Ấn Độ và EU cuối tuần qua tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với sự tham gia lần đầu tiên của cả thủ tướng Ấn Độ cùng toàn bộ lãnh đạo của 27 thành viên EU. Tại hội nghị, hai bên đã đồng ý khôi phục quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, vốn bị đóng băng từ năm 2013 vì một số bất đồng, theo Reuters. Đồng thời, Ấn Độ và EU cũng cam kết tăng cường hợp tác chống biến đổi khí hậu, đối thoại thêm để hợp tác về năng lượng tái tạo, công nghệ lưu trữ năng lượng và hiện đại hóa lưới điện.
Việc Ấn Độ và EU xích lại gần nhau hơn được cho là do những lo ngại từ Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của cả hai. Chỉ vài ngày trước khi hội nghị diễn ra, EU tuyên bố hoãn phê chuẩn hiệp định đầu tư với Trung Quốc sau màn ăn miếng trả miếng cấm vận với Bắc Kinh về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương.
Việc toàn bộ lãnh đạo 27 thành viên EU dự hội nghị thay vì chỉ có chủ tịch Ủy ban và Hội đồng châu Âu cho thấy mối quan tâm của khối này đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, sau khi tung Chiến lược Hợp tác tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hồi tháng 4.
Bắt tay với Ấn Độ là cách để EU đa dạng hóa đối tác tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, để không phải phụ thuộc quá nhiều vào một nước cụ thể và đồng thời gia tăng sức ảnh hưởng tại khu vực.
|
Trong khi đó, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc cũng leo thang căng thẳng sau những vụ xung đột ở biên giới hồi năm ngoái. Chính việc này được cho là đã khiến New Delhi thay đổi cách nhìn đối với Bắc Kinh và tìm kiếm các đối tác thay thế. Mặt khác, do nền kinh tế Ấn Độ bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19, nước này kỳ vọng việc đàm phán FTA với EU sẽ giúp khôi phục lòng tin của người dân.
Theo số liệu từ Ủy ban châu Âu, EU là đối tác thương mại lớn thứ ba của Ấn Độ sau Trung Quốc và Mỹ, đạt khối lượng giao dịch hàng hóa và dịch vụ 96 tỉ euro trong năm 2020.
Mặc dù việc đàm phán FTA là điều không dễ dàng và khó hoàn thành trong một sớm một chiều, nhưng trước mối lo ngại chung về những hành động ngày càng đối đầu của Trung Quốc, Ấn Độ và EU có lý do tìm cách giảm phụ thuộc vào Bắc Kinh.
Trong tuyên bố chung sau hội nghị, Ấn Độ và EU nêu rằng: “Chúng tôi nhất trí rằng, với tư cách là hai nền dân chủ lớn nhất thế giới, EU và Ấn Độ có lợi ích chung trong việc đảm bảo an ninh, thịnh vượng và phát triển bền vững trong một thế giới đa cực”. Theo một nghiên cứu của Nghị viện châu Âu năm 2020, lợi ích từ thỏa thuận thương mại giữa EU và Ấn Độ lên đến 8,5 tỉ euro, tuy nghiên cứu này được ước tính trước khi Anh rời khỏi khối.
Bình luận (0)