Nhiều nhà vệ sinh (NVS) công cộng ở Hà Nội bị chiếm dụng để kinh doanh như làm quán photocopy, thậm chí là nơi bán đồ ăn, thức uống.
Nhà vệ sinh trở thành quán nước ở bến xe Mỹ Đình - Ảnh: Phạm Nga
|
Quán nước trong NVS
Phía ngoài cổng của bến xe Mỹ Đình, Q.Nam Từ Liêm có 2 NVS công cộng, tuy nhiên, cả 2 NVS này đều bị chiếm dụng mở quán bán nước. Điều đáng nói, khách khi có nhu cầu đi vệ sinh đều rất khó khăn vì không biết làm thế nào để bước chân vào. Cả mặt trước và sau NVS đều có người bán nước. Khách chen chúc chiếm hết lối đi. Theo quan sát của PV Thanh Niên, NVS công cộng này có 4 phòng nhưng nhân viên vệ sinh thường chỉ mở cửa 1 phòng duy nhất. Còn lại các diện tích khác bị tận dụng làm nơi để các loại chai nước và thùng đựng đá...
Tại khu vực Xuân Thủy, Q.Cầu Giấy, gần chợ đêm sinh viên Dịch Vọng, cũng có 1 NVS được chiếm dụng thành nơi bán quán ăn, có treo biển hẳn hoi. Theo quan sát của PV Thanh Niên, NVS này quay mặt vào trong, lưng quay ra đường nên khi người bán hàng căng bạt che khuất thì người đi đường khó phát hiện ra. Anh Lê Anh (22 tuổi, Cầu Diễn, Hà Nội), cho biết: “Tôi thấy có biển đề quán bún nên tấp vào ăn, cứ nghĩ đó là quán vỉa hè bình thường nhưng khi ngồi thì mùi hôi thối bốc lên. Đến khi tôi hỏi chủ quán chỗ đi vệ sinh thì mới biết mình đang ăn ngay cạnh NVS công cộng”.
Nhiều người đến Công viên vườn hoa, gần Trường ĐH Công Đoàn (P.Quang Trung, Q.Đống Đa) hết sức ngạc nhiên khi NVS công cộng ở đây được cơi nới thành… cửa hàng photocopy. Mặc dù có đề tên “NVS công cộng” nhưng gần như bị khuất lấp, vì phía trước NVS đã treo biển quán photocopy to tướng. Xung quanh NVS này cũng có tới 2 quán nước. Khách hàng ra vào tấp nập rồi vô tư uống nước.
Bán quán để “làm đẹp NVS”
Trao đổi với Thanh Niên, ông Ngô Bá Quang, Phó giám đốc Công ty CP Xử lý chất thải xây dựng và Đầu tư phát triển môi trường Hà Nội, đơn vị quản lý các NVS công cộng ở bến xe Mỹ Đình, cho biết, rất nhiều lần công ty đã đến kiểm tra tại khu vực này. “Đúng là có lần phát hiện công nhân NVS ở đây bán nước, công ty đã yêu cầu chấm dứt. Công ty sẽ nghiêm khắc kiểm tra, kiểm điểm thái độ của công nhân viên, cũng như tình trạng bán nước trong NVS để không tái diễn”, ông Quang nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, NVS ở Công viên vườn hoa P.Quang Trung cũng do công ty này quản lý. Trao đổi với Thanh Niên, ông Đường Phan Quyết, phụ trách NVS tại đây cho biết: NVS này được xây dựng cách đây khoảng 20 năm và có một phòng điều hành. Tuy nhiên, lâu nay có một phòng vốn chỉ để đồ vệ sinh, nên nhân viên của công ty tận dụng để mở quán photcopy và bán một ít sách báo phục vụ cho sinh viên các trường ĐH Công Đoàn, ĐH Thủy Lợi. Theo ông Quyết, phòng điều hành này nhìn ra phố Tây Sơn, còn NVS quay mặt vào trong nên việc mở quán photocopy ở đây không có vấn đề gì. Ngược lại, còn “làm đẹp” cho công viên vườn hoa của phường!
Về việc các quán nước bày bán ở xung quanh NVS, ông Quyết đánh giá là mất mỹ quan, nhưng do công ty chỉ quản lý NVS nên không giải quyết được. Trong khi đó, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND P.Quang Trung, Q.Đống Đa, nơi có NVS, lại cho rằng: “NVS thuộc công viên vườn hoa, không thuộc quản lý của phường nên phường không thể can thiệp!”.
Bình luận (0)