Theo CBS News, virus Nipah đã khiến một bé trai 12 tuổi ở bang Kerala (Ấn Độ) tử vong vào ngày 5.9. Một ngày sau đó, giới chức bang xác nhận 11 người khác cũng có triệu chứng nhiễm virus Nipah, trong đó có mẹ của nạn nhân.
Bé trai trên nhập viện cách đây một tuần do sốt cao. Khi tình trạng bé trai này xấu đi, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị viêm não. Kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân tại Viện Virus học Quốc gia cho thấy bé trai này nhiễm virus Nipah.
Nhà chức trách đã tăng cường truy vết, xác định, cách ly và xét nghiệm những người đã tiếp xúc với nạn nhân. Tính đến ngày 6.9, các quan chức đã xác định được 188 người tiếp xúc với bé trai, theo người đứng đầu cơ quan y tế Kerala Veena George. Trong đó, 20 người - chủ yếu là thành viên trong gia đình bệnh nhân - thuộc diện nguy cơ cao. Tất cả những người này đều đang bị cách ly nghiêm ngặt hoặc phải nhập viện.
Hai nhân viên y tế tiếp xúc với nạn nhân vào ngày 6.9 đã có các triệu chứng của nhiễm virus Nipah. Họ đã được nhập viện và lấy mẫu máu để xét nghiệm.
Nhà chức trách đã phong tỏa khu vực trong bán kính khoảng 3,2 km từ nhà bé trai trên. Họ cũng đang kiểm tra những người có triệu chứng ở các quận lân cận của bang Kerala. Bang Tamil Nadu lân cận cũng trong tình trạng báo động cao.
Đây là lần thứ hai trong vòng ba năm bang Kerala phát hiện người nhiễm virus Nipah. Bang này cũng đang phải chống chọi với làn sóng lây nhiễm Covid-19. Khoảng 68% trong số 40.000 ca mắc Covid-19 mới được ghi nhận hằng ngày Ấn Độ là ở bang Kerala.
Nipah là một loại virus lây truyền từ động vật sang người. Người bệnh bị nhiễm virus khi tiếp xúc trực tiếp với động vật hoặc tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm virus. Tuy vậy, nhiều trường hợp virus Nipah lây từ người sang người cũng đã được ghi nhận.
Dơi ăn quả thuộc họ Pteropodidae (thường được gọi là dơi quạ) là loài mang virus Nipah. Chúng có thể truyền virus cho các động vật khác như lợn, chó, mèo, dê, ngựa và cừu.
Người nhiễm bệnh thường có các triệu chứng như sốt và đau đầu trong khoảng từ 3 ngày đến 2 tuần. Sau đó, bệnh nhân có thể bị ho, đau họng và gặp các vấn đề về hô hấp. Bệnh tình diễn tiến nhanh có thể làm bệnh nhân bị phù não, gây buồn ngủ, lú lẫn, sau đó có thể hôn mê và tử vong. Hiện vẫn chưa có thuốc chữa hay vắc xin cho virus Nipah.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), virus Nipah gây tử vong đến 75%. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong của SARS-CoV-2 được cho là khoảng 2%. Tuy vậy, virus Nipah có tốc độ lây lan thấp hơn virus gây Covid-19. Khoảng 20% những người sống sót sau khi nhiễm virus Nipah có các triệu chứng thần kinh kéo dài như co giật và thay đổi tính cách.
Bình luận (0)