Dự kiến, ngày 4.8 tới, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) Q.5, TP.HCM cùng các cơ quan chức năng trên địa bàn sẽ tổ chức cưỡng chế, buộc những người quản lý, bảo quản tài sản, bàn giao nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại địa chỉ 75 Nguyễn Trãi, P.2, Q.5 cho người mua trúng đấu giá.
Theo bản án có hiệu lực pháp luật của TAND Q.1 năm 2018, về tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa một ngân hàng và ông Phạm Trịnh Sơn Tùng (là người thừa kế tài sản của bà Trịnh Thị Minh Phương) thì ông Tùng có nghĩa vụ trả cho ngân hàng này hơn 24,4 tỉ đồng. Nếu ông Tùng không thực hiện đúng nghĩa vụ thì nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại địa chỉ 75 Nguyễn Trãi, được bán đấu giá để thi hành án.
Quá trình thi hành án, ông Tùng rời khỏi địa phương và đi đâu không rõ. Chấp hành viên làm việc với người đang quản lý căn nhà là ông Phan Bá Trung. Theo đó, ông Trung trình bày gia đình ông bán nhà cho bà Phương nhưng bà Phương chưa trả hết tiền.
Qua đó, chấp hành viên thông báo cho những người đang ở trong căn nhà biết quyền khởi kiện hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp (nếu có) đối với căn nhà trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo.
Hết thời hạn thông báo, ông Trung và những người trong gia đình không thực hiện quyền lợi của mình. Đồng thời, ngày 19.8.2019, ông Trung cũng tự viết đơn cam kết vào ngày 20.9.2019, gia đình sẽ dọn đồ ra khỏi nhà, giao nhà trống cho cơ quan thi hành án.
Cũng trong ngày 20.9.2019, căn nhà được bán đấu giá thành công với giá hơn 23 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi chấp hành viên tổ chức giao tài sản cho người mua trúng đấu giá thì ông Trung và gia đình liên tiếp làm đơn yêu cầu hoãn thi hành, khiếu nại, tố cáo.
Ngày 13.7.2020, TAND cấp cao tại TP.HCM có quyết định giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm trên và giao lại cho TAND Q.1 xét xử lại.
Bảo vệ người thứ 3 ngay tình
Luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch TAT Law Firm, Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết theo khoản 2 điều 103 luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật THADS, trường hợp người mua tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan THADS vẫn tiếp tục giao tài sản cho người mua. Đây là một cơ chế để bảo vệ người thứ 3 ngay tình.
Vì vậy, trong trường hợp trên, theo luật sư Tú, nếu kết quả bán đấu giá không bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc các đương sự có thỏa thuận khác, thì cơ quan thi hành án buộc phải cưỡng chế bàn giao tài sản cho bên trúng đấu giá.
Còn trường hợp án bị hủy, sửa và sau này nội dung bản án có thay đổi, thì đây lại là một vấn đề khác. Nếu có thiệt hại xảy ra, thì bên gây thiệt hại phải bồi thường cho bên bị thiệt hại; trường hợp có vi phạm trong hoạt động tố tụng dân sự dẫn đến xử sai gây thiệt hại đến tài sản cho các đương sự thì bên bị thiệt hại có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bồi thường nhà nước trong hoạt động tố tụng dân sự theo luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Bình luận (0)