“Ăn cơm tổ” ba đời - Kỳ 1: Ba tôi - NSND Thành Tôn

04/09/2012 09:43 GMT+7

LTS: Nghệ sĩ sân khấu hay gọi nôm na nghề mình là nghề “ăn cơm tổ”. Sân khấu Việt Nam - nhất là sân khấu Nam bộ - có những dòng tộc đã ăn cơm tổ hơn ba bốn đời, từ sân khấu tuồng, cải lương đến kịch nói. Trải qua những lúc thăng trầm thịnh suy của nghề, gặt hái nhiều vinh quang và có cả cay đắng... họ vừa là nhân chứng, vừa viết nên tính độc đáo và truyền thống lâu đời của sân khấu Việt gần một thế kỷ qua.

NSND Thành Tôn (1917-1997) là một tên tuổi lớn của sân khấu hát bội. Trong ký ức của NSƯT Thành Lộc, hình ảnh cha anh luôn toát lên một nhân cách khẳng khái, trượng nghĩa, lúc nào cũng sống chết với nghề.

Ba tôi vốn xuất thân từ đất Vĩnh Long, ông cố là Nguyễn Văn Sĩ, ông nội là Nguyễn Văn Luông, thân phụ là Nguyễn Văn Nở (bầu Nở) đều là nghệ sĩ hát bội. Tính ra ba tôi là đời hát bội thứ tư. Những người con của ông sau này như tôi (NSƯT Thành Lộc), Bạch Long, Bạch Lê, Bạch Lý... đều là nghệ sĩ thành danh ở lĩnh vực khác.

Tuy là con nhà nòi nhưng ba tôi cho rằng mình cũng không thoát khỏi cái mác kép hát tỉnh lẻ. Ông muốn mình phải nổi danh ở thành phố lớn. Vì vậy, ông quyết khăn gói lên Sài Gòn lập nghiệp.

 “Ăn cơm tổ” ba đời - Kỳ 1: Ba tôi - NSND Thành Tôn 1
Những người con của NSND Thành Tôn đều thành danh trên sân khấu. Trong ảnh: nghệ sĩ Bạch Lê và NSƯT Thành Lộc trong vở cải lương tuồng cổ thuộc hàng kinh điển: Câu thơ yên ngựa - Ảnh: Hòa Bình

Kép tỉnh giữa Sài Gòn

Lên Sài Gòn, ông gia nhập gánh Minh Tơ của bầu Thắng, là ông ngoại tôi sau này. Trong đoàn, cậu tôi là Khánh Hồng (nghệ sĩ hồ quảng) thích ba tôi, nhưng ông cậu còn lại là Minh Tơ (nghệ sĩ hát bội, cha của NSND cải lương Thanh Tòng) thì... chưa thích lắm! Tuy nhiên, về mặt nghề nghiệp thì cậu tôi vẫn phải nể vì ba tôi.

Hồi đó, gánh hát lục tỉnh luôn phải chạm mặt du côn, cường hào ác bá nên ba tôi quyết học võ. Ông còn nói nghệ sĩ Sài Gòn kiêu kỳ lắm, ông thì thân cô thế cô, thế nên việc đầu tiên là ông giắt cây... mã tấu theo, phòng khi bị bắt nạt.

“Ba là người miền Tây lục tỉnh mà để nổi tiếng khắp miền Nam thì cực lắm con ơi! Mình muốn học người ta cũng không cho, người ta giấu nghề” - ba tôi có nói như vậy. Về sau ba tôi không giấu nghề. Ông nói nghề hát bội từ đời này sang đời khác vốn đã rơi rớt, mai một ít nhiều, nếu giấu nghề thì nó sẽ mai một luôn. Mà ngày trước ba tôi học là đứng sau cánh gà, học lỏm cái hay của người khác rồi về nhà tập.

Ba nói trong hát bội, hát văn khó hơn hát võ. Hát võ thì có múa võ để khán giả coi. Còn hát văn sao cho người ta rớt nước mắt mà không... bị buồn ngủ mới là khó nhất!

