Trong số đó có nhiều chiếc ấn chứa những câu chuyện gắn với sự kiện lịch sử cùng chủ nhân mà ít người biết.
Chiếc ấn bị đánh cắp của Tả quân
Đầu tiên là Tả quân chi ấn (ấn của Tả quân). Chiếc ấn được làm dưới triều Nguyễn, núm hình lân, lưng ấn có 2 hàng chữ Hán dạng chữ chân gồm bên trái: Tả quân chi ấn, bên phải: Nhâm Tuất trọng xuân cát nhật giám tạo (được làm vào ngày tốt tháng 2 năm Nhâm Tuất). Mặt ấn có 4 chữ Hán dạng triện: Tả quân chi ấn, được đúc theo khuôn mẫu chế định ghi trong Hội điển thời bấy giờ.
Tả quân chi ấn |
Lương Chánh Tòng |
Được biết dưới triều Nguyễn, quân đội chia thành 5 quân: Trung, Tiền, Tả, Hữu và Hậu quân; trong đó Tả quân là một trong ngũ quân chủ lực. Từng giữ chức Tả quân dưới triều Nguyễn là Lê Văn Duyệt, danh tướng trong Ngũ hổ tướng của Nguyễn Ánh: Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Nhơn, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Huỳnh Đức, Trương Tấn Bửu. Sử chép rằng Lê Văn Duyệt bị ám toán khi phải triệu hồi về Kinh năm 1815 và bị kẻ gian lấy mất ấn tín. Đại Nam liệt truyện không nói rõ ông có thu hồi lại quả ấn sau khi bắt được kẻ gian hay không, song qua chi tiết trên cho thấy số phận thăng trầm của chiếc ấn cũng như chủ nhân. Cuộc đời của Lê Văn Duyệt đầy gian nan với kết cục nghiệt ngã. Thời trẻ, ông theo phò Nguyễn Ánh trong gian khó, lần lượt lập nhiều công trạng. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi ở Phú Xuân (1802), ông được phong tước Quận Công, Khâm sai Chưởng Tả quân dinh Bình tây tướng quân, hai lần được cử giữ chức Tổng trấn Gia Định Thành, được xem là một trong những khai quốc công thần của triều Nguyễn. Những tưởng vinh hoa tột cùng, song đến khi qua đời lại “họa vô đơn chí”. Vì loạn Lê Văn Khôi (con nuôi của Lê Văn Duyệt), vua Minh Mạng đã cho san bằng mồ mả của ông sau khi hạ thành Gia Định. Cho đến đời Tự Đức mới được phục chức. Sau này, chiếc ấn này đã được tìm thấy ở Huế và hiện được lưu giữ tại Bảo tàng TP.HCM.
Chủ nhân ấn “Lương Tài hầu” là ai ?
Lương Tài hầu chi ấn |
Một hiện vật quý giá khác là Lương Tài hầu chi ấn (ấn của Hầu tước Lương Tài) cũng được chế tạo dưới triều Nguyễn. Ấn được đúc bằng đồng, núm dạng hình trụ tròn, trên lớn và nhỏ dần về dưới, mặt vuông vắn. Lưng ấn bên phải có khắc dòng chữ Hán kiểu chữ chân: Minh Mệnh thập tứ niên cát nguyệt nhật tạo (đúc vào ngày tháng tốt năm Minh Mệnh thứ 14 - 1833), bên trái có dòng chữ Hán chỉ trọng lượng: Trọng thập ngũ lạng ngũ tiền thất phân (15 lạng, 5 tiền, 7 phân). Mặt ấn có 5 chữ Hán kiểu chữ triện: Lương Tài hầu chi ấn.
