Ẩm thực ngày hòa bình - Kỳ 4: Cháo vịt quê tôi

29/04/2016 09:00 GMT+7

Tháng 6.1975, sau 21 năm tôi lại được 'đánh đường về quê'. Quê tôi ở cạnh đường số Một, lại có một cây cầu nhỏ tên là cầu Giắt Dây, nên cũng dễ tìm, dù ngày rời quê tôi mới lên 8 tuổi.

Khi tìm về được nhà mình rồi, thì nhà đã có người khác ở. Tôi cũng chẳng mấy bận tâm, chỉ lo tìm bà con của mình. Gặp được hai bà chị họ, hai chị ở vậy suốt 21 năm không tái giá, dù chồng hai chị tập kết ra Bắc đã có gia đình. Do nhà mình đã có người ở, nên tôi ở tạm nhà bà con bên kia sông. Hai bà chị họ mời tôi và Ngô Thế Oanh bữa chiều tới nhà ăn cơm. Tôi phấn khởi nhận lời.
Chiều ấy, hai chị làm cặp vịt nấu cháo đãi hai thằng em. Vịt quê tôi là vịt cỏ, vịt chạy đồng, nên vóc dáng chú vịt khá thon thả, xương nhỏ và mềm, thịt rất thơm. Thịt vịt luộc chấm mắm gừng, lại có cả nồi cháo to, nên cả nhà rất yên tâm khi ngồi vào mâm. Thịt vịt luộc hay nấu cháo, ngoài món mắm gừng, còn phải có đĩa rau sống, trong đó đặc biệt phải có quả chuối chát (chuối hột) non xắt lát, kèm rau thơm. Cái anh thịt vịt phải ăn kèm chuối chát mới đúng vị. Tất cả những “phụ kiện” ấy đều là “cây nhà lá vườn” theo đúng nghĩa. Hai chị tôi không phải mua thêm bất cứ thứ gì, vì chuối sẵn trong vườn, gừng nhà trồng được, còn rau thơm hay dấp cá thì mọc đầy vườn.
Cháo vịt quê tôi ngon thiệt tình! Cái ngon đầu tiên là cái ngon của sự thật thà. Cháo vịt, thực ra rất mộc mạc, nhưng muốn ngon thì cháo phải thật ngọt, và thịt vịt phải thật mềm. Sau 21 năm, tôi lại được ngồi ngay ở quê mình mà ăn bát cháo vịt, hỏi làm sao không cảm thấy sảng khoái?

Ẩm thực ngày hòa bình - Kỳ 3: Bún cá Đà Nẵng

Với một thành phố chưa lớn như Đà Nẵng hồi ấy, thì mỗi địa chỉ đều trở nên gần gũi. Một quán bún cá, cũng thành thân quen. Và tô bún cá buổi sáng cũng dễ dàng găm vào trí nhớ.
Tôi và Ngô Thế Oanh ăn cháo vịt với xúc cảm của những… nhà thơ, nhưng quan trọng hơn, là với xúc cảm của những đứa con xa quê quá lâu năm giờ mới được “trở về Suriento”. Sau này tôi mới biết, vịt quê tôi nổi tiêng thơm ngon, có lẽ vì quê tôi thuần nông, đồng ruộng quê tôi lúa tốt bời bời, ngày xưa gọi là ruộng “nhất đẳng điền”, cua ốc trên ruộng lại hơi phong phú, nên vịt chạy đồng sau vụ gặt tha hồ có mồi ăn. Ngày đó, chuyện phun thuốc trừ sâu trên ruộng cũng còn khá hạn chế, nên chân ruộng vẫn mang được cốt cách truyền thống. Đó là nơi cư trú của nhiều loài sinh vật nhỏ bé có thể trở thành thức ăn cho bầy vịt.
Hai bà chị tôi do đơn chiếc nên không có khả năng nuôi cả “trung đoàn vịt”, mà chỉ nuôi mấy chục con, chủ yếu phục vụ cho các dịp lễ tết hay các việc cúng giỗ trong nhà. Thì đây, sự kiện “đứa em lưu lạc” sau 21 năm trở về trong ngày hòa bình chắc chắn là một sự kiện lớn, rất đáng để… thịt đôi vịt ăn mừng. Dù không đánh tiết canh, không có rượu Tây như bây giờ, nhưng bữa cháo vịt ở nhà hai bà chị tôi phải nói là “thành công tốt đẹp”. Tôi và Ngô Thế Oanh ăn thật bụng, ăn hết mình, ăn cạn luôn cả nồi cháo. Của đáng tội, từ khi mới hòa bình tới lúc ấy, chúng tôi chưa bao giờ được ăn một bữa… cháo vịt đúng nghĩa, dù nhiều thứ “sơn hào hải vị” khác thì đã được ăn, do bà con chiêu đãi.
Hai chị tôi nói, cháo vịt ăn mát, tránh được phong, nên tốt cho… sức khỏe. Ấy là nói theo kiểu bây giờ, chứ hồi đó, không ai nói ăn cái gì thì tốt cho sức khỏe. Chỉ nói, ăn cái gì thì ngon, thế thôi. Tôi nghiệm ra, bất cứ thứ gì mình ăn thấy ngon, thì đều tốt cho sức khỏe cả. Tối đó, tôi và Ngô Thế Oanh được một đêm ngủ đã đời, có lẽ do ăn cháo vịt mát quá, dù ngủ lạ nhà. Nhưng với dân Việt Cộng chúng tôi, thì khái niệm “lạ nhà” không còn nữa. Vì trong chiến tranh, bất cứ nơi nào chúng tôi ở được dù chỉ một đêm, nơi ấy đều là nhà mình. Cháo vịt quê tôi, tuy mộc mạc nhưng hóa ra, có lúc lại là một món gần như… đặc sản.
"Cháo vịt quê tôi, tuy mộc mạc nhưng hóa ra, có lúc lại là một món gần như… đặc sản" - Ảnh minh họa: Tấn Tri
Bây giờ, sau chiến tranh đã 41 năm, nhà tôi lại có cơ may ở ngay con phố chuyên bán món… cháo vịt đặc sản ấy. Thịt vịt bây giờ được “biến tấu” ra nhiều món, như vịt nướng chao, vịt nướng lá mắc mật Lạng Sơn, vịt tần thuốc bắc… Nhưng món cháo vịt truyền thống thì vẫn được người quê tôi bảo tồn nguyên vẹn. Thực ra, với con vịt, chỉ nấu cháo là ngon nhất, dễ ăn nhất, và ăn ít ngán nhất. Bây giờ, lâu lâu có bạn ở xa về chơi Quảng Ngãi, tôi chỉ cần đi quá mấy bước là đã tới “trung tâm cháo vịt” ngay đường Phan Bội Châu. Cả một dãy quán cháo vịt, buổi tối đèn đuốc sáng choang, rất thu hút khách. Lại có bà chị trong xóm làm chủ một quán cháo vịt “có thương hiệu”, nên khách của tôi hoàn toàn yên tâm thưởng thức món cháo vịt hay món vịt nướng thơm phưng phức.
41 năm trước, làm sao tôi ngờ được, món cháo vịt quê kiểng mà hai bà chị neo đơn đãi chúng tôi ngay tại nhà, lại có lúc trở thành “món ăn đặc sản” đàng hoàng “lên phố”, mà lại ở ngay sát nhà mình, như bây giờ. Đời vui thật!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.