Hồi đó, cả nhà tôi sống bên cánh gà đình Cầu Quan (nay là góc Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão, TP.HCM). Ba tôi tập tuồng ở dưới, nhưng thỉnh thoảng ông đáo lên gác xem anh em tôi có học bài hay không. Đứa nào nghe trống tập tuồng không lo học là bị ông đánh. Sau này, khoảng những năm 1970, khi chị Bạch Lê nổi tiếng là “hồ quảng chi bảo” đi hát có tiền thì chúng tôi mới ra nhà riêng.

Ba tôi thuộc làu sử ta, sử Tàu nhưng cũng chịu ảnh hưởng của Tây. Chắc cái này ông bị ảnh hưởng bên nhà ngoại tôi, bởi nhà ngoại tôi có nhiều người học trường Tây. Thường ông thích chơi Vespa, diện đồ vest. Có lần ông chạy Vespa hộ tống đoàn đua xe đạp ra tận vĩ tuyến 17.

Hồi đó, nhà có khó khăn gì ông cũng không cho con cái thất học. Con cái có muốn theo nghệ thuật hay không ông cũng không ép uổng hay ngăn cản. Ông chỉ nói: “Đã làm nghệ sĩ là phải nghệ sĩ giỏi, không được nghệ sĩ trung bình”.

 “Ăn cơm tổ” ba đời - Kỳ 1: Ba tôi - NSND Thành Tôn 2
NSND Thành Tôn - Ảnh tư liệu

Đường siêu cuối cùng

Tính ba tôi ngang ngạnh, nổi tiếng là người hay bênh nghệ sĩ. Hễ nghe có tin nghệ sĩ bị đánh hay hiếp đáp ở đâu là dù đang ngủ ông cũng bật dậy, quơ cây mã tấu chạy tới liền.

Trong đoàn, ông cũng có tiếng là ngang tàng, hay bênh kẻ yếu, người thế cô. Các ông bầu nể ba tôi vì tài nên cũng không muốn “làm căng” với ông, còn những người yếu thì nể ông vì đã bênh vực họ!

Ba tôi còn kể ông đòi đánh nhau với cả... quỷ! Chuyện này thì có tính tâm linh một chút. Hồi xưa, gánh hát thường đi sâu vô những nơi heo hút. Gặp nơi chướng khí, nội bộ xào xáo, diễn viên diễn trên sân khấu bị tai nạn trọng thương, hoặc tối người trong đoàn ngủ không được... là người ta tin bị ma quỷ phá. Ba tôi tức lắm. Nửa đêm ông cầm mã tấu, thắp một nắm nhang lớn đỏ rực giữa sân khấu rồi thách ma quỷ có giỏi thì hiện lên... ăn thua đủ!

Ba tôi dạy tôi: “Cạnh tranh lành mạnh là cạnh tranh trên sân khấu. Tổ nghiệp phù hộ con hay không là lúc đứng trên sân khấu. Nếu con đứng trong bóng tối mà khán giả vẫn nhớ tới con thì còn hơn là người đứng ngoài ánh sáng mà ít ai nhớ tới. Như vậy là con thành công rồi”.

Ba tôi nổi tiếng với những vai Châu Sáng, Triệu Tử Long, Lý Bá Huề, Lôi Nhược, Trình Giảo Kim... Những ngày cuối đời, ông bị chứng teo não nằm trong bệnh viện. Chị Kim Thanh (nghệ sĩ hát bội) đến thăm có nói: “Sư phụ ơi, cứu con với. Người ta giao cho con vai Châu Sáng mà con e mình đảm đương không nổi”. Chỉ vậy thôi mà ông bật dậy, đi bài siêu Châu Sáng dạy cho chị Kim Thanh liền. Chị Kim Thanh vừa lĩnh hội đường siêu vừa rớt nước mắt.

Hơn tuần sau là ba tôi mất!

