Ấm lòng giáo viên vùng sạt lở

20/11/2020 08:02 GMT+7

Những phần quà của bạn đọc Báo Thanh Niên trao tận tay giáo viên vùng cao Quảng Nam dịp 20.11 như một sự động viên, chia sẻ kịp thời đối với thầy cô đang gặp khó khăn ở miền đất thiên tai.

Tổng cộng 100 suất quà (2 triệu đồng/suất tiền mặt) vừa được Báo Thanh Niên phối hợp với Tỉnh đoàn Quảng Nam tổ chức trao cho các giáo viên tại 2 huyện vùng cao Nam Trà My, Phước Sơn (Quảng Nam) hôm 18.11.

Không còn nhà để về…

Cơn lũ quét chiều 28.10 đã cuốn trôi hoàn toàn căn nhà gỗ vừa dựng xong của vợ chồng cô giáo Hồ Thị Thùy Dung. Cô Dung, 29 tuổi, người Giẻ Triêng, giáo viên văn Trường phổ thông dân tộc nội trú H.Phước Sơn. Nhà cô nằm trong số hàng chục ngôi nhà ở xã Phước Thành (H.Phước Sơn) bị lũ cuốn trôi. Để có tiền dựng căn nhà gỗ, ngoài số tiền tích góp được, vợ chồng cô còn phải cầm cố sổ lương vay thêm 200 triệu đồng. Sau 4 tháng thi công, chưa kịp dọn đến ở một ngày nào thì lũ ập đến.
“Không tìm thấy gì còn lại sau trận lũ ngoài đống đổ nát. Nhà bị lũ cuốn trôi nên cũng chẳng có chỗ để tá túc. Vợ chồng tôi cùng hai con dọn đến trú tạm tại nhà một người bác ngoài TT.Khâm Đức”, cô Dung nói. Tuy nhiên, cô vẫn nhận thấy mình còn may mắn hơn nhiều người khác. Bởi đợt mưa lũ vừa rồi, nhiều hộ dân mất nhà, trôi tài sản, lấp ruộng vườn, hư hỏng cây quế… “Mình vẫn còn có đồng lương nhưng người dân thì không còn gì cả. Họ muốn sản xuất tái thiết cuộc sống nhưng ruộng vườn không có. Chúng tôi thường xuyên động viên nhau để vượt qua giai đoạn khó khăn này”, cô tâm sự.
Xã Phước Thành và Phước Lộc bị cô lập thời gian dài, nên để đến được địa phận xã Phước Kim nhận quà của bạn đọc Báo Thanh Niên, nhiều giáo viên phải đi bộ rất xa. Trong số đó, có cô giáo Hồ Thị Táo (30 tuổi, ở xã Phước Thành). Căn nhà của gia đình cô Táo cũng hư hỏng nặng do sạt lở. Tốt nghiệp Trường ĐH Quảng Nam năm 2015, cô Táo xin về giảng dạy tại Trường tiểu học - THCS Phước Thành từ đó đến nay. “Được nhận phần quà này, tôi thấy vui, hạnh phúc và dường như đã được an ủi phần nào trong dịp 20.11”, cô Táo bày tỏ.
Ấm lòng giáo viên vùng sạt lở1

