Trong một buổi tập huấn kỹ năng làm cha mẹ, tôi cũng như không ít bậc phụ huynh cùng tham gia không khỏi băn khoăn trước vấn đề đặt ra trong việc giáo dục con trẻ: “Có nên dạy con theo kiểu ăn cây nào, rào cây ấy?”.
Đa số phụ huynh tán thành vì cho rằng cách giáo dục này giúp trẻ hình thành đức tính biết chịu trách nhiệm trước những công việc được giao. Trong khi đó có một số bậc cha mẹ lại phản đối gay gắt, họ cho rằng trẻ sẽ ích kỷ, chỉ biết quan tâm đến những việc liên quan đến trách nhiệm và có lợi cho mình.
Một phụ huynh bày tỏ: “Gia đình tôi từng thực hiện cách dạy con theo quan niệm này với mong muốn cháu sẽ có tâm huyết và trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ của mình. Kết quả, nhiệm vụ nào cha mẹ phân công cụ thể, rõ ràng thì cháu luôn cố gắng hoàn thành tốt, nhất là việc học tập. Tuy nhiên, những việc khác cha mẹ không giao thì dù có vừa sức, cháu cũng chẳng đả động tới như dọn dẹp nhà cửa, phụ mẹ nấu ăn... Tôi nhắc nhở khéo thì cháu cự nự “những việc đó đâu phải của con”. Sau một thời gian, tôi thấy ngay cả trong học tập cháu cũng thiếu tính tự lập, chỉ làm việc để đối phó với kế hoạch đã vạch ra”.
Một bà mẹ khác còn thổ lộ: “Lâu nay tôi cứ ngỡ con gái mình là đứa trẻ có trách nhiệm. Vậy mà hôm họp phụ huynh vừa rồi tôi không khỏi sửng sốt khi nghe cô giáo chủ nhiệm nhận xét con gái tôi trong lớp thiếu hòa đồng, không có tinh thần làm việc theo nhóm. Cô giáo nói rõ: “Con gái chị được phân công chuẩn bị làm thí nghiệm trong một nhóm bạn gồm năm người, những gì cô giáo bộ môn yêu cầu đối với cá nhân cháu hoàn thành rất tốt. Nhưng khi trong nhóm có một bạn nghỉ ốm đột xuất, cô giáo yêu cầu các thành viên còn lại cố gắng giúp đỡ, chia sẻ với bạn ấy, thì con gái chị không đồng ý. Em nói là bạn ấy đã làm ảnh hưởng xấu đến kết quả chung của cả nhóm, em không có lý do gì để giúp bạn ấy cả”. Thật sự tôi không ngờ đến mặt trái này”.
Quan niệm giáo dục con theo kiểu “ăn cây nào, rào cây ấy” không có gì sai. Dạy con theo cách này sẽ giúp cho trẻ thấy rõ mục đích từng công việc mình phải làm. Từ đó trẻ sẽ huy động toàn bộ sức lực và trí tuệ để hoàn thành công việc đó tốt nhất. Ngoài ra cũng hình thành cho trẻ thói quen sống có trách nhiệm. Tuy nhiên, không có một quan niệm giáo dục nào là vạn năng, nên nếu vận dụng không khéo sẽ biến trẻ thành người suy nghĩ phiến diện, chỉ biết đến bản thân. Tư tưởng này kéo dài khiến trẻ vô cảm với những gì chúng cho rằng không liên quan đến lợi ích và trách nhiệm của mình.
Do đó, khi vận dụng cách dạy con theo kiểu “ăn cây nào, rào cây ấy” cần biết kết hợp giữa việc giáo dục trẻ tinh thần tự giác, tự lập trong cuộc sống với tinh thần tập thể trong cộng đồng.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)