ám ảnh máy bay 'delay'

02/08/2024 04:13 GMT+7

Cứ bay thì gần như chắc chắn bị delay, thời gian trễ chuyến kéo dài... khiến việc đi máy bay trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người ở thời điểm hiện tại.

Xác định hễ bay là trễ

Mua vé gấp bay ra Hà Nội để giải quyết công việc, anh Thành Trung (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất lúc 11 giờ 45 để kịp làm thủ tục cho chuyến bay lúc 13 giờ 30. Tới gần giờ lên máy bay, hãng hàng không thông báo chuyến bay đổi giờ khởi hành tới 15 giờ. Sốt ruột vì công việc ngoài Hà Nội phải xử lý sớm rồi lại phải bay vào TP.HCM luôn đầu giờ sáng hôm sau, nên anh Trung tính đổi vé, mua chuyến bay sớm hơn cho kịp thời gian. Thế nhưng, vì hành lý đã làm thủ tục ký gửi theo chuyến bay nên anh đành ngậm ngùi ngồi chờ tới 15 giờ. 15 giờ, rồi 15 giờ 30, 16 giờ, đến 16 giờ 35, vẫn chưa thấy hãng mở cửa làm thủ tục ra tàu bay. Lỡ việc, anh Thành Trung đành hủy luôn chuyến bay rồi làm thủ tục lấy lại hành lý, đến hơn 17 giờ rời khỏi sân bay Tân Sơn Nhất trong sự bực bội lên đến đỉnh điểm.

Ám ảnh máy bay 'delay'- Ảnh 1.

Tỷ lệ delay tăng cao gây áp lực cho hạ tầng sân bay

"Mất cả buổi chầu chực ở sân bay không được một việc gì, lỡ hết tất cả kế hoạch, lỡ luôn cả việc ở ngoài kia và trong này. Sân bay không quá đông đúc, chứng tỏ cũng chưa quá tải, thời tiết thì tốt không mưa gió gì, không hiểu lý do máy bay về muộn là do đâu? Hàng trăm người xếp hàng chờ đợi, có người tới sớm coi như vật vờ 5 - 6 giờ đồng hồ ở sân bay, khệ nệ đồ đạc, bồng bế con nhỏ… Có việc gấp mà chọn đi máy bay kiểu này đúng là chết dở", anh Thành Trung bức xúc.

Không thể bỏ chuyến bay vì bắt buộc phải quay về TP.HCM làm việc, nhưng mẹ con chị Trần Thanh Hằng (ngụ Q.11, TP.HCM) cũng như anh Trung, phải vạ vật gần 5 giờ đồng hồ ở sân bay Phú Bài (Huế) để đợi máy bay. Đặt chuyến bay lúc 22 giờ ngày 28.7, chị Hằng chắc mẩm bay chuyến đêm thế này sẽ suôn sẻ, không lo delay. Đường bay Huế - TP.HCM cũng có rất ít chuyến bay nên không có nhiều sự lựa chọn. Thế nhưng trước ngày bay 1 ngày, chị Thanh Hằng nhận được tin nhắn của hãng, thông báo đổi giờ bay sang 0 giờ 25 sáng 29.7; sau đó tiếp tục báo trễ tới 1 giờ 5. Vì đi với con nhỏ nên việc lùi giờ bay tới hơn 3 tiếng, sang rạng sáng hôm sau khiến chị cảm thấy không thoải mái. Chị liên hệ lại với tổng đài hãng yêu cầu được đổi giờ bay sớm hơn nhưng tổng đài báo bận.

Hai mẹ con có mặt tại sân bay lúc 0 giờ trong tình trạng cậu nhóc 8 tuổi buồn ngủ ríu mắt, nhưng hành trình vẫn chưa hết chông gai. Máy bay tiếp tục đến muộn, tới 3 giờ sáng, mẹ con chị Hằng mới chính thức được cất cánh. "Cái tầm đêm hôm, rạng sáng vạ vật ở sân bay là khổ nhất. Ai cũng mệt lả, mà không được chai nước nào của hãng. Có vài khách bức xúc, thắc mắc chuyện bồi thường thì nhân viên hãng hàng không nói đã thông báo trước qua tin nhắn cho hành khách. Nếu khách đến sân bay rồi, hãng thông báo delay quá 4 giờ thì mới phải đền bù cho khách. Vậy tính ra máy bay trễ cả 5 tiếng nhưng hãng cũng không có trách nhiệm gì, chỉ hành khách chịu trận", chị Thanh Hằng thở dài ngao ngán.

