Ăn côn trùng lạ, mang họa vào thân

24/07/2014 09:00 GMT+7

Ăn côn trùng đang là “mốt” của nhiều người. Nhưng việc ăn các loại côn trùng lạ hoặc chế biến không đúng cách, không đảm bảo vệ sinh… dẫn đến nhiều mối nguy, thậm chí gây tử vong.

Ăn côn trùng đang là “mốt” của nhiều người. Nhưng việc ăn các loại côn trùng lạ hoặc chế biến không đúng cách, không đảm bảo vệ sinh… dẫn đến nhiều mối nguy, thậm chí gây tử vong.

Ăn côn trùng lạ, mang họa vào thân
Mua bán bù rầy ở thị trấn Nhà Bàng, H.Tịnh Biên, An Giang - Ảnh: Thanh Dũng

Mất mạng vì nhậu nhộng ve sầu

Ngày 4.5 vừa qua, tại tỉnh Bình Phước xảy ra một vụ ngộ độc sau khi dùng món nhộng ve sầu làm mồi nhậu, khiến 1 người tử vong, 2 người nguy kịch. Các nạn nhân đều là nam, gồm Đ.Kh (29 tuổi), Đ.B (41 tuổi), Đ.M (59 tuổi,  cùng ngụ Bình Long, tỉnh Bình Phước). Tìm được một ổ nhộng ve sầu khoảng 30 con, cả nhóm mang về xào sơ qua để làm mồi nhậu. Ăn chưa hết số nhộng đó thì mọi người thấy khó chịu nên không ăn nữa. Vài giờ sau, cả ba đều bị ngộ độc nặng, phải chuyển đến Bệnh viện (BV) đa khoa Bình Phước cấp cứu trong tình trạng co giật, ói mửa, rồi hôn mê… Sau 4 ngày điều trị, người lớn tuổi nhất là ông Đ.M tử vong, 2 người còn lại may mắn thoát chết. 

Đến ngày 14.5, lại xảy ra một vụ ngộ độc do ăn nhộng ve sầu khiến 15 người ở thị trấn Tân Minh, H.Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận phải đi cấp cứu. Những người này lên rẫy đào lấy nhộng ve sầu về nấu ăn, sau đó đều có biểu hiện ngộ độc - đau bụng, đau đầu, buồn nôn… Năm 2013, Khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy (TP.HCM) cũng tiếp nhận cùng lúc 4 nạn nhân nam là N.V.L (63 tuổi), P.V.X (57 tuổi), L.V.C (50 tuổi) và V.V.L (35 tuổi, cùng ngụ H.Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) bị trúng độc bởi ăn nhộng ve sầu. Các nạn nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, sau đó hôn mê trong nhiều ngày. Một ngày trước nhập viện, các nạn nhân trong lúc làm vườn đào trúng ổ ve sầu rồi đem về làm mồi cùng nhau… nhậu. Nhậu xong thì cả 4 nôn ói, co giật, cơ thể cứng đờ... Theo bác sĩ Phạm Trí Dũng, Trưởng khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy, qua xét nghiệm xác định các nạn nhân bị ngộ độc một loại nấm có trên ve sầu.

Ăn côn trùng lạ, mang họa vào thân
Cấp cứu cho các nạn nhân bị ngộ độc sau khi ăn côn trùng lạ giống bọ xít ở H.Than Uyên, Lai Châu - Ảnh: Phương Ly

Con gì lạ cũng xơi !

Một vụ ngộ độc do ăn côn trùng lạ ở Lai Châu vào ngày 12.6, khiến 1 người tử vong tại nhà, 37 người phải đi cấp cứu. 38 người thuộc 6 gia đình ngụ H.Than Uyên. Thấy một loại côn trùng có màu đen, gần giống con bọ xít xuất hiện gần 1 năm nay trên địa bàn xã, ông L.V.M (60 tuổi) bắt được khoảng 4 kg đem về rủ nhiều người cùng ăn. Chỉ một lúc sau ăn, ông M. bị tê toàn thân, được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi. 37 người còn lại có 28 người cấp cứu ở Trung tâm y tế H.Than Uyên, trong đó 6 người đến gần cuối tháng 6 sức khỏe mới bình phục.

Còn tại An Giang, thời gian gần đây loại côn trùng xuất hiện nhiều trên bàn nhậu là bù rầy. Bù rầy có màu đen, to bằng ngón tay cái, trông giống con bọ hung, hiện được xem là "hàng độc" ở chợ Nhà Bàng, thị trấn Nhà Bàng, H.Tịnh Biên, An Giang. Việc săn và bán bù rầy vì thế rất nhộn nhịp, khách trong và ngoài tỉnh đến Nhà Bàng thường ghé qua ăn… cho biết nên khoảng 9 giờ sáng hằng ngày là chợ hết hàng. Ban đầu, khi chợ bù rầy mới hình thành giá 1 thiên (1.000 con) bù rầy chỉ 10.000 đồng, nhưng do nhiều người truyền nhau “ăn bù rầy sẽ giúp tăng cường sinh lực (?!)” nên hiện giá 1 thiên lên hơn 70.000 đồng!

