Âm nhạc từ nhạc cụ giao hưởng sẽ truyền tải được sâu sắc tinh thần bộ phim

30/05/2019 14:19 GMT+7

Vì sao những đêm hòa nhạc chủ đề nhạc phim luôn thu hút công chúng? Âm nhạc giữ vai trò thế nào trong một bộ phim? Và vì sao nhạc phim Việt chưa được đầu tư đúng với vai trò của nó trong tác phẩm điện ảnh?

Đó là những vấn đề được không ít nhạc sĩ và giới làm phim quan tâm, băn khoăn lẫn trăn trở, khi việc đầu tư cho âm nhạc trong phim thường “bị” nhà sản xuất “hờ hững”. Theo nhìn nhận của những nhạc sĩ soạn nhạc cho phim, nhà đầu tư thường “chịu chi” cho những gì người ta thấy hơn là nghe (âm nhạc, âm thanh). Quanh những “nỗi niềm” âm nhạc trong phim, Thanh Niên Online có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh, người soạn nhạc cho phim Đường đua (được trao tặng giải thưởng Cánh diều vàng năm 2013 cho phần âm nhạc xuất sắc nhất) và phim Đảo của dân ngụ cư. Anh hiện là Trưởng phòng Tổ chức Biểu diễn của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO).

Phim Việt ít đầu tư lớn cho âm nhạc

* Ở cả vai trò là người soạn nhạc cho phim lẫn góc độ người làm công tác quản lý tổ chức biểu diễn, theo anh vì sao những đêm nhạc phim của HBSO luôn “cháy vé”?
- Nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh: Thứ nhất, vì ngày nay bộ môn nghệ thuật thứ 7 - điện ảnh dường như trở thành sở thích của đối tượng lớn khán giả; hoặc nếu ai đó không quá yêu thích phim ảnh, thì họ cũng đã từng xem những bộ phim thuộc hàng kinh điển của điện ảnh thế giới. Đó là những kiệt tác điện ảnh được các hãng phim và nhà sản xuất đầu tư rất công phu và tỉ mỉ, vì thế âm nhạc của những bộ phim đó đóng vai trò rất quan trọng và thường đọng lại sâu trong tim, trong tâm trí, ký ức người xem.
Vì thế, mỗi lần HBSO lên chương trình cho đêm nhạc phim, đều chọn lọc rất kỹ những ca khúc (OST) hay những bản nhạc nền (film score) từ những bộ phim nổi tiếng nhất trong kho tàng điện ảnh thế giới. Thông qua đêm nhạc phim, khán giả ở mọi lứa tuổi đều có thể tìm thấy đâu đó những ký ức tuổi thơ, những cảm xúc sôi nổi của tuổi trẻ hay những khoảnh khắc ấn tượng của nhịp điệu thời đại mới…
Ngày nay, khi nhạc sĩ viết nhạc phim mà muốn viết cho dàn nhạc giao hưởng, thì sẽ phải thuê các dàn nhạc chuyên nghiệp thu thanh, và chi phí thường rất cao. Do đó, hầu như các nhà sản xuất sẽ không đầu tư nhiều vào phần âm nhạc cho phim được.
Nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh                         
Lý do thứ hai của việc "cháy vé" này là hầu như những hãng phim lớn trên thế giới đều đầu tư rất kỹ và chuyên nghiệp cho âm nhạc trong phim. Nếu như các diễn viên muốn thành danh, trở thành các ngôi sao điện ảnh hạng A phải trải qua biết bao lần casting tuyển chọn vai, cũng như quá trình dấn thân theo nhân vật… thì âm nhạc trong phim cũng vậy, với rất nhiều công đoạn: từ nhạc sĩ sáng tác được chọn với chuyên môn cao, có ngôn ngữ âm nhạc riêng của mình và cảm xúc âm nhạc tinh tế, sâu sắc.
Vì thế, khi một bộ phim thành công, khán giả không chỉ nhớ đến diễn viên hay bình luận mãi về nội dung phim, mà lưu lại trong tâm trí họ còn là các ca khúc nhạc phim, những nét nhạc nền trong phim. Nhất là ngày nay với kỹ xảo điện ảnh siêu việt, thì nhạc nền trong phim cũng tiến lên một tầm cao mới, hoành tráng và choáng ngợp hơn đến thính giác của khán giả.
Tất cả mọi chi tiết của việc sản xuất một bộ phim được đầu tư công phu và chuyên nghiệp như vậy, nên những đêm nhạc phim kinh điển của thế giới luôn được khán giả yêu nhạc, yêu điện ảnh mong chờ hàng năm, ở bất kỳ quốc gia nào.
Ca sĩ Võ Hạ Trâm biểu diễn cùng dàn nhạc HBSO ca khúc trong phim My heart will go onFrozen trong Đêm nhạc phim mới đây của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM ẢNH: HBSO