Câu chuyện mòn mỏi ngồi chờ máy bay như của anh Trung, chị Hằng thời gian qua diễn ra rất phổ biến. Thanh Niên liên tục nhận được phản ánh của bạn đọc không chỉ với những đường bay trục chính như chặng Hà Nội - TP.HCM bay tới các thủ phủ du lịch Nha Trang, Đà Nẵng mà ở hầu hết các chặng bay ngách như TP.HCM - Chu Lai, TP.HCM - Quy Nhơn…, thời gian chờ đợi không còn dừng lại ở 1 - 2 giờ mà thường kéo dài tới 3 - 5 giờ. Không ít gia đình thấy giá vé máy bay giảm, tính đưa con đi chơi nốt những ngày nghỉ hè cuối cùng nhưng lại e ngại, chần chừ bởi bây giờ hễ bay là trễ.

Khách hàng ám ảnh tình trạng delay chuyến bay

MÁY bay "tăng ca" hết sức cũng không kịp

Báo cáo của Cục Hàng không cho thấy tỷ lệ chuyến bay delay bắt đầu tăng cao khi bước vào mùa cao điểm du lịch hè. Cụ thể, trong tháng 6, các hãng hàng không VN thực hiện 22.459 chuyến bay thì có 6.892 chuyến bị chậm giờ, chiếm tỷ lệ 30,7%, tăng vọt so với tháng trước (tháng 5 có 17,8% chuyến bay của các hãng hàng không VN bị delay). Đồng nghĩa trong tháng 6 có 15.567 chuyến bay đúng giờ, chiếm tỷ lệ 69,3%, giảm mạnh so với tháng trước (82,2%). Đây là tháng bắt đầu cao điểm hè, ngành hàng không tăng tải phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao của hành khách, đặc biệt là các chuyến bay từ các TP lớn đến các điểm du lịch.

Theo Cục Hàng không, 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chuyến bay cất cánh trễ giờ trong tháng 6 vẫn là do máy bay về muộn (59,5% số chuyến bay delay) và do các hãng hàng không (30,8%). Các nguyên nhân còn lại là thời tiết, quản lý, điều hành bay, trang thiết bị và dịch vụ tại sân bay và các lý do khác. Cũng trong tháng 6, có 116 chuyến bay bị hủy, chiếm tỷ lệ 0,5%. Nguyên nhân chủ yếu buộc các hãng phải hủy các chuyến bay là lý do khai thác (57,8% số chuyến bay delay), thương mại (20,7%). Còn lại là lý do kỹ thuật, thời tiết và lý do khác. Tính chung 6 tháng đầu năm, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ là 75,7%; chậm giờ là 24,3%.

Đại diện một hãng hàng không thừa nhận việc chậm, hủy chuyến là không thể tránh khỏi trong mỗi mùa cao điểm khi nhu cầu di chuyển tăng cao. Về nguyên nhân chủ quan, máy bay không phải lúc nào cũng nằm sẵn ở sân bay chờ khách mà liên tục phải điều chỉnh quay vòng đón/trả khách từ điểm này tới điểm khác. Nhất là với các hãng hàng không giá rẻ, đông khách, tốc độ quay vòng của 1 máy bay nhanh, liên tục; tốc độ quay đầu trong khoảng 25 - 30 phút với điều kiện mọi yếu tố đều đảm bảo chính xác, đúng giờ. Vì thế, chỉ cần một yếu tố tác động khiến máy bay chậm trễ tại một điểm là sẽ kéo theo trễ dây chuyền các chuyến tại điểm khác.

Đặc biệt hiện nay số lượng máy bay giảm mạnh thì vòng quay của một máy bay càng nhiều, tỷ lệ delay vì thế càng cao. Tính tới tháng 7, tổng số máy bay của các hãng hàng không VN được cấp chứng chỉ khai thác là 195 chiếc, giảm 36 chiếc. Trong khi theo tính toán, cao điểm hè năm nay, tải cung ứng cần khoảng 24 - 26 triệu ghế. Với cách vận hành thông thường, số tàu bay còn thiếu để phục vụ đợt cao điểm dự kiến từ 24 - 26 chiếc. Sau rất nhiều nỗ lực, cũng mới chỉ có Vietnam Airlines bổ sung thêm được 2 máy bay phục vụ cao điểm hè. Dù mỗi máy bay của các hãng đã phải bay hết công suất, thậm chí "bay tăng ca" nhưng vẫn rất khó để đảm bảo hết nhu cầu của thị trường.

