Ngày 20.12, đội điều tra đặc biệt gồm 18 người của Nga đã đến thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ để điều tra vụ viên cảnh sát Mevlut Mert Altintas sát hại Đại sứ Andrei Karlov vào đêm 19.12 (giờ địa phương). Thi thể của nhà ngoại giao xấu số cũng được đưa lên máy bay chở về nước.
Ông Karlov trúng 4 phát đạn từ phía sau lưng khi đang phát biểu tại lễ khai mạc cuộc triển lãm ảnh mang tên “Nước Nga qua con mắt người Thổ Nhĩ Kỳ” tại Ankara và khi được đưa đến bệnh viện thì ông đã qua đời.
tin liên quan
Nhà báo chứng kiến tay súng bắn chết Đại sứ Nga: Chạy hay chụp ảnh?Với một phóng viên ảnh, chụp hình là nghiệp sống chết. Điều đó đúng 100% theo nghĩa đen khi phóng viên ảnh Burhan Ozbilici chứng kiến cảnh tay súng Thổ Nhĩ Kỳ bắn chết Đại sứ Nga. Và Ozbilici đã quyết định đứng lại chụp hình.
Lỗ hổng an ninh
Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, hung thủ Mevlut Mert Altintas, 22 tuổi, là thành viên đơn vị cảnh sát chống bạo động và đã phục vụ được 2 năm rưỡi. Những người quen biết mô tả người này là một thanh niên “nhanh nhẹn, tích cực” và không tỏ dấu hiệu bất thường nào. Tuy nhiên, hãng tin Anadolu dẫn một số nguồn tin tiết lộ Altintas đang bị đình chỉ công tác vì bị nghi ngờ dính líu tới cuộc đảo chính hụt hồi tháng 7.
Người này ăn mặc chỉnh tề và sử dụng phù hiệu cảnh sát để tiến vào phòng triển lãm. Thiết bị kiểm tra kim loại tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại đã báo động khi Altintas bước qua, nhưng bảo vệ đã cho y vào vì thấy phù hiệu cảnh sát.
Sau khi bắn 9 phát về phía Đại sứ Karlov, Altintas nổ súng thêm 2 lần và hô những khẩu hiệu Hồi giáo cũng như chỉ trích Nga về tình hình thành phố Aleppo ở Syria. Cuối cùng, hung thủ bị lực lượng an ninh bắn hạ. Có một số ý kiến cho rằng nếu Altintas bị bắt sống thì sẽ thuận lợi hơn trong việc điều tra, nhưng tờ Hurriyet dẫn lời đại diện lực lượng an ninh khẳng định khi đó tình hình rất nguy hiểm và hung thủ đã tỏ rõ quyết tâm thà chết để chống cự đến cùng.
Trong ngày 20.12, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ cũng tiến hành đợt truy quét quy mô lớn và tạm giữ 6 người. Trong số này có mẹ, em gái và bạn cùng phòng, vốn cũng là cảnh sát, của Altintas.
Những diễn biến trong vụ ám sát khiến nảy sinh nhiều quan ngại về lỗ hổng an ninh tại Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt khi nạn nhân là đại diện ngoại giao cao nhất của một nước khác và chắc chắn đạt tiêu chuẩn được bảo vệ. Vụ việc xảy ra tại khu vực đặt sứ quán của nhiều nước, nhưng chỉ cần mang phù hiệu cảnh sát là hung thủ có thể tự do hành động. Vài giờ sau vụ ám sát ông Karlov, cảnh sát đã bắt giam một tay súng xông vào Đại sứ quán Mỹ nhưng chưa rõ 2 vụ có liên quan với nhau hay không.
tin liên quan
Vụ ám sát Đại sứ Karlov và mối quan hệ Nga - Thổ Nhĩ KỳQuan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều biến động lớn trong nhiệm kỳ của Đại sứ Andrei Karlov, người bị ám sát ngày 19.12. Tuy nhiên giới chuyên gia nhận định sẽ không có khủng hoảng xảy ra giữa 2 nước trong thời gian tới.
Giữ vững hợp tác
Trong ngày 20.12, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và các quan chức cấp cao của hai nước đều cực lực lên án vụ tấn công, xem đây là âm mưu khiêu khích nhằm làm tổn hại quan hệ song phương.
Sau giai đoạn căng thẳng tột cùng hồi năm ngoái vì vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu Nga, hai bên đã dần cải thiện quan hệ và đang hợp tác chặt chẽ về nhiều mặt, đặc biệt là trong quan hệ với phương Tây, cuộc chiến chống khủng bố và vấn đề Syria. CNN dẫn lời ông Putin khẳng định thủ phạm đứng sau vụ ám sát sẽ bị lôi ra ánh sáng và trả giá, đồng thời tuyên bố Moscow và Ankara sẽ đáp trả bằng cách tăng cường hợp tác chống khủng bố trên toàn cầu.
Trong ngày 20.12, báo chí và dư luận Nga cũng tỏ ra tránh mọi suy đoán mang tính “thuyết âm mưu” hay chỉ trích nặng nề chính quyền Ankara, mà tập trung vào kêu gọi điều tra cũng như thắt chặt an ninh. Chưa có tổ chức nào nhận trách nhiệm vụ việc, nhưng có một số giả thuyết cho rằng Altintas dính líu tới giáo sĩ Fethullah Gulen đang lưu vong tại Mỹ. Ông này từng là đồng minh với Tổng thống Erdogan nhưng đã chuyển sang thế đối đầu “không đội trời chung” và cũng bị cáo buộc đứng sau vụ đảo chính hụt hồi tháng 7.
Thổ Nhĩ Kỳ đặt tên đường theo tên Đại sứ Karlov
Ông Andrey Karlov từng đảm nhiệm nhiều nhiệm kỳ ngoại giao tại CHDCND Triều Tiên trước khi trở thành Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2013. Trong giai đoạn quan hệ song phương xuống dốc nghiêm trọng vì vụ bắn hạ máy bay năm 2015, ông Karlov được đánh giá là luôn giữ được sự điềm tĩnh và đảm nhiệm tốt vai trò của mình. Lời nói cuối cùng của Đại sứ Nga trước khi bị bắn chính là “Phá thì dễ nhưng xây thì rất khó”. Tờ Hurriyet ngày 20.12 dẫn lời Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu thông báo nước này quyết định đổi tên con đường trước Đại sứ quán Nga và phòng triển lãm nơi xảy ra thảm kịch theo tên Đại sứ Karlov.
Cùng ngày, trả lời câu hỏi của phóng viên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam lên án mạnh mẽ vụ tấn công bằng súng khiến Đại sứ Liên bang Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov thiệt mạng. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến chính phủ, nhân dân Nga cùng gia đình Đại sứ Andrei Karlov và tin tưởng rằng tội ác này sẽ bị trừng trị thích đáng”, theo TTXVN. Lãnh đạo chính phủ và đại diện ngoại giao nhiều nước, tổ chức quốc tế đều kịch liệt lên án vụ ám sát là hành động “tàn bạo và hèn hạ”.
|
Bình luận (0)