An cư, lạc nghiệp cho người lao động

06/12/2021 04:29 GMT+7

Thảo luận về bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) Phạm Tấn Công nhận định dịch Covid-19 là một “đại họa” với doanh nghiệp và người lao động .

Để người lao động không bỏ về quê

Ông Phạm Tấn Công đề xuất thời gian tới cần phải hỗ trợ cho người lao động những điều họ cần nhất, chính là việc làm và thu nhập. “Doanh nghiệp phải phục hồi và đón người lao động trở lại. Đồng thời, bảo đảm an toàn sức khỏe, vắc xin và chăm sóc y tế cho người lao động, nếu không họ không thể an tâm làm việc”, ông Công nhận định và cho đây là yêu cầu trước mắt.

Về lâu dài, ông Công cho rằng phải hướng đến mục tiêu “an cư, lạc nghiệp” cho người lao động. “Không thể để cho người lao động ở trong những nhà trọ mấy mét vuông, điều kiện hết sức khó khăn. Rõ ràng nếu xảy ra dịch bệnh thì người lao động ở những khu vực này sẽ bỏ đi hết”, ông Công nói và cho rằng ngay từ ngày hôm nay, phải xúc tiến chương trình bảo đảm chỗ ở cho người lao động. “Có an cư mới an tâm, mới không xảy ra tình trạng hàng triệu người lao động rời bỏ các các thành phố lớn để về quê như vừa rồi”, ông Công nói và cho hay doanh nghiệp sẵn sàng tạo chỗ ở ổn định, tạo an tâm lâu dài cho người lao động nhưng cần cơ chế, chính sách của nhà nước.

Cần tạo chỗ ở ổn định để người lao động yên tâm làm việc, không bỏ về quê

Lê Nam

Cùng với “an cư”, ông Công đề nghị người lao động cần phải “lạc nghiệp”, nghĩa là có việc làm ổn định, thu nhập tốt. Để làm được việc này, cần có chương trình quốc gia để đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động; cơ cấu lại tổng thể lực lượng lao động, dần bỏ lao động phổ thông, dịch chuyển sang lao động ở bậc cao hơn.

Từ góc độ quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Văn Hồi cho biết sắp tới, chương trình phục hồi thị trường lao động bền vững sẽ có một số chính sách, trong đó trọng tâm là tăng cường năng lực cho y tế cơ sở, tiêm mũi 3 cho công nhân lao động, tăng dự trữ thuốc đặc trị điều trị Covid-19 để giúp người lao động yên tâm quay lại nơi làm việc. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân lao động tại khu công nghiệp, chế xuất; xây dựng nhà mẫu giáo để trông trẻ cho con em lao động…

Bản tin Covid-19 ngày 5.12: Cả nước 14.314 ca mới | Thần tốc hơn nữa trước diễn biến dịch bệnh

Tăng tốc đầu tư vào vốn con người

Trong khi đó, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB-XH, cho biết sau 4 đợt dịch bệnh Covid-19, thị trường lao động đối mặt tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng với hàng triệu lao động bị thiếu việc làm, bị cắt giảm thu nhập, thậm chí mất việc làm. Ông Dũng cho rằng các kịch bản phục hồi và số liệu dự báo có thể khác nhau, song chắc chắn thị trường lao động sẽ cần những lao động được trang bị kiến thức mới, kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế số. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế của VN, ông Dũng cho biết “chất lượng lao động vẫn còn nhiều vấn đề”. Theo đó, trong số 55 triệu lao động nhưng chỉ 24,5% có bằng cấp chứng chỉ, bằng 1/3 các nước và lãnh thổ như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore. Tăng trưởng kinh tế khá cao song năng suất lao động vẫn rất thấp. “Chúng ta sẽ hết giờ tranh thủ cơ hội vàng nếu không tăng tốc đầu tư vào vốn con người, vào lao động có kỹ năng”, ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng dẫn lại thống kê của VCCI cho thấy có khoảng 48% số lao động cần đào tạo lại, 53% số doanh nghiệp trong nước không dự báo được tương lai, 68% số cơ sở đào tạo tại VN chưa sẵn sàng cho Cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động của dịch bệnh. Do vậy tới đây, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề cần được coi là trụ cột rất quan trọng để thích ứng trạng thái bình thường mới, giúp nền kinh tế nhanh chóng thoát khỏi suy thoái. Từ đó, ông Dũng đề xuất trước mắt cần đẩy nhanh đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động. Về trung hạn và dài hạn, cần phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiệu quả và hội nhập; chú trọng nâng cao dự báo nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo, từ đó xây dựng chiến lược dài hạn. Tiếp đến, cần tăng nhanh quy mô đào tạo, đẩy nhanh chuyển đổi số, thay đổi phương thức đào tạo; đẩy mạnh hợp tác công - tư trong giáo dục nghề nghiệp….

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.