Mặt khác, khó khăn lớn nhất đối với việc lấp khoảng trống đội bay của các hãng hiện nay là giá thuê tăng cao. Giá thuê động cơ đối với máy bay Airbus A321 tăng gấp đôi so với năm 2019, từ mức 48.000 - 50.000 USD/tháng vào năm 2019, hiện tăng lên 80.000 - 100.000 USD/tháng (khoảng 2,4 tỉ đồng/tháng). Giá thuê máy bay Boeing B-787 là 160.000 USD/tháng vào năm 2022, hiện ở mức 370.000 USD/tháng (khoảng 9,4 tỉ đồng/tháng). Chi phí phụ tùng vật tư tăng từ 10 - 13% so với thời điểm trước năm 2019.

"Trong bối cảnh hiện nay, bài toán tài chính phải được cân nhắc rất nhiều. Thực tế, số máy bay cho thuê của thế giới không quá khan hiếm, song các hãng hàng không trong nước cũng không mặn mà đưa thêm máy bay về, vì nguyên nhân sâu xa là bay nội địa không có lãi, càng bay nhiều càng lỗ. Máy bay thuê ướt (thuê kèm tổ bay, dịch vụ bảo dưỡng, bảo hiểm) mất 15 - 30 ngày, thuê khô (chỉ thuê máy bay) mất 3 tháng là cùng. Nếu các đường bay có lãi, các hãng hàng không chắc chắn sẽ có động lực tìm cách để thuê máy bay, nối đường bay, tăng tần suất", đại diện một hãng hàng không thông tin.

Công bằng với hành khách

Máy bay liên tục chậm trễ, hành khách không chỉ bức xúc vì phải chờ đợi nhiều giờ mà còn vì những quy định bồi thường "có cũng như không".

Theo Thông tư 19/2023 do Bộ GTVT ban hành, chuyến bay bị chậm là chuyến bay có thời gian khởi hành thực tế muộn trên 15 phút so với thời gian khởi hành theo kế hoạch. Trường hợp chuyến bay bị hủy, chậm không phải do lỗi của hành khách, hãng hàng không có trách nhiệm cung cấp, cập nhật đầy đủ thông tin về việc delay, hủy chuyến bay; xin lỗi hành khách và bảo đảm việc ăn, nghỉ, đi lại, các chi phí khác có liên quan trực tiếp phù hợp với thời gian chờ đợi. Nếu chuyến bay chậm từ 2 giờ trở lên, hành khách sẽ được chuyển đổi hành trình phù hợp hoặc chuyển sang chuyến bay khác.

Trường hợp chậm từ 5 giờ trở lên, nếu hành khách không yêu cầu hãng hàng không thực hiện nghĩa vụ mà yêu cầu hoàn trả tiền vé, hãng phải hoàn trả toàn bộ tiền vé hoặc hoàn trả tiền phần vé chưa sử dụng theo sự lựa chọn của khách. Trường hợp chậm kéo dài hoặc hành khách đặt vé nhưng không được vận chuyển hoặc hủy chuyến do lỗi của hãng thì ngoài những nghĩa vụ trên, khi hành khách có yêu cầu, hãng hàng không phải bồi thường ứng trước không hoàn lại cho hành khách đã được xác nhận chỗ và có vé trên chuyến bay.

