Án chưa hiệu lực, khách hàng rút 245 tỉ đồng từ Eximbank: Có đúng luật ?

13/12/2018 08:00 GMT+7

Sau khi tòa tuyên bản án sơ thẩm, buộc Eximbank tất toán 245 tỉ đồng (cùng 103 tỉ đồng lãi suất phát sinh) cho bà Chu Thị Bình, ngân hàng này kháng cáo một phần bản án. Bà Bình đã rút 245 tỉ đồng tiền gốc tại Eximbank.

Như Thanh Niên đã thông tin, chiều 23.11, TAND TP.HCM đã tuyên án đối với 6 bị cáo nguyên cán bộ Ngân hàng (NH) TMCP Xuất nhập khẩu VN (Eximbank), theo đó bị cáo Hồ Ngọc Thủy (32 tuổi, nguyên giao dịch viên phòng dịch vụ khách hàng) 4 năm 6 tháng tù; 5 bị cáo còn lại được cho hưởng án treo. Về trách nhiệm dân sự, HĐXX cấp sơ thẩm tuyên Eximbank tất toán 245 tỉ đồng cùng lãi phát sinh là 103 tỉ đồng cho bà Chu Thị Bình (khách hàng đồng thời là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án - PV).
Theo quy định, ngày 11.12 là hết thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm. Trước đó, bị cáo Thủy đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; Eximbank cũng kháng cáo một phần bản án sơ thẩm.
Sau khi biết thông tin Eximbank có kháng cáo về phần dân sự, ngày 11.12, bà Chu Thị Bình đã đến Eximbank rút toàn bộ 245 tỉ đồng tiền gốc tại đây đồng thời gửi đơn kháng cáo yêu cầu Eximbank tất toán 103 tỉ đồng (lãi suất phát sinh cho 245 tỉ đồng mà TAND TP tuyên Eximbank phải tất toán cho bà Bình). Theo bà Bình, việc Eximbank kháng cáo đi ngược lại những cam kết đã đạt được giữa NH này và bà trong thời gian vừa qua.
“Việc này gây đổ vỡ lòng tin của tôi, do vậy tôi đã quyết định rút trước hạn 245 tỉ đồng đang gửi tại Eximbank, dù chịu mất toàn bộ số lãi phát sinh do chưa đến hạn”, bà Bình nói. Ngoài ra, bà Bình cũng kháng cáo yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý trách nhiệm của những người liên quan tại Eximbank khi buông lỏng quản lý, để xảy ra thiệt hại.
Trước đó, ngày 23.11, trình bày trước phiên tòa sơ thẩm, đại diện Eximbank đề nghị HĐXX xem xét, cân nhắc một phần trách nhiệm của bà Bình đối với thiệt hại xảy ra - do bà Bình có lỗi ký khống trong một số giấy tờ, tạo điều kiện cho Lê Nguyễn Hưng (nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM - người đang bị truy nã). Đại diện Eximbank nói luôn tôn trọng ý kiến và kết luận của cơ quan điều tra, cáo trạng của Viện KSND cũng như bản án sơ thẩm và thực hiện đúng thỏa thuận ngày 21.6.2018; thỏa thuận bổ sung ngày 18.8 giữa Eximbank chi nhánh TP.HCM và bà Bình, rằng hai bên sẽ chờ phán quyết của bản án sơ thẩm để tất toán 245 tỉ đồng tiền gốc và lãi phát sinh.
Nguyên thẩm phán TAND tối cao Trương Thị Minh Thơ cho rằng, về nguyên tắc khi án chưa có hiệu lực thi hành thì không nên thi hành án.
Tuy nhiên, nếu thỏa thuận về trách nhiệm dân sự giữa các bên liên quan không trái với quy định pháp luật, vẫn đảm bảo quyền lợi của NH lẫn khách hàng, thì thỏa thuận đó là hợp tình hợp lý.
Thỏa thuận không trái quy định
Việc bà Bình rút toàn bộ 245 tỉ đồng tiền gốc và Eximbank cũng đã tất toán cho bà Bình trong khi bản án sơ thẩm đang có kháng cáo của bị cáo và các bên liên quan (tức bản án chưa có hiệu lực pháp luật), một vấn đề về pháp lý được đặt ra: Nếu cấp phúc thẩm có sự thay đổi về trách nhiệm của Eximbank cũng như quyền lợi của bà Bình, hướng giải quyết ra sao?
Theo ý kiến của các chuyên gia, việc bà Bình rút toàn bộ 245 tỉ đồng không ảnh hưởng đến công tác giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm.
Luật sư Lưu Văn Tám (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phân tích, việc bà Bình rút tiền khỏi Eximbank là giao dịch bình thường. Nếu bản án phúc thẩm có thay đổi về trách nhiệm dân sự giữa các bên, buộc bà Bình chịu một phần trách nhiệm tương đương với một khoản tiền, thì bà Bình có thể nộp lại sau khi bản án phúc thẩm tuyên.
“Nếu bà Bình không nộp theo bản án phúc thẩm thì vẫn có cơ chế thi hành theo luật Thi hành án dân sự. Theo đó, cơ quan thi hành án có quyền kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản... của bà Bình”, luật sư Tám nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.