Cách chế biến bù rầy rất đơn giản: cắt bỏ cánh, đem ngâm nước muối cho nhả các chất dơ ra, rồi cắt đầu, xẻ bụng nhét đậu phộng vào và đem xào hoặc chiên. Ông Lâm Chí Bình (44 tuổi, ngụ P.Mỹ Khánh, TP.Long Xuyên) cho biết: “Lúc trước tôi lên vùng Thất Sơn chơi hay được bạn nhậu đãi món bù rầy. Họ cho rằng đây là món ngon. Nhưng vài lần để ý cứ vài tiếng sau ăn thì cảm thấy cơ thể mệt mỏi, nên không dám ăn nữa”. Ngoài bù rầy, ve sầu cũng là món được nhiều người ở Tịnh Biên hay dùng. Tuy nhiên, liên tiếp trong hai năm 2009 - 2010 tại đây xảy ra nhiều vụ ngộ độc do ăn ve sầu nên món này khiến nhiều người thấy… ngán.

Ăn côn trùng lạ, mang họa vào thân
Nhà chuyên môn khuyến cáo, rượu ngâm bọ cạp, rết chỉ được xoa bóp ngoài da, không được uống vì sẽ gây ngộ độc - Ảnh: Lương Ngọc

Co giật tay chân, cứng hàm, hôn mê…

Theo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, gần đây việc sử dụng côn trùng như cào cào, châu chấu, nhộng tằm, ong, mối, nhộng ve sầu, sâu cây chít, sâu cây dâu… để chế biến món ăn đã và đang là mối lo ngại, gây nguy hiểm sức khỏe, thậm chí nhiều trường hợp bị tử vong. Tại nhiều địa phương đã ghi nhận một số vụ ngộ độc do sử dụng các loại côn trùng, ấu trùng để chế biến món ăn. Ngoài các vụ điển hình nói trên, tại H.Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) cũng đã xảy ra ngộ độc do ăn ấu trùng ve sầu nhiễm nấm khiến 15 người phải nhập viện cấp cứu… Nguyên nhân, theo Cục An toàn thực phẩm là do sử dụng côn trùng đã chết sinh ra độc tố; côn trùng bị nhiễm nấm độc; côn trùng chứa nhựa cây độc như cây cọc rào, cây cỏ lào, thầu dầu tía... (có chứa nhóm Alcaloit, nhóm Glucozit…). Đặc biệt, với nhộng ve sầu, do sống dưới đất nên chúng thường nhiễm nấm có độc tố gây nguy hiểm cho sức khỏe. Các dấu hiệu lâm sàng thường gặp trong các vụ ngộ độc do ăn côn trùng là buồn nôn, nôn, run tay chân, sẩn ngứa, ban dạng mảng toàn thân, co giật tay chân, chóng mặt, cứng hàm, kích thích vật vã, khó thở, ý thức lơ mơ, hôn mê và có thể tử vong.

Ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm), khuyến cáo: “Tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, côn trùng chết để chế biến món ăn; không ăn sống, ăn tái, nấu chín nguyên con mà không qua sơ chế…”.

Rượu độc từ rết, bọ cạp

Trước đây, ở TP.HCM cũng có một vụ ngộ độc vì uống rượu ngâm rết để chữa bệnh viêm khớp theo người quen mách. Sau vài ngày uống, ông H. phải vào cấp cứu ở BV Thống Nhất trong tình trạng hoa mắt, khó thở. Ngoài ra, ngành y trong nước cũng ghi nhận các vụ ngộ độc do ăn nhộng tằm. Theo lương y Vũ Quốc Trung, hội viên Hội Đông y VN: “Rết và bọ cạp có chứa độc tố, do vậy chỉ được dùng rượu ngâm rết, bọ cạp để xoa bóp ngoài da, tuyệt đối không được uống. Riêng về ngộ độc sau ăn nhộng tằm, có thể do người bán đã ướp tẩm hóa chất để giữ nhộng tươi lâu, hoặc do dùng nhộng bị biến chất. Nhộng tằm có hàm lượng đạm (protein) cao, nên rất dễ biến chất khi để lâu và trong nhộng tằm có chứa histamin cũng rất dễ gây dị ứng - ngứa, nổi mẩn đỏ sau ăn”.

Bù rầy không có tác dụng tăng cường sinh lực

Chiều 23.7, ông Lâm Quốc Hùng cho biết vụ một người tử vong và nhiều người bị ngộ độc sau ăn côn trùng lạ ở H.Thanh Uyên, Lai Châu, bước đầu đã xác định được đó là bọ xít đen. Bọ xít đen thường hút nhựa từ các cây, nhất là cây thầu dầu tía - loại nhựa gây độc, do vậy ăn loại côn trùng này sẽ có nguy cơ bị trúng độc rất cao, có thể bị tử vong. Còn về con bù rầy mà người dân An Giang ăn nhiều do đồn thổi nó giúp tăng cường sinh lực, theo lương y Vũ Quốc Trung: “Bù rầy không hề có công dụng giúp tăng cường sinh lực cho quý ông. Trong đông y, bù rầy cũng không hề được dùng làm vị thuốc nào cả. Bù rầy hay sống trên lúa, có nguy cơ nhiễm thuốc trừ sâu, nên dùng nó sẽ có nguy cơ nhiễm độc thuốc trừ sâu”.

Thanh Niên

>> Sơ cứu cho bé khi bị côn trùng đốt
>> Tai họa do côn trùng
>> Viêm da tiếp xúc do côn trùng
>> Bảo vệ sức khỏe gia đình khỏi côn trùng đốt
>> LHQ khuyến khích ăn côn trùng
>> Ăn côn trùng để chống nạn đói

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.