Đi từ Sài Gòn, và ghé Huế. Hai bài hát Huế Sài Gòn Hà Nội của Hoàng Vân và sau này của Trịnh Công Sơn đã khiến tôi ao ước mình được thăm Huế trước khi ra Hà Nội.
Đúng là cầu được ước thấy. Tôi với Ngô Thế Oanh và Trần Vũ Mai từ Đà Nẵng đi xe đò ra Huế, nơi một người bạn thân của chúng tôi là nhà văn Nguyễn Văn Đồng đang ở. Anh Đồng cùng lớp ở đại học với tôi, cùng lớp viết văn do Hội Nhà văn mở ở Quảng Bá với Trần Vũ Mai và Ngô Thế Oanh. Khi Oanh và Mai đi chiến trường khu Năm, tôi đi Nam bộ, thì anh Đồng đi chiến trường Trị Thiên - nơi được coi là gian khổ nhất.
Anh Đồng đã bám trụ 5 năm ở chiến trường này, cho tới ngày về Huế giải phóng. Hồi mới hòa bình ấy không có điện thoại, mà sao chúng tôi tìm ra nhau rất nhanh. Mới tới Huế là đã gặp anh Đồng, thế là anh kéo ngay chúng tôi về nhà. Nơi anh ở bên dòng sông An Cựu, hình như số nhà 65 Phan Đình Phùng.
Anh ở cùng nhà văn Nguyễn Quang Hà. Cũng không có điện thoại, mà sao chúng tôi vừa tới nhà anh Đồng, thì nhà thơ Trần Phá Nhạc lập tức xuất hiện. Sau vài câu nói nhỏ của anh Đồng, Nhạc lập tức lên đường thực thi nhiệm vụ đặc biệt. Còn ba chúng tôi là khách, chả có việc gì làm, chúng tôi rủ nhau xuống sông An Cựu… bơi.
|
Trong khi chờ… nhậu. Bây giờ thì ai cũng biết Huế là “Kinh đô ẩm thực”, nhưng hồi đó, mới hòa bình, chúng tôi không có tiền mà cũng chưa có thói quen ngồi quán, nên chỉ thưởng thức ẩm thực Huế tại nhà anh Đồng. May quá, anh Đồng là một chuyên gia nấu nướng bẩm sinh.
Ngày đi học tôi đã biết, anh làm món gì cũng ngon, món gì nhậu cũng “bắt”. Sau khi bơi lội đã đời, chúng tôi lên nhà cũng vừa lúc anh Đồng được Quang Hà phụ giúp đã bày xong mâm bát. Trần Phá Nhạc đi thực thi “nhiệm vụ đặc biệt” cũng đã về.
Cũng không đặc biệt gì, Nhạc chỉ đi mua… rượu, rượu thuốc, từ một quán rượu nổi tiếng ở Huế hồi đó, quán Thiên Tường. Đây là thứ rượu khá rẻ tiền, nhưng uống được. Chúng tôi lập tức vào mâm. Lại hào hứng nâng ly mừng ngày hội ngộ.
Cũng chả nhớ mình ăn những món gì, nhưng món nhậu nào anh Đồng làm chả ngon. Tôi chỉ nhớ nhất một món: hến xào… ớt. Hến là một đặc sản của sông Hương, còn ớt là một đặc sản của Huế. Nói tới món ăn Huế, đầu tiên phải nói tới… ớt. Không có ớt thì không phải món ăn Huế. Hến xào ớt với hành, thực ra cũng là món dễ làm.
Hành hương xắt và ớt trái tươi băm. Đơn giản, nhưng nó ngon lạ lùng. Khi anh Trịnh Công Sơn và mấy anh em văn nghệ Huế như Bửu Ý, Lê Văn Ngăn tới nhậu cùng, họ đều ngạc nhiên nhìn chúng tôi ăn món hến xào đầy những… ớt . “Các anh cũng ăn được ớt?”. Chúng tôi cười thật hồn nhiên: “Không ăn ớt thì ăn… gì hở mấy anh?”. Tất cả cười sảng khoái.
Ẩm thực ngày hòa bình - Kỳ 1: Vịt quay chợ Cũ trong lâu đài chú Hỏa
Ngày mới hòa bình, cách đây gần 41 năm, quả thật, lúc đó ít ai nghĩ tới chuyện… ẩm thực. Dù ai cũng phải ăn.
Chỉ ăn ớt mà chữa khỏi sốt rét, chắc bây giờ nói vậy chả mấy ai tin, nhưng tôi xin chứng thực: chính tôi khi đi chiến trường Mỹ Tho qua Đồng Tháp Mười, đã nhờ ăn ớt mà khỏi hẳn bệnh sốt rét cách nhật.
Anh Trịnh Công Sơn thấy chúng tôi hể hả với món hến xào ớt thì rất vui. Sau này, khi mấy anh em chơi với nhau, chúng tôi và anh Sơn còn nhiều dịp ăn những món Huế nghèo nghèo mà ngon, uống rượu thuốc Thiên Tường rẻ rẻ mà… say, nhưng tôi vẫn có cảm giác, món ăn ngon đặc trưng của Huế chính là món… hến xào ớt. Mấy năm nay, mỗi lần ra Huế, tôi lại có dịp ngồi với anh Nguyễn Khoa Điềm và mấy anh em ở cái quán sát bờ sông Vỹ Dạ, đối diện với Cồn Hến.
Và trong “thực đơn” của chúng tôi, bao giờ cũng có món “hến xào ớt” lừng lẫy. Lừng lẫy thật, vì ruột hến xào màu xám nhạt, bên trên có màu xanh của hành hương, và trên nữa là màu đỏ tưng bừng của… ớt. Nhìn đĩa hến xào ớt đã thích mắt, còn ăn thì khỏi chê luôn.
Ở Quảng Ngãi quê tôi có món don, cũng rất đặc biệt, nhưng don chỉ nấu nước ăn với bánh tráng nướng, còn hến thì phải xào với ớt (cũng có bánh tráng nướng để xúc), và là món nhậu cực kỳ… tốn rượu. Những ngày hòa bình đầu tiên ấy, sao mà nhớ! Chỉ với món hến xào ớt uống kèm rượu thuốc Thiên Tường, mà cả một đoạn ký ức bỗng lung linh.
Bình luận (0)