Theo CNN, Ấn Độ vừa củng cố danh tiếng điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm bằng mức tăng GDP 7,9% trong quý kết thúc vào ngày 31.5. Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới - chỉ tăng trưởng 6,7% trong cùng quý.
Dù vậy, triển vọng kinh tế Ấn Độ vẫn có nhiều bất ổn. Một số ý kiến tỏ ra nghi ngờ về độ xác thực của số liệu GDP vì nó khác biệt với nhiều chỉ số khác. Sản xuất công nghiệp và chi tiêu đầu tư giảm vào cuối năm 2015, trong khi xuất khẩu vẫn còn yếu.
Một số chuyên gia khác cho rằng thực trạng kinh tế Ấn Độ đang được “ngụy trang” bởi giá dầu thấp - yếu tố giúp nước này cắt giảm chi phí nhập khẩu năng lượng lớn.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã và đang tạo tiếng vang lớn cho nền kinh tế nước nhà. Ở cương vị thủ tướng, ông dành lượng vốn chính trị khổng lồ để thúc đẩy quốc hội thông qua các cải cách kinh tế. Ông cũng tích cực công du nước ngoài và tiếp cận giới doanh nghiệp toàn cầu bằng khẩu hiệu “Makes in India”.
Song nhiều lời hứa cải cách không thành công. Đơn cử, đề nghị thiết lập thuế doanh thu trên toàn quốc vẫn mòn mỏi chờ trong quốc hội vì chia rẽ ý kiến.
Việc giảm thiểu gánh nặng luật pháp đè lên các doanh nghiệp nhỏ - một trong những ưu tiên khác của ông Modi - không tiến triển trong thời gian qua. Năm nay, Ấn Độ đứng hạng 130 trong chỉ số đo lường gánh nặng pháp lý lên các doanh nghiệp nhỏ của Ngân hàng Thế giới (WB), cải thiện chỉ 4 hạng so với năm 2015. Cơ sở hạ tầng ở quốc gia Nam Á thì chưa đủ và cần phải mất hàng thập niên để nâng cấp.
tin liên quan
7 cách giúp Ấn Độ trở thành ‘Trung Quốc thứ hai’ trong 16 nămẤn Độ muốn trở thành nền kinh tế 10.000 tỉ USD vào năm 2032. Nói cách khác, quốc gia Nam Á mong đứng ở vị trí của Trung Quốc hôm nay sau 16 năm nữa.
Thủ tướng Modi đã và đang lên tiếng bảo vệ những gì ông làm được, trích dẫn lạm phát đã được kiểm soát, đầu tư nước ngoài tăng và luật phá sản tạo thêm điều kiện cho các công ty gặp khó.
“Hai năm qua, tôi có thể nói với niềm tin và sự tự tin tối đa rằng Ấn Độ đã lấy lại được sự tin tưởng và sức mạnh mà đất nước phải có. Tôi thực sự đã tiến hành các cải cách tối đa”, ông Modi nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Wall Street Journal. Giờ đây, thúc đẩy cải cách là việc của các bang.
Dù còn nhiều phiền toái về luật lệ và tốc độ cải cách, đất nước đông dân thứ nhì thế giới vẫn là một điểm cược hấp dẫn dành cho các doanh nghiệp đa quốc gia “đói” tăng trưởng. Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng của nước này có tiền để chi tiêu trong khi dân số trẻ thì có tiềm năng rất lớn.
Triển vọng biến tiềm năng thành lợi nhuận thu hút nhiều giám đốc điều hành nước ngoài, như CEO Microsoft, CEO Google và CEO Apple, đến thăm Ấn Độ trong vài tháng gần đây.
Bình luận (0)