Bà Hai Gà ở đình Cầu Quan

Sinh thời, NSND Thành Tôn từng nói: “Tam cang, ngũ thường, tứ đức... của người xưa được chúng tôi thể hiện hằng ngày trên sân khấu.Thiện ác rạch ròi, nên nghệ sĩ chúng tôi ít nhiều bị ảnh hưởng”. Ngẫm về cuộc đời ông hay các nghệ sĩ hát bội khác thì quả có như vậy!

Sinh thời, NSND Thành Tôn và nghệ sĩ Hữu Thoại rất coi trọng nhau. NSƯT Thành Lộc nhớ lại mỗi khi gặp nghệ sĩ Hữu Thoại là ba anh bắt phải kính cẩn cúi chào. Còn NSƯT Hữu Danh từng được NSND Thành Tôn truyền nghề thì nhắc: “Bác Thành Tôn hay nói: Trong nghề này tôi không ngán một ai, chỉ nể anh Hai Thoại (nghệ sĩ Hữu Thoại)”.

NSƯT Hữu Danh kể lại khi anh còn là sinh viên, khoảng năm 1981, một hôm nghệ sĩ Thành Tôn đến gặp anh và người anh là Hữu Nhi (nay là phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM) nói: “Hai đứa bay ăn mặc chỉnh tề rồi đi theo bác. Có chuyện!”.

Ông đưa hai anh em Hữu Danh, Hữu Nhi đến một ngôi nhà ở gần đình Cầu Quan (góc Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão, TP.HCM). Ở đó có một người đàn bà đang nằm thoi thóp những ngày cuối đời cô đơn trên giường bệnh.

Người đàn bà này anh không nhớ rõ tên gì, chỉ hay gọi là cô Hai Gà. Thời thuộc Pháp bà làm nghề tú bà ở khu vực đình Cầu Quan. Khi nghệ sĩ Hữu Thoại từ tỉnh phiêu bạt lên Sài Gòn, hai người có thời gian ăn ở như vợ chồng. Được ba năm, bà biết mình không thể có con nên mới giục Hai Thoại đi lấy vợ. Trong lúc Hai Thoại vì còn tình nghĩa nấn ná thì bà nói: “Anh Hai à, anh là người có tài. Anh phải có vợ để có người nối dõi”.

Mẹ của nghệ sĩ Hữu Danh là người gốc Cần Giờ (TP.HCM). Hồi trẻ, bà tham gia chống Tây nên bị Tây bắt, treo ngược lên cây rồi đổ nước mắm vô mũi tra tấn, tưởng chết. Nửa đêm, cha bà lén bò ra bãi xác kiếm xác con, nghe bà thở thoi thóp mới biết bà còn sống. Sau vụ đó bà bỏ lên Sài Gòn làm thợ may, rồi quen nghệ sĩ Hữu Thoại. Chính bà Hai Gà đem tiền đi hỏi bà cho Hữu Thoại.

NSƯT Hữu Danh kể cha anh không bao giờ nhắc chuyện đó có lẽ vì nể má anh. Nếu không có NSND Thành Tôn dẫn đến nhà người đàn bà trên thì anh em của anh cũng không bao giờ biết chuyện.

Khi gặp người đàn bà trên giường bệnh, nghệ sĩ Thành Tôn gọi: “Chị Hai à, con của Hai Thoại nè. Không có chị thì không có tụi nó”. Người đàn bà yếu ớt gượng ngồi dậy, run run mừng tủi: “Con của Hai Thoại đây sao?”.

Chuyện nhơn nghĩa người xưa kể ra như tuồng tích, như kịch, nhưng là chuyện có thật!

Q.Thi

Theo NSƯT Thành Lộc - Quang Thi / Tuổi Trẻ
(ghi)

>> NSƯT Thành Lộc: Lối rẽ đến “thánh đường”
>> Thành Lộc cổ vũ tiết mục Trial Bike của Ngô Minh Tú
>> Thành Lộc làm… Xì Trum!
>> Trò chuyện cuối năm với Thành Lộc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.