(TS Xuân) Ama H’rin là vị già làng danh tiếng khai sinh ra buôn Ako Đhông. Ngày nay, Ako Đhông đã trở thành một điểm tham quan du lịch ở Buôn Ma Thuột. Đó là một buôn làng mẫu mực của người Ê Đê còn giữ được nhiều giá trị truyền thống nguyên vẹn.
Tây nguyên mùa mưa. Mưa cả ngày. Con đường chạy xuyên qua buôn Ako Đhông vắng tanh. Những bụi trâm ổi trước nhà Ama H’rin trổ bông trong gió lạnh. Đứng ở trước sân đã nghe mùi khói bếp.
|
Người dẫn đường
Già làng Ama H’rin ngồi trước cửa nói: “Vào nhà cho ấm đã. Mưa ướt hết!”. Tôi bước lên năm bậc cầu thang cái, tránh chạm vào hai bầu vú gỗ để vào gian gah dành cho khách. Ama H’rin châm thêm củi, khói um lên khi ông đẩy buồng chuối chín bói đến trước mặt bảo: “Ăn đi!”. Ấn tượng đầu tiên về vị già làng hiền minh Rhadé nổi tiếng nhất Tây nguyên mạnh đến mức tôi chỉ dám ngồi im lặng quan sát. Hóa ra ông đang làm dở một chiếc khèn đinh năm. Suốt cả mùa mưa chúng tôi la cà với Y Wang Arul, con trai thứ của Ama H’rin nhưng khi hỏi về nhạc cụ Ê Đê, Y Wang chỉ: “Đến hỏi ông già! Nhà sàn ông già ở gần cuối buôn!”. Giờ đây, cuốn từ điển sống của người Ê Đê buôn Ako Đhông đang trước mắt tôi, từ tốn, cặn kẽ giải thích từng đặc điểm một của chiếc khèn đinh năm. Ông dịch tiếng Ê Đê sang tiếng Việt, lâu lâu lại liên hệ cả tiếng Pháp. Ông vừa nói vừa làm, khúc chiết từng chuyện một, thỉnh thoảng ngước lên hỏi: “Hiểu chưa?”. Tất nhiên, tôi không tài nào hiểu hết. Già làng Ama H’rin là cả một cánh rừng bao la của Tây nguyên làm sao hiểu nổi?
Năm 1956, từ thảo nguyên M’Đrăk, Ama H’rin tên thật là Y Diêm Niê, cắt rừng hàng tháng trời đi lên tìm miền đất hứa. Buôn Ma Thuột thuở ấy hoang sơ giữa rừng già bao phủ. Ama H’rin cắm cây giáo xuống đầu nguồn nước Ea Nuôl, rồi quay về M’Đrăk dẫn bà con đi lên lập làng mới. Ako Đhông có nghĩa là vùng đất ở đầu nguồn nước ra đời từ đó. Năm ấy, Ama H’rin mới vừa 25 tuổi, có sức khỏe và sự thông minh gan dạ hơn người. Ama H’rin nói, ông nhận được sự cưu mang của các nữ tu người Pháp trong việc học tập. Họ dạy ông tiếng Pháp và kỹ thuật trồng cà phê. Ama H’rin trở thành người Ê Đê đầu tiên và buôn Ako Đhông là buôn Ê Đê đầu tiên ở Tây nguyên biết trồng cà phê, chấm dứt “ăn rừng” luân khoảnh có từ bao đời. Ako Đhông dưới sự dẫn dắt của thủ lĩnh Ama H’rin tiếp thu văn minh phương Tây bằng cách học tiếng Pháp, đi lễ nhà thờ, phân chia đất đai, trực tiếp bán sản phẩm làm ra, giữ vệ sinh cộng đồng và đặc biệt là trồng hoa cỏ quanh nhà rất nhiều mỹ cảm - một điều cho đến nay vẫn ít có ở một buôn làng người Ê Đê.
|
Cánh rừng còn lại
|
Già làng Ama H’rin là một nhà thực hành của người Ê Đê. Cuộc đời hơn tám thập niên của vị già làng danh tiếng này phần lớn là hành động. Thoạt đầu, nhìn công việc của ông người ta nghĩ ông có thể từ bỏ những giá trị cũ để chạy theo cái mới. Nhưng hoàn toàn ngược lại. Cho đến tận ngày hôm nay, trải qua nhiều biến động xã hội, Ako Đhông ở ngay gần trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột vẫn là một buôn người Ê Đê giữ được lề lối sinh hoạt và truyền thống của dân tộc mình. Ama H’rin tổ chức Ako Đhông thành một mô hình xã hội Ê Đê thu nhỏ hoàn hảo từ kinh tế đến văn hóa xã hội. Dưới ánh sáng dẫn dắt của vị già làng hiền minh, cộng đồng người Ê Đê của Ako Đhông thịnh vượng về mọi mặt. Khi nhà nước đưa Ako Đhông thành một địa chỉ tham quan du lịch, Ako Đhông vẫn không bị biến đổi nhờ có Ama H’rin. Khi tôi hỏi những ngôi nhà lầu hiện đại xuất hiện ở đầu buôn là của ai, Y Wang Arul nói: “Đó là những người giàu mới tới. Người trong buôn của ông già muốn làm nhà cũng phải hỏi ý kiến của ổng!”. Ama H’rin chống lại việc bỏ nhà sàn, vốn là một chỉ dấu trực quan để nhận biết một buôn làng của người Ê Đê.
Trong buổi chiều mưa lạnh, bên bếp lửa ấm trên nhà sàn của Ama H’rin, ông nói về khèn, cồng chiêng, chiếc cầu thang đực, cầu thang cái trong ngôi nhà sàn và giải thích ý nghĩa của hai bầu vú trên cầu thang cái... Cuối cùng ông nói: “Rừng! Tây nguyên mất rừng thì không còn buôn làng nữa. Bố còn giữ ở Ako Đhông một khu rừng...”. Chúng tôi đội mưa đi tới cuối buôn Ako Đhông. Quanh co xuống một con dốc, thung lũng đầu ngọn nước con suối Ea Nuôl hiện ra giữa xanh thẳm đại ngàn. Đó chính là nơi ngày xưa chàng trai trẻ Y Diêm Niê cắm ngọn giáo khai sinh ra buôn Ako Đhông và sau này trở thành già làng Ama H’rin danh tiếng khắp Tây nguyên. Bến nước của Ako Đhông đã mất qua nhiều biến đổi nhưng khu rừng nguyên sinh được Ama H’rin giữ lại nguyên vẹn. Ako Đhông và khu rừng nguyên sinh giữa lòng thành phố nay đã trở thành một bảo tàng sống về con người và thiên nhiên hoang dã Tây nguyên. Những ngày cuối đời, con người hành động Ama H’rin đã dành trọn tâm huyết xây dựng lại một ngôi làng Ê Đê nguyên mẫu ở thung lũng hồ xanh.
Ngôi làng đã hoàn thành trước khi người con của đại ngàn về lại với rừng! Xin vĩnh biệt một người con Tây nguyên hoàn hảo.
Nguyễn Minh Sơn
>> Già làng nổi tiếng ở Tây nguyên qua đời
>> Già làng và cột mốc biên cương
>> Mừng 70 mùa rẫy của “Già làng” Kpa Ylăng
>> Bộ ảnh “Tây Nguyên màu xám” đoạt giải nhất
Bình luận (0)