* Vì sao trong những đêm nhạc phim này lại ít thấy nhạc của phim Việt, thưa anh?
- Hầu như các bộ phim của Việt Nam không được đầu tư kinh phí lớn cũng như sự quan tâm một cách nghiêm túc vào âm nhạc. Nên các nhạc sĩ sáng tác nhạc cho phim sẽ thường sáng tác trực tiếp qua các phầm mềm điện tử với các âm thanh nhạc cụ được sử dụng từ các thư viện âm thanh có sẵn mà không cần phải thu nhạc cụ biểu diễn sống, để tiết kiệm thời gian và chi phí; hoặc nhiều nhạc sĩ có phong cách sáng tác thông qua âm nhạc điện tử và âm thanh hiệu ứng, như thế sẽ rất khó cho dàn nhạc chúng tôi có thể biểu diễn, vì không có những bản tổng phổ và phân phổ cho từng nhạc cụ, từng bè trong dàn nhạc.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những nhạc sĩ với tư duy sáng tác cho dàn nhạc giao hưởng hoặc cho nhóm nhạc cụ hòa tấu thì thường sẽ viết ra những nốt nhạc cho từng nhạc cụ, từng bè trong dàn nhạc, khi đó dàn nhạc giao hưởng HBSO có thể biểu diễn trên sân khấu nhà hát, trong phòng hòa nhạc như những tác phẩm khí nhạc chuyên nghiệp.
Dàn nhạc HBSO đã từng trình diễn tại Nhà hát TP.HCM trích đoạn “Thần tài” từ nhạc phim Lấy chồng người ta do nhạc sĩ Đức Trí sáng tác, “Làn gió nhẹ bay” trích từ nhạc phim Đường đua do tôi sáng tác, với sự chỉ huy của nhạc trưởng Trần Nhật Minh. Và đặc biệt là Tổ khúc “Hồi tưởng” được tôi sáng tác và chuyển soạn lại từ toàn bộ nhạc nền của phim điện ảnh Đảo của dân ngụ cư cho dàn nhạc giao hưởng với sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi.
Bên cạnh đó, có rất nhiều bộ phim Việt Nam có nhạc nền rất hay, như nhạc nền của phim Cánh đồng bất tận do nhạc sĩ Quốc Trung sáng tác cũng được dàn nhạc  Giao hưởng Việt Nam và nhạc trưởng Lê Phi Phi chỉ huy, nhạc nền phim Hoa vàng trên cỏ xanh của nhạc sĩ Christopher Wong do dàn nhạc giao hưởng Bulgary thu thanh. Và còn một số phim Việt Nam ngày trước với phần âm nhạc mang dấu ấn của những nhạc sĩ thế hệ đàn anh như Đỗ Hồng Quân, Trọng Đài, Đặng Hữu Phúc được trình diễn bởi các dàn nhạc giao hưởng khác nhau. Hiện nay, có nhạc sĩ Tôn Thất An cũng mang dấu ấn cá nhân rất rõ nét với những bộ phim như Song lang, Người vợ ba được anh sáng tác rất trau chuốt và được thu thanh với nhiều nghệ sĩ quốc tế độc tấu các nhạc cụ khác nhau.
"Trong nhạc nền cho phim, thì chủ đề âm nhạc xuyên suốt mạch phim và ngôn ngữ âm nhạc mang nét đặc trưng riêng của phim là 2 yếu tố rất quan trọng", nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh nhìn nhận ẢNH: HBSO
* Nhà hát có dự định thực hiện một đêm nhạc phim dành riêng cho các tác phẩm điện ảnh Việt?
- Dự định của chúng tôi trong những năm tới, sẽ có chương trình biểu diễn những nhạc phim nổi bật của các bộ phim Việt Nam. Đó sẽ là một đêm quy tụ những nhạc nền trong phim mà các nhạc sĩ đã sáng tác với tư duy cho dàn nhạc thính phòng - giao hưởng hoặc sẽ phối khí chuyển soạn lại cho dàn nhạc với những bộ phim có phần âm nhạc hấp dẫn, ấn tượng. Đó cũng là một cách để tôn vinh những bộ phim Việt Nam có phần âm nhạc xuất sắc, đồng thời cũng tạo một cú hích cho công chúng, khán giả và nhà sản xuất phim, thấy được tầm quan trọng, sự hấp dẫn và hoành tráng khi một bộ phim có phần nhạc nền được viết riêng cho dàn nhạc giao hưởng và được trình diễn sống.
Và đó cũng là một cách để tiếp cận đến tất cả các khán giả, tạo sự gần gũi và kết nối hơn giữa ngôn ngữ âm nhạc giao hưởng - thính phòng và công chúng, để khẳng định ngôn ngữ âm nhạc hàn lâm này không hề khó nghe hay khó hiểu, mà ngược lại hầu như chúng ta lại thấy rất dễ nghe, thậm chí quen thuộc, khi được vang lên cùng hình ảnh phim.

