Ấn Độ điều chỉnh chính sách xuất khẩu gạo

Ấn Độ điều chỉnh chính sách xuất khẩu gạo

31/08/2023 16:47 GMT+7

Ấn Độ bất ngờ cho phép vận chuyển hàng trăm ngàn tấn gạo trong các container mắc kẹt tại cảng mà các nhà xuất khẩu đã trả thuế xuất trước ngày 20.7, thời điểm lệnh cấm xuất khẩu gạo có hiệu lực. Ngoài ra, nước này cũng cho phép xuất khẩu gạo đến 3 nước gồm Singapore, Bhutan và Mauritius.

Theo hãng tin Reuters, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Ấn Độ, ông Prem Garg, cho biết lệnh cấm ngày 20.7 đã làm 150.000 tấn gạo trắng không phải gạo basmati bị kẹt tại nhiều cảng khác nhau, khiến các nhà xuất khẩu đối mặt với nhiều thiệt hại.

Do đó, Bộ Thương mại Ấn Độ sẽ cho phép vận chuyển số hàng đang mắc kẹt mà các công ty xuất khẩu này đã trả thuế xuất trước ngày 20.7, thời điểm lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực.

Ngoài ra, Ấn Độ quyết định phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo trắng không phải basmati cho Bhutan, Mauritius và Singapore. Cụ thể, Ấn Độ sẽ xuất khẩu 79.000 tấn cho Bhutan, 50.000 tấn cho Singapore và 14.000 tấn cho Mauritius.

Ấn Độ cung cấp 40% lượng gạo xuất khẩu trên thế giới, tới hơn 150 quốc gia, trong đó có một số nước nghèo và dễ bị tổn thương tại châu Phi và châu Á. Trong năm 2022, New Delhi đã xuất kỷ lục 22,2 triệu tấn gạo. Sau lệnh cấm xuất khẩu ngày 20.7, Ấn Độ đã áp đặt mức thuế 20% đối với gạo đồ và áp dụng giá sàn cho việc xuất khẩu gạo basmati, nhằm kiềm chế giá gạo trong nước.

Động thái kiềm chế giá gạo trong nước của Ấn Độ đã khiến giá gạo toàn cầu tăng mạnh. Nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới là Thái Lan trong ngày 30.8 đã điều chỉnh tăng giá gạo xuất khẩu. Giá gạo Thái tăng 34 USD/tấn đối với sản phẩm gạo 5%, lên mốc 646 USD/tấn, cao hơn gạo cùng phẩm cấp của Việt Nam 3 USD. Bên cạnh đó, tăng 25 USD đối với gạo 25% tấm lên mức 607 USD/tấn, vẫn thấp hơn so với gạo Việt Nam 21 USD/tấn.

Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đánh giá, giá hiện tại vẫn còn thấp hơn một chút so với đỉnh điểm ngày 9.8 là gạo 5% tấm 648 USD/tấn và gạo 25% tấm 612 USD/tấn.


Xu hướng tăng giá gạo có thể tiếp tục trong tháng 9 vì một trong những nguồn cung quan trọng là Myanmar đang cân nhắc tạm dừng xuất khẩu gạo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.