Đây là ý tưởng của ông Mamtesh Sharma (51 tuổi), người quản lý lò hỏa táng Bhadbhada Vishram Ghat, theo South China Morning Post. Mỗi thi thể cần khoảng 500kg gỗ để hỏa táng và quá trình này tạo ra khoảng 50kg tro. Ở đỉnh dịch, Ấn Độ ghi nhận đến 400.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày. Những lò hỏa táng đều rơi vào cảnh quá tải. “Sau khi hỏa táng 100-150 thi thể mỗi ngày, chúng tôi phải tìm nơi đặt các bình tro cốt, nhưng giờ không còn chỗ trống nữa”, ông Sharma nói.
“Một số gia đình quá sợ hãi nên khi đưa người chết đến, họ đặt xác ở cổng rồi bỏ đi, để nhân viên của tôi thực hiện các nghi thức cuối cùng”, ông Sharma cho biết. Một số người lo nhiễm virus từ tro cốt, một số không thể đến vì lệnh phong tỏa, số còn lại chỉ lấy một lượng tro cốt nhỏ rồi rời đi, ông Sharma nói thêm. Vì vậy, tro cốt của 6.000 người vẫn còn ở lò hỏa táng.
Theo truyền thống của đạo Hindu, số tro này có thể được rải xuống con sông Narmada chảy qua thành phố Bhopal. Tuy nhiên, ông Sharma không muốn làm ô nhiễm dòng sông với một lượng tro cốt khổng lồ như vậy.
Do đó, ông Sharma và các đồng nghiệp quyết định trộn tro với đất, cát, mùn cưa gỗ và phân bò rồi rải trên khu đất hoang rộng 12.000 mét vuông gần đó. Họ muốn biến nơi này thành một công viên tưởng niệm nạn nhân Covid-19.
Tuần trước, các thầy tu của đạo Hindu đã đọc kinh cầu nguyện và đặt hoa cúc vạn thọ trước khi trộn tro với các chất khác và rải trên mặt đất. Thủ hiến Shivraj Singh Chouhan của bang Madhya Pradesh cũng đã đến trồng cây non đầu tiên trong công viên.
Ông Sharma cho biết nhiều người sống sót sau đại dịch Covid-19 ở Ấn Độ nói họ muốn trồng và chăm sóc cây tại công viên. Ông Sharma cũng hy vọng công viên sẽ là nơi tưởng niệm những nạn nhân Covid-19 và bù lại những nghi thức an táng được thực hiện vội vã trong đại dịch.
Bình luận (0)