Âm nhạc rất quan trọng trong việc kể chuyện phim

* Từng là diễn giả của khóa học viết nhạc phim, anh có thể cho biết vai trò của âm nhạc trong việc kể chuyện của một bộ phim?
- Vai trò của âm nhạc rất quan trọng trong việc kể chuyện của một bộ phim. Điều gì làm cho nhạc phim khác hơn so với những thể loại âm nhạc khác, đó chính là nhạc phim hướng đến việc tạo cảm xúc, trạng thái cho người xem phim, và giúp cho người xem có thể cảm nhận, đồng cảm một cách nhanh hơn, hiệu quả hơn. Trong quá trình đó, ca khúc và nhạc nền của phim đã vô tình len lỏi vào từng sợi dây cảm xúc, từng tế bào và cảm giác, trạng thái người xem mà không hề hay biết là mình đang được âm nhạc dẫn dắt hòa quyện vào mạch phim và nội dung phim.
Tôi cho rằng, trong nhạc nền cho phim, thì chủ đề âm nhạc xuyên suốt mạch phim và ngôn ngữ âm nhạc mang nét đặc trưng riêng của phim là 2 yếu tố rất quan trọng. Vì những yếu tố này thường dễ bị đánh giá thấp, mà nhiều người mới bắt đầu làm nhạc nền cho phim nghĩ rằng, chỉ cần những hiệu ứng âm thanh tốt và âm lượng hoành tráng là đủ hiệu quả, là đủ để tạo nên nhạc nền cho phim. Một nhận định dễ lầm tưởng khác, đó là việc cố gắng kể câu chuyện bằng cách sáng tác những đoạn nhạc có tiêu đề, có nội dung gần như đặc tả hình ảnh trên phim, diễn tả minh họa cụ thể với nội dung từng khung hình phim, hơn là một bản nhạc nền có chủ đề, có ý tưởng xuyên suốt toàn bộ phim.
Đa phần các nhạc sĩ sáng tác nhạc cho phim thường sáng tác trực tiếp qua các phần mềm điện tử với các âm thanh nhạc cụ được sử dụng từ các thư viện âm thanh có sẵn. 
Nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh                         
* Để nhạc phim thật sự “đốn tim” khán giả, theo anh người soạn nhạc sẽ phải “chú ý” những yếu tố nào, bên cạnh “nghiên cứu” nội dung phim?
- Những yếu tố rất chi tiết và tinh tế khác, cũng cần được các nhạc sĩ xem xét trước khi sáng tác nhạc nền cho phim, theo tôi, là vị trí địa lý và bối cảnh lịch sử được quay và dựng lên trong phim; những đặc điểm của thiết kế bối cảnh và phục trang; tính chất ánh sáng và sắc độ màu được sử dụng khi quay phim; cảnh quay trống trải hay được lấp đầy, ngoại cảnh hay nội cảnh; điều kiện thời tiết như thế nào trong phim; tình trạng và diễn tiến tâm lý của các nhân vật trong phim như thế nào; v.v…
Chính vì sự quan trọng của âm nhạc như thế, có những khoảnh khắc trong phim, khi mà một ca khúc hay vang lên sẽ tạo được ấn tượng ngay và lấy nước mắt của khán giả, qua những câu hát như thay lời muốn nói cho phân đoạn phim đó.
Nếu ca khúc có thể ví như bài thơ thì một bộ phim điện ảnh giống như một tiểu thuyết văn học, trong đó mang nhiều diễn biến tâm lý, nội tâm nhân vật phức tạp và những trải nghiệm thăng trầm của cuộc đời. Và cũng nhiều tác phẩm điện ảnh có kịch bản gốc dựa trên những tiểu thuyết văn học nổi tiếng, để truyền tải nội tâm, tư tưởng nhân vật hay của cả phim và dẫn dắt cảm xúc của người xem thì thường cần đến khí nhạc, chứ không phải ca khúc.
