Ăn chặn công quỹ đe dọa chính quyền Philippines

28/08/2013 11:15 GMT+7

Hàng trăm ngàn người đồng loạt biểu tình trên toàn quốc hôm 26.8 là dấu hiệu bất mãn đầu tiên đối với chính quyền của Tổng thống Benigno Aquino III.

Cuộc biểu tình ôn hòa được khởi xướng và kêu gọi trên các mạng xã hội, không những diễn ra đồng loạt trong cả nước mà cả cộng đồng người Philippines khắp thế giới cũng xuống đường. Người dân có vẻ như không còn chịu đựng được nữa với hành động “cướp cơm” của người nghèo diễn ra một cách có hệ thống trong cả chục năm. Hầu như toàn bộ 1,5% ngân sách nhà nước đổ vào Quỹ hỗ trợ ưu tiên phát triển (PDAF) cuối cùng chỉ chạy vào túi riêng của các nghị sĩ quốc hội và một nữ doanh nhân có quan hệ rộng rãi với giới chóp bu.

PDAF được lập ra hồi năm 1990 nhằm cung cấp tài chính cho các nghị sĩ thực hiện những dự án phát triển quy mô nhỏ ở địa phương mình. Theo báo Inquirer, hằng năm, mỗi thượng nghị sĩ được cấp 200 triệu peso (gần 5 triệu USD), mỗi dân biểu hạ viện được 70 triệu peso và họ có toàn quyền chi tiêu số tiền này cho mục đích nói trên. Trớ trêu ở chỗ, nhiều nghị sĩ không có các mối “quan hệ” để có thể giải ngân nguồn quỹ này. Và đó là cơ hội cho nữ doanh nhân Janet Lim-Napoles, 49 tuổi, chủ Công ty thương mại JLN thành lập năm 2000, làm giàu trên lưng người dân thấp cổ bé họng.

 
Biểu tình phản đối tham nhũng, móc ngoặc và ăn chặn tại Manila ngày 26.8 - Ảnh: AFP

Giả mạo từ A tới Z

Đường dây làm ăn đen tối của bà Napoles lẽ ra sẽ tiếp tục chạy êm nếu không có xung đột lợi ích trong nội bộ gia đình bà. Mọi chuyện bắt đầu khi Benhur K.Luy, một họ hàng xa và là trợ lý của bà Napoles, bị bắt cóc bởi chính những người họ hàng vào ngày 19.12.2012. Ông Luy, 31 tuổi, được giải thoát ngày 22.3.2013 sau khi Cục Điều tra quốc gia (NBI) vào cuộc. Theo lời khai của ông Luy và 8 người khác từng làm việc cho JLN, công ty này ban đầu kinh doanh sản phẩm nông nghiệp nhưng bà Napoles đã cho “chuyển hướng” từ năm 2003 sau khi phát hiện những chỗ hở của PDAF.

Thủ thuật “kinh doanh” mới của bà Napoles khá đơn giản. Đầu tiên, bà cho nhân viên giả danh thị trưởng, tỉnh trưởng gửi thư cho nghị sĩ nói địa phương cần mua nguyên liệu đầu vào nào đó cho sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, bà Napoles sẽ thương lượng với nghị sĩ hoặc người đứng đầu chính quyền địa phương đồng ý để khoản kinh phí PDAF dành cho nghị sĩ đó chuyển vào tài khoản của một tổ chức phi chính phủ (NGO) do chính bà lập ra. Sau khi Bộ Ngân sách và Quản lý chuyển tiền, bà Napoles cho người rút ra và chia cho nghị sĩ hoặc lãnh đạo địa phương “hợp tác” với mình.

Trong quá trình đó, Công ty JLN do bà Napoles và em trai là Reynald Lim điều hành, đã làm giả tất cả các thứ giấy tờ, từ hồ sơ dự án, hồ sơ đấu thầu cho đến hóa đơn chứng từ, bảng kê người thụ hưởng... Những người làm việc cho JLN đều bị buộc phải đứng tên làm chủ tịch các NGO do bà lập ra, đứng tên tài khoản ngân hàng và giả làm luôn người thụ hưởng phúc lợi từ những dự án “ma”. Toàn bộ thủ đoạn của bà Napoles không bị vạch trần trong suốt gần 10 năm là nhờ các mối quan hệ chằng chịt với giới chức. Thậm chí, em trai bà Napoles cũng thoát tội chủ mưu bắt cóc ông Luy. Nạn nhân khai với cảnh sát rằng mình bị bắt cóc vì “dám” lên kế hoạch lập một công ty tương tự như JLN để cạnh tranh với chị em bà Napoles.

Chính quyền đang làm gì ?

Vụ việc đổ bể quá lớn đến mức NBI phải vào cuộc. Theo điều tra ban đầu, trong gần 10 năm qua, bà Napoles đã ăn chặn số tiền lên đến 10 tỉ peso (230 triệu USD) từ PDAF. Bên cạnh đó, 5 thượng nghị sĩ và 23 dân biểu đã “nhúng chàm”. Trong số này, nhiều người đã “ăn” cùng bà Napoles trên 20 lần. Cũng trong chuỗi hoạt động lừa đảo của mình, bà Napoles đã lập ra trên 10 NGO và có đến 70 NGO “lởm khởm” khác cũng tham gia vào đường dây này.

Trong lúc cuộc điều tra hoạt động của JLN đang diễn ra, con gái bà Napoles là Jeane Napoles, vừa tốt nghiệp ngành thiết kế thời trang tại Mỹ, đổ thêm dầu vào lửa khi tung lên mạng đoạn băng quay lại buổi tiệc sinh nhật xa xỉ ở một khách sạn tại Beverly Hills (Mỹ) cùng với chiếc xe sang trị giá 2 triệu USD và nhiều đồng hồ, túi xách xịn do cha mẹ tặng. Tất cả khiến người dân Philippines thêm phẫn nộ.

Sau kết quả điều tra ban đầu của Ủy ban Kiểm toán cho thấy, riêng từ năm 2007-2009, đường dây của bà Napoles đã ăn chặn hơn 2 tỉ peso, Tổng thống Aquino III đã phải lên tiếng tuyên bố “sẽ thay thế PDAF” bằng những chương trình khác. Tuy nhiên, chính phủ cũng cho hay PDAF vẫn tiếp tục được triển khai trong năm 2014.

Trên internet, nhiều người bày tỏ sự thất vọng với tuyên bố của tổng thống. “Thông báo này chỉ khiến người dân nhìn sâu hơn vào vấn đề và thấy rằng điều đó chẳng thay đổi được tình trạng ăn chặn”, Peachy Rallonza-Bretana, một người kêu gọi biểu tình, phát biểu. Cuộc xuống đường rộng khắp với khoảng 100.000 người tham gia riêng ở thủ đô Manila được xem là thách thức đầu tiên từ người dân đối với Tổng thống Aquino III, người được cho là trong sạch và rất mạnh tay chống tham nhũng, kể từ khi ông đắc cử năm 2010.

Thục Minh
(VP Singapore)

>> Dạy học sinh phòng chống tham nhũng
>> Phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ chính trị then chốt
>> Quảng Ngãi kỷ luật 62 đảng viên liên quan tham nhũng
>> Xử lại vụ tham nhũng đất đai ở H.Hóc Môn
>> Bị trả thù dã man vì chống tham nhũng  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.