Giáo viên Trường tiểu học Trà Leng dọn bùn đất để đón học sinh đi học lại

ẢNH: NAM THỊNH

Món quà ấm áp

Ở địa bàn phía tây nam Quảng Nam, đoàn cứu trợ của Báo Thanh Niên và Tỉnh đoàn Quảng Nam đã chọn 2 điểm để dừng chân: xã Trà Don và xã Trà Mai (H.Nam Trà My). Cô Lê Thị Hòe (26 tuổi, quê H.Thăng Bình, hiện đang dạy ghép lớp 1 và lớp 2 tại điểm trường thôn của Trường tiểu học Trà Tập, H.Nam Trà My) xúc động: “Phần quà của bạn đọc Báo Thanh Niên đến với giáo viên chúng tôi thời điểm này thật ý nghĩa và ấm áp vô cùng. Tôi rất vui!”.
Năm 2015, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Quảng Nam chuyên ngành sư phạm, cô Hòe tình nguyện đăng ký lên vùng cao giảng dạy. Những ngày đầu, phải đi bộ hàng giờ đồng hồ đường rừng, vượt qua những ngọn núi dựng đứng từ điểm trường chính mới lên điểm thôn. Để dạy chữ cho học sinh vùng cao còn bập bẹ tiếng Kinh, các giáo viên như cô Hòe từng phải tự học tiếng của đồng bào để dạy học, sau đó “dịch” ra tiếng Kinh để giúp học trò dần làm quen... “Lương giáo viên dạy hợp đồng chỉ được khoảng 3 triệu đồng/tháng, mà phải lo cho con cái nữa, nên thiếu thốn trăm bề. Nhưng có khó khăn đến mấy, chúng tôi cũng sẽ cố gắng bám trụ nơi rẻo cao này, để đưa con chữ đến với các em”, cô Hòe quả quyết.
Mang đôi ủng vẫn lấm lem bùn đất khi đến xã Trà Mai, cô Hồ Thị Thiên Nga (giáo viên Trường tiểu học Trà Leng) cho hay điểm Trường tiểu học Trà Leng cũng bị sạt lở, cuốn trôi nhiều tài sản... “Sạt lở khiến hàng chục người chết và mất tích vẫn đang ám ảnh các bậc phụ huynh, nên mấy ngày gần đây trời nắng ráo nhưng nhiều người vẫn lo sợ, không dám cho con em đến trường. Hôm nay được nhận món quà này, tôi rất xúc động vì biết có nhiều bạn đọc đang nhớ về thầy cô giáo vùng cao”, cô Nga chia sẻ.
Ở Trường tiểu học Trà Leng, có 343 học sinh, trong đó 239 học sinh bán trú; 2 học sinh của trường thiệt mạng, 1 giáo viên có mẹ tử vong trong vụ lở đất tại nóc Ông Đề. “Giáo viên nhà trường vốn đã rất khó, sau đợt thiên tai này càng khó khăn bội phần. Sau thảm họa lở đất ở Trà Leng, một số đoàn thiện nguyện đến thăm hỏi, tặng quà cho nhà trường và học sinh. Món quà của Báo Thanh Niên dành cho các thầy cô nhân dịp 20.11 chứa đựng quá nhiều tình cảm và ý nghĩa!”, thầy Hiệu trưởng Bùi Quang Ngọc thổ lộ.
Ông Châu Minh Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Trà Mai, cũng khẳng định sự khích lệ, động viên của cộng đồng dành cho H.Nam Trà My và các địa phương vùng thiên tai khác là rất đáng trân trọng. “Hôm nay, riêng chương trình cứu trợ của Báo Thanh Niên hướng đến một đối tượng tương đối khác từ trước đến nay, đó chính là thầy cô. Vì là vùng cao, có thể thấy công tác giảng dạy cũng như sinh hoạt của thầy cô gặp rất nhiều khó khăn, nhưng vẫn quyết bám trụ cùng học sinh. Món quà nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam là sự động viên tinh thần, rất có ý nghĩa với các thầy cô giáo”, ông Nghĩa nói.
Hơn 32 tỉ đồng giúp đồng bào miền Trung
Tính đến 17 giờ ngày 19.11, bạn đọc đã đóng góp hơn 32 tỉ đồng cứu trợ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do bão lũ bằng nhiều hình thức, phối hợp với Báo Thanh Niên trực tiếp đến hiện trường, chuyển khoản hoặc đến tòa soạn trao tiền mặt.
Trong đó tiền mặt đóng tại tòa soạn là: 5.300.897.578 đồng, đã chi: 5.286.301.343 đồng, còn lại: 14.596.235 đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.