Ám ảnh thân phận trong tranh của Lê Minh Phong

24/09/2021 14:00 GMT+7

Tiếp xúc với tranh Lê Minh Phong, có nhiều trạng thái cảm xúc về thân phận, có khi chạm tới mức... ám ảnh. Đặc biệt ở đó là những nỗi ám ảnh, vết thương rồi chữa lành được anh vẽ tự nhiên, cuốn hút người xem.

Ngã rẽ từ văn chương đến với hội họa của nhà văn Lê Minh Phong khá lãng tử, bằng còn đường tự vẽ, chứ cũng không tự học để trở thành một họa sĩ theo quan niệm bài bản.
Một phía - số này đông hơn khá nhiều - thích tranh Lê Minh Phong là vì nó không bài bản, nó bất toàn và tự do. Số thích này thì ít thể hiện ra bằng lời nói mà thích bằng hành động, nên mấy năm gần đây Lê Minh Phong bán tranh khá đều đặn.

Một tác phẩm thuộc series Hót của họa sĩ Lê Minh Phong

Ảnh: NVCC

Trong những người mua tranh Lê Minh Phong, cũng có một số là nhà sưu tập bài bản, hoặc một số là người chơi tranh có hiểu biết về hội họa, có cái nhìn cởi mở về tranh. Nhưng có lẽ đa số thích các tác phẩm của Lê Minh Phong là vì nỗi buồn bí ẩn, bi mà không lụy, nơi các nhân vật toát ra.
Ở đó, có những ám ảnh, những vết thương rồi chữa lành… mà tiềm thức nhiều người đã gợi về với thuở thiếu thời của mình. Ở đó, có cái không khí châu thổ của xứ sở nông nghiệp ngàn đời, có cái hồi tưởng về những hình ảnh, những câu chuyện, những tự tình đã trở thành dĩ vãng.
Thuộc thế hệ 8X, Lê Minh Phong là nhà văn miệt mài, viết đa dạng thể loại với nhiều bút danh. Anh bảo vệ thành công thạc sĩ lý luận văn học từ nhiều năm trước, từng là biên tập viên của tạp chí Sông Hương (Huế). Với truyện ngắn, Lê Minh Phong có thừa số lượng để in 5-7 tập, riêng hai tập Chưa đủ để gọi là khoảng khắc (NXB Văn học, 2011), Trong tiếng reo của lửa (NXB Trẻ, 2015) đã để lại ấn tượng khá tốt trong lòng độc giả.

Khúc nhạc khởi sinh (sơn dầu trên bố, 120cm x 80cm)

Người đàn bà đi tìm con (sơn dầu trên bố, 120cm x 80cm)

Con thuyền của em tôi (sơn dầu trên bố, 120cm x 80cm)

Bài viết đầu tiên của chú cừu (sơn dầu trên bố, 160cm x 120cm)

Ảnh: NVCC

Năm 2014, sau một thời gian mày mò tự học hội họa, lần đầu tiên Lê Minh Phong tham gia triển lãm nhóm ở Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội. Lúc đó anh tâm sự: “Trong hội họa, tôi không có tham vọng mô phỏng mà muốn trưng ra những va chấn, những áp chế nằm sâu trong nội giới”. Suốt hai năm qua, với hội họa, anh đã vẽ rất nhiều tác phẩm; có một website chuyên văn học đã giới thiệu hơn 50 tác phẩm sơn dầu và acrylic của anh.
Nhà văn này “không có tham vọng mô phỏng”, đúng hơn, không đủ khả năng về kỹ thuật màu sắc để mô phỏng. Thế nhưng, đặc điểm chính trong hội họa Lê Minh Phong là sự “diễn ý". Anh chọn ra một vài kỹ thuật và biểu tượng khá quen thuộc trong hội họa để diễn tả một trạng huống không hề gần gũi. “Để vẽ cái chết, dĩ nhiên tôi không có một chút kinh nghiệm nào cả. Tôi chỉ biết lấy màu trắng đục của thân phận, màu đỏ của máu, màu tàn úa của rừng cây, màu của đất đai khô cằn và màu của rêu xanh bất tận trong từng linh hồn sống đọa để mong chạm vào cái chết”, Lê Minh Phong tâm sự. 

Tiếng hát của tôi (sơn dầu trên bố, 200cm x 100cm)

Tiếng hót cuối cùng (sơn dầu trên bố, 200cm x 100cm)

Con thuyền của tôi (sơn dầu trên bố, 100cm x 200cm)

Người điên trên đồi (sơn dầu trên bố, 120cm x 80cm)

Người chờ ánh sáng (sơn dầu trên bố, 120cm x 80cm)

Lời nguyền (sơn dầu trên bố, 100cm x 200cm)

Ảnh: NVCC

Hiện Lê Minh Phong vẫn đang nỗ lực tìm kiếm cái đẹp từ những tiềm thức bi kịch đã được chữa lành hoặc phong kín ấy. Nỗ lực đưa chất biểu hiện xã hội vượt qua tính chất cổ động, mà hội họa diễn ý dễ gặp phải.
Nói chung, do xuất thân văn chương, vẫn còn hành nghề văn, có nỗ lực lấy căn nền triết-mỹ để khám phá bản thân và sự vật, nên điều này cũng hiện diện đây đó trong các bức tranh của Lê Minh Phong. Dù có quan niệm và cách thức khác nhau, nhưng xem tranh Lê Minh Phong ngày nay khiến người xem thường gợi nhớ về Bửu Chỉ (1948-2002), một họa sĩ xuất thân từ văn chương và từng lấy căn nền triết - mỹ để vẽ, cũng từng làm rạng ranh cho xứ Huế mộng mơ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.