Ảm đạm ‘thánh đường’ cải lương

14/10/2018 12:06 GMT+7

Đến ‘thánh đường’ cải lương vào buổi chiều thứ 6, mà không khí quanh nhà hát chẳng “cải lương” chút nào.

Tôi đến Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (136 Trần Hưng Đạo, P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM) vào trung tuần tháng 10, khi mà không khí tranh luận về việc: Liệu HĐND TP.HCM thông qua tờ trình cho dự án xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc, vũ kịch với kinh phí hơn 1.500 tỉ đồng ở Thủ Thiêm (Q.2) có hợp lý không đang là đề tài nóng lên ở các diễn đàn, đặc biệt là mạng xã hội.
Trong bối cảnh ấy, không ít người so sánh đến hiệu quả đầu tư cho Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, vốn được mệnh danh là “thánh đường” cải lương, cũng được đầu tư đến 132 tỉ đồng (sau khi bị “đội vốn”) nhưng suốt thời gian dài hoạt động khá ảm đạm so với vẻ ngoài khang trang, nhìn từ hướng đường Trần Hưng Đạo.
Ảm đạm từ không khí đến những con người đang làm việc nơi thánh đường ấy. Nói thế bởi có vẻ họ đang làm trên “cái nền” của một quá khứ vàng son, có thay đổi nhưng vẫn chưa thể toại nguyện với giấc mơ... “thánh đường”.
Tôi được một người có thẩm quyền của “thánh đường” cải lương tiếp chuyện và được biết, tại đây mỗi tuần chỉ có một xuất diễn - trong cái khán phòng được an ủi gọi là “ấm cúng” ấy bởi khi xây dựng lại nhỏ hơn so với rạp cũ.
Ông Phan Quốc Kiệt, Phó giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, khi được hỏi về điều kiện sân khấu, vẫn hay dùng từ “ấm cúng” để miêu tả về tình hình hoạt động của 3 đoàn cải lương ở đây.
“Một tuần chỉ một xuất diễn thì làm sao sống?”, chúng tôi buột miệng. “Mỗi suất diễn rất ít khán giả. Tôi chỉ mong khoảng 100 người đến xem cho một suất là đã vui lắm rồi. Tình hình sân khấu cải lương hiện nay khá ảm đạm. Một vở diễn trước đây có thể “sống” từ 3 - 5 năm. Nhưng nay thì nhu cầu của khán giả xem cải lương khác rồi. Họ muốn có những cái mới hơn. Nên sắp tới chúng tôi sẽ dàn dựng lại một số vở cũ và cả những vở mới để mong “sáng đèn” nhiều hơn”, ông Kiệt chia sẻ.
Đến “thánh đường” vào buổi chiều thứ 6, mà không khí quanh nhà hát chẳng “cải lương” chút nào. Không có nhiều poster giới thiệu chương trình hay các băng rôn quảng cáo vở diễn. Có cảm giác nhà hát này cứ trống trải và “rộng” quá so với nhu cầu xem cải lương của người dân thành phố.
Lời chia sẻ của vị phó giám đốc khiến người viết chanh lòng: “Thật ra cải lương là môn nghệ thuật đặc thù. Khán giả đã thích thì ở đâu họ cũng tới xem. Ngồi trong một khán phòng sang trọng không phải là điều quá quan trọng với họ. Nên thật lòng tôi chỉ mong mỗi suất diễn có khán giả nhiều là chúng tôi vui, là động lực để làm nghề”.
Một nhà hát rộng rãi, nhiều tầng được xây dựng mới trên con đường trung tâm thành phố nhưng lại “ảm đạm” khán giả đến rạp, chỉ có 1 suất diễn mỗi tuần thì dường như chỉ để “trang trí” vì nếu thực sự đã là “thánh đường” thì phải có những “con chiên” mộ đạo...
Bước ra khỏi thang máy, quay đầu nhìn lại, tôi thấy tấm giấy dán ngay cửa: “Chú ý thang máy chỉ sử dụng cho 4 người một lần...”. Đến sảnh chính, chúng tôi nghe văng vẳng đâu đó tiếng cụng ly chúc tụng. Chắc có tiệc tùng gì trong nhà hát hay sự kiện gì được tổ chức nơi đây (!?).
Hụt hẫng! Có lẽ, “thánh đường” cải lương chỉ có trong giấc mơ!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.