Ấn Độ nỗ lực giải cứu 41 người mắc kẹt trong đường hầm

28/11/2023 06:02 GMT+7

Giới chức Ấn Độ tiếp tục chiến dịch giải cứu 41 công nhân bị mắc kẹt trong đường hầm hơn 2 tuần sau khi một phần đường hầm bị sập.

Thủ hiến Pushkar Singh Dhami của bang Uttarakhand thuộc miền bắc Ấn Độ ngày 27.11 cho hay nỗ lực sơ tán 41 công nhân bị mắc kẹt bên trong đường hầm Silkyara ở huyện Uttarkashi của bang này trong hơn 2 tuần vẫn đang tiếp tục, theo Hãng tin ANI.

Số công nhân này bị mắc kẹt trong đường hầm dài 4,5 km đang được xây dựng ở bang Uttarakhand trên dãy núi Himalaya, kể từ khi một phần đường hầm bất ngờ bị sập vào sáng sớm 12.11. Cho đến nay, họ vẫn an toàn, được cung cấp ánh sáng, ô xy, thức ăn, nước uống và thuốc men thông qua một đường ống hẹp, theo Reuters.

Ấn Độ nỗ lực giải cứu 41 người mắc kẹt trong đường hầm - Ảnh 1.

Các nhân viên cứu hộ nỗ lực tiếp cận 41 người bị mắc kẹt bên trong đường hầm Silkyara

Reuters

"Tình huống như chiến tranh"

Tuy nhiên, nỗ lực sơ tán những công nhân bị mắc kẹt trong đường hầm Silkyara đã diễn ra một cách chậm chạp và phức tạp, do các mảnh vụn rơi xuống lối di chuyển vào đường hầm. Các dầm kim loại dày chặn lối đi và việc sử dụng máy cắt thông thường để dọn sạch chúng từ bên trong đường ống chỉ đủ rộng cho một người đàn ông bò qua là rất khó khăn, theo AFP.

Đối với những người thân của các công nhân bị mắc kẹt, đây là một thử thách chưa có hồi kết. Ông Indrajeet Kumar, có anh trai Vishwajeet là một trong số những người bị mắc kẹt trong đường hầm, cho hay ông "muốn rơi nước mắt" khi anh trai hỏi qua hệ thống liên lạc là tại sao họ vẫn còn bị mắc kẹt.

Giải cứu trong đường hầm Ấn Độ: Khoang ngang hỏng, phải khoan từ trên

Trước tình hình như trên, quan chức cứu hộ cấp cao Syed Ata Hasnain ngày 25.11 kêu gọi "kiên nhẫn" và nhấn mạnh: "Một hoạt động rất khó khăn đang diễn ra", theo AFP. "Khi làm điều gì đó với những ngọn núi, bạn không thể đoán trước được điều gì. Tình huống này như chiến tranh", ông Hasnain nói.

Chiến dịch cứu hộ chậm trễ một phần là do máy móc liên tiếp gặp sự cố. Lực lượng cứu hộ hy vọng sẽ hoàn thành việc khoan xuyên lớp đất đá và tạo đường thông nhằm lắp đặt một đường ống đủ rộng cho phép các nạn nhân chui vào và thoát ra ngoài vào cuối ngày 23.11 nhưng phải tạm dừng hoạt động này sau khi bệ đặt máy bị hư hỏng. Đến tối 24.11, công việc khoan được khôi phục không bao lâu thì bị tạm dừng do máy khoan gặp sự cố và buộc phải rút ra hoàn toàn.

Ấn Độ nỗ lực giải cứu 41 người mắc kẹt trong đường hầm - Ảnh 2.

Lực lượng cứu hộ ngày 26.11 làm việc tại đường hầm Silkyara

Reuters

Chuyển sang khoan thủ công

Đến đầu ngày 27.11, máy khoan dùng để khoan theo chiều ngang nói trên đã được cắt và tháo ra bằng máy cắt plasma, và việc khoan thủ công để tiếp cận những công nhân bị mắc kẹt đã bắt đầu trong ngày, theo ANI dẫn lời chuyên gia về đường hầm Chris Cooper. "Việc này thực sự phụ thuộc vào cấu trúc của đất. Có thể nhanh, có thể lâu hơn một chút. Nếu chúng tôi va vào một dầm lưới. Khi đó, chúng tôi phải cắt dầm lưới, nhưng chúng tôi tự tin rằng chúng tôi có thể vượt qua", ông Cooper nhấn mạnh.

Trung tướng nghỉ hưu Harpal Singh, từng là trưởng kỹ sư Lục quân Ấn Độ, hôm qua cho rằng không còn cách nào khác ngoại trừ phương pháp thủ công để tiếp cận các công nhân bị mắc kẹt. Một đội gồm 6 chuyên gia đã đến hiện trường để thực hiện công việc khoan thủ công, theo ANI.

Trước đó, lực lượng cứu hộ Ấn Độ ngày 26.11 đã bắt đầu phương pháp khoan theo chiều dọc từ đỉnh núi, ngay phía trên các công nhân bị mắc kẹt. Quá trình khoan này đang có tiến triển nhanh chóng khi đã có 31 m đã được khoan trong số 86 m cần được khoan để tiếp cận những công nhân bị mắc kẹt trong đường hầm Silkyara. Công việc khoan này nhằm đặt đường ống có đường kính 1,2 m cho việc hỗ trợ công tác cứu hộ.

Phát biểu trong cuộc họp báo ở Uttarkashi ngày 26.11, Giám đốc điều hành Mahmood Ahmad của Tổng công ty phát triển hạ tầng và đường cao tốc quốc gia (NHIDCL, Ấn Độ), cho hay: "Chúng tôi phải khoan khoảng 86 m và hoàn thành trong vòng 4 ngày, tức là trước ngày 30.11. Hy vọng rằng sẽ không còn trở ngại nào nữa và công việc sẽ được hoàn thành kịp thời". 

Đường hầm Silkyara bị sập một phần nằm trên tuyến đường hành hương Char Dham, một trong những dự án tham vọng nhất của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Con đường kết nối 4 địa điểm hành hương quan trọng của tín đồ đạo Hindu, dài 890 km với 2 làn xe, có kinh phí xây dựng 1,5 tỉ USD, theo Reuters.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.