Với những đặc tính về màu sắc, âm thanh và tính chất riêng biệt của từng nhạc cụ thuộc dàn nhạc giao hưởng, nên khi âm nhạc của phim được vang lên từ các nhạc cụ giao hưởng sẽ truyền tải được đầy đủ và sâu sắc nhất những ý tứ, tư tưởng và tinh thần của bộ phim.
* Vậy mà nhạc phim Việt ít thấy được “vang lên” bởi dàn nhạc giao hưởng…
- Như tôi đã nói, hầu như các bộ phim của Việt Nam thiếu sự quan tâm một cách nghiêm túc vào âm nhạc - nhạc nền của phim.
Một phần cũng vì nền âm nhạc của nước ta vẫn tập trung nhiều vào mảng ca khúc, do đó, công chúng thường quen với việc thưởng thức ca khúc, hơn là lắng nghe và tìm hiểu các tác phẩm dành cho khí nhạc. Chính vì vậy, nhà sản xuất phim, đạo diễn cũng chú trọng nhiều hơn đến việc tìm nhạc sĩ viết một vài ca khúc đinh cho phim của mình, để chiều khán giả, còn nhạc nền thì… như đúng chữ mọi người vẫn nghĩ: “nhạc nền” thôi mà!
Nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh (đàn piano) cùng dàn nhạc HBSO
Tôi được biết thời trước, có dàn nhạc giao hưởng của hãng/ xưởng phim nhà nước, nên các nhạc sĩ viết nhạc phim thế hệ trước rất thuận lợi trong việc sáng tác nhạc nền cho phim, khi mà điều kiện tối thiểu luôn là âm nhạc trong phim phải được thu trực tiếp từ nghệ sĩ biểu diễn. Còn ngày nay, hình như đã không còn những dàn nhạc của xưởng phim như vậy, nên mỗi khi nhạc sĩ viết nhạc cho phim mà muốn viết cho dàn nhạc giao hưởng, thì sẽ phải thuê các dàn nhạc chuyên nghiệp thu thanh, và chi phí rất cao. Do đó, hầu như các nhà sản xuất sẽ không đầu tư nhiều vào phần âm nhạc cho phim được.
Hiện nay, đa phần các nhạc sĩ sáng tác nhạc cho phim thường sáng tác trực tiếp qua các phầm mềm điện tử với các âm thanh nhạc cụ được sử dụng từ các thư viện âm thanh có sẵn mà không cần phải thu nhạc cụ biểu diễn sống, để tiết kiệm thời gian và chi phí. Bên cạnh đó nhiều nhạc sĩ có phong cách sáng tác thông qua âm nhạc điện tử và âm thanh hiệu ứng hơn, hoặc những bộ phim kinh phí thấp hơn nữa, thì sẽ không mời nhạc sĩ viết nhạc nền, mà chỉ cần những kỹ sư âm thanh biên tập lại những đoạn nhạc nền có sẵn trong thư viện âm thanh của các phần mềm làm nhạc ngày nay.
 * Xin cảm ơn anh đã chia sẻ!
Nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh tốt nghiệp xuất sắc bậc cao học chuyên ngành sáng tác tại Nhạc viện Magnitogorsk (Nga). Cùng với việc sáng tác nhạc cho các bộ phim điện ảnh, anh còn sáng tác âm nhạc cho các tác phẩm múa đương đại của HBSO, là tác giả của nhiều tác phẩm khí nhạc được giới chuyên môn đánh giá cao như Fragile cho violin, cello và piano, A Gentle Wind cho dàn nhạc, Concerto cho violin và dàn nhạc, Concerto Grosso cho violin, piano và dàn nhạc, hay giao hưởng Huyền thoại mùa xuân, Tổ khúc giao hưởng Hồi tưởng,...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.