Chủ nhân của ấn “Lương Tài hầu” là ai? Sử gia triều Nguyễn từng ghi lại việc 3 công thần được tấn phong tước Hầu vào mùa xuân tháng 3, năm Minh Mệnh (Minh Mạng) thứ 14 - 1833 là Trần Văn Năng, Tống Phước Lương và Phan Văn Thúy, chỉ huy của 3 đạo quân lớn: Tiền quân, Trung quân và Hậu quân. Trong đó, Tiền quân Đô thống phủ Chưởng phủ sự Trần Văn Năng được phong làm Lương Tài hầu. Như vậy, đối chiếu tư liệu văn bản và chữ được khắc trên chiếc ấn có thể thấy chủ nhân của quả ấn này là Trần Văn Năng. Ông là một võ tướng, quê huyện Vĩnh Xương (Khánh Hòa), từng là thuộc hạ của Lê Văn Duyệt rồi Trần Văn Thành. Ông đã lập được nhiều công lao, từng giữ các chức vụ: Đô thống chế hậu doanh Thần sách năm (1801), cai quản 5 doanh quân Thần sách (Gia Long năm thứ 8 - 1809), kiêm lĩnh Phó tướng quân Chấn Vũ (1812), Phó tổng trấn Gia Định (1823), Bình Khấu tướng quân (1833). Đời binh nghiệp, Trần Văn Năng tham gia nhiều trận đánh lớn với quân Tây Sơn, dẹp loạn Lê Văn Khôi, phá quân Xiêm xâm lấn biên giới phía nam. Chiếc ấn “Lương Tài hầu” đã theo ông suốt cuộc đời binh nghiệp và sau khi mất được dòng họ lưu giữ trước khi trở thành hiện vật quý của Bảo tàng TP.HCM.
Mặt ấn Tả quân chi ấn |
Cũng tại Bảo tàng TP.HCM đang lưu giữ chiếc ấn duy nhất bằng ngà dưới triều Nguyễn là Khâm sứ đại thần quan phòng (ấn của quan lớn đảm trách việc giao thiệp với nước ngoài). Ấn được chế tạo khá đơn giản: núm cầm hình hộp vuông, mặt và thân ấn hình chữ nhật. Núm có khắc chìm chữ Thượng (phía trên) chỉ cách đóng thuận. Mặt ấn bên phải khắc dòng chữ Hán: Tự Đức Nhị thập lục niên (Tự Đức năm 26 - 1873), bên trái có dòng chữ Hán: Nhuận lục nguyệt cát nhật tạo (được làm vào ngày tốt tháng 6 nhuận). Mặt ấn khắc 6 chữ Hán kiểu chữ triện: Khâm sứ đại thần quan phòng, hiện đã lên nước và có nhiều vết rạn vì thời gian trên chất liệu chế tác.
Chiếc ấn có thể thức không giống quy định về ấn quan phòng dưới thời Minh Mạng và được làm bằng ngà chứ không được đúc bằng đồng. Việc này chúng ta có thể hiểu được vì vào giai đoạn cuối của triều Nguyễn, trong bối cảnh giặc giã, ngoại xâm cực kỳ rối ren, những định chế buộc phải có những thay đổi để thích ứng với điều kiện như việc bổ khuyết, thay thế các quan chức trong việc bang giao với phương Tây, việc dùng chất liệu ngà thay vì đúc bằng đồng cho các con dấu của quan chức cũng là giải pháp tình thế…
So với lạc khoản và chức danh của chủ nhân ghi trên đó thì có thể khẳng định là của Khâm sứ đại thần Lê Tuấn, người phụng mệnh vua Tự Đức vào Sài Gòn, cũng là người đại diện triều đình ký bản hòa ước Giáp Tuất (1874). Không biết 6 chữ trong chiếc ấn của Khâm sứ đại thần Lê Tuấn có còn lưu dấu trong tàng bản của Cơ quan lưu trữ những tài liệu thuộc địa của Pháp hay không, nhưng cơ duyên sau hành trình lưu lạc lại được giữ tại đất phương Nam, cùng với những ấn chương khác dưới triều Nguyễn trở thành minh chứng vô giá, giúp xác minh lại những khoảng trống trong lịch sử Việt Nam mà tư liệu còn thiếu..
Bình luận (0)