Tuy nhiên trên thực tế, để khách hàng nhận được tiền bồi thường của các hãng hàng không là không hề đơn giản. Ngoài những điều kiện bất khả kháng như thời tiết, lý do an ninh, do quyết định của cơ quan nhà nước, vấn đề y tế của hành khách..., hành khách không được bồi thường khi đã nhận được tin nhắn, thông báo trước của các hãng. Chưa kể, mức bồi thường cho mỗi hành khách với chuyến bay nội địa bị chậm, hủy chuyến chỉ từ 200.000 - 400.000 đồng.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia VN, đánh giá với các quy định trên, khách hàng luôn ở thế yếu và chịu thiệt thòi. Nếu đến trễ giờ làm thủ tục thì khách mất luôn vé vài triệu đồng, hoặc phải trả thêm tiền đổi chuyến; còn các hãng trễ chuyến thì chỉ cần nhắn tin xin lỗi, nếu chậm hoặc hủy chuyến thì mức bồi thường cao nhất cũng chỉ 400.000 đồng. Điều này là chưa thỏa đáng. Bên cạnh đó, trong hoạt động hàng không, điều hành bay, phục vụ mặt đất và kết cấu hạ tầng là giống nhau, nhưng tỷ lệ delay của mỗi hãng rất khác nhau. Điều này chứng tỏ nguyên nhân delay là do năng lực vận hành của các hãng mà trực tiếp là sắp xếp, tính toán kế hoạch khai thác máy bay.

"Các cơ quan quản lý cần nghiêm túc rà soát, minh bạch trách nhiệm và quản lý chặt chẽ việc thực hiện nghĩa vụ của các hãng hàng không đối với khách hàng trong trường hợp máy bay chậm, hủy chuyến. Đây là việc cần thực hiện nghiêm túc và thỏa đáng để thể hiện coi trọng quyền lợi của hành khách, của người tiêu dùng. Đồng thời, cần có chế tài đối với những hãng hàng không chậm chuyến quá nhiều, không thể cứ xin slot thật nhiều, thực hiện không bao nhiêu, gây bức xúc cho người dân như vậy", luật sư Nguyễn Văn Hậu đề xuất.

Cần giải pháp căn cơ

Thiếu máy bay, các hãng chật vật điều chỉnh lịch bay, khách hàng khốn khổ vì trễ chuyến, còn nhiều địa phương cũng "như ngồi trên đống lửa" vì bị cắt và giảm tần suất đường bay ngay vào giai đoạn đang nỗ lực phát triển du lịch. Từ đầu năm đến nay, các tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, Thanh Hóa lần lượt phải gửi văn bản đề nghị các hãng hàng không sớm nghiên cứu khôi phục/mở thêm đường bay nối địa phương tới nhiều điểm đến nội địa và quốc tế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương, hoạt động du lịch.

Theo lãnh đạo Bamboo Airways trao đổi với Thanh Niên: Có 2 đối tượng nằm trong nhóm bị điều chỉnh cắt giảm, đầu tiên là một số điểm du lịch đang có vấn đề. Do quá nhiều vấn đề tồn tại trong tổ chức, kinh doanh và phát triển du lịch của một số địa phương, nhu cầu thị trường khách nội địa đến du lịch bị suy giảm. Các hãng hàng không thấy rằng bay cũng không hiệu quả nên bắt buộc phải giảm hoặc dừng hẳn, chờ địa phương giải quyết triệt để những bất cập về vấn đề môi trường du lịch. Đối tượng thứ hai, chiếm tỷ lệ chính, là các đường bay ngách, các đường bay tới tỉnh lẻ. Giai đoạn trước dịch, tình hình "sức khỏe" tốt nên các hãng hàng không khá quan tâm việc mở nhiều đường bay tới các tỉnh lẻ. Thực tế, các đường bay này chỉ có lỗ, không có lãi nhưng tổng thể các hãng vẫn "chịu đựng" được nên đầu tư để hy vọng phát triển thị trường trong lâu dài. Tuy nhiên trong tình hình tài chính hiện nay, các hãng đều đứng trước tình trạng sống còn, căng mình gồng lỗ. Vì thế, hãng phải cắt nhiều đường bay tuyến lẻ đến các địa phương có dung lượng thị trường không cao.

"Thực tế giá vé máy bay cao, các đường bay bị cắt/giảm tần suất hay tỷ lệ delay tăng cao cũng đều là biểu hiện của một thị trường hàng không nội địa đang có nhiều vấn đề. Những khó khăn, thách thức mà các hãng đã nêu rõ, đề xuất được tháo gỡ rất nhiều lần thời gian qua vẫn chưa được giải quyết triệt để. Chừng nào những tồn tại về cơ chế giá vé, công tác quản lý, hạ tầng… chưa được giải quyết, sức khỏe của các hãng hàng không chưa được phục hồi, thì những "vấn nạn" khiến mọi người có cái nhìn tiêu cực về hàng không như vậy vẫn sẽ còn tiếp diễn", đại diện Bamboo Airways thẳng thắn nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.