Ấn Độ sẽ cạnh tranh Trung Quốc về sản xuất iPhone?

Ấn Độ sẽ cạnh tranh Trung Quốc về sản xuất iPhone?

11/04/2024 07:32 GMT+7

Apple đã lắp ráp lượng iPhone trị giá 14 tỉ USD tại Ấn Độ trong năm tài chính vừa qua. Số liệu này cho thấy Apple đang nỗ lực đa dạng hóa sản xuất ra ngoài Trung Quốc.

Apple đã lắp ráp lượng iPhone trị giá 14 tỉ USD tại Ấn Độ trong năm tài chính vừa qua, tăng gấp đôi so với năm trước đó. Số liệu này tương ứng với việc cứ 7 chiếc iPhone xuất xưởng thì có 1 chiếc ra đời ở Ấn Độ. Hãng tin Bloomberg đánh giá số liệu này cho thấy Apple đang nỗ lực đa dạng hóa sản xuất ra ngoài Trung Quốc.

Apple đã lắp ráp lượng iPhone trị giá 14 tỉ USD tại Ấn Độ

Apple đã lắp ráp lượng iPhone trị giá 14 tỉ USD tại Ấn Độ

REUTERS

Việc tăng sản lượng iPhone cho thấy Apple đang đẩy nhanh nỗ lực cắt giảm phụ thuộc lâu dài vào Trung Quốc khi căng thẳng địa chính trị gia tăng. Hiện nay Trung Quốc vẫn là trung tâm sản xuất iPhone lớn nhất và thị trường nước ngoài lớn nhất của Apple. Dù vậy, doanh số iPhone ở Trung Quốc đang sụt giảm mạnh do sự cạnh tranh của các đối thủ nội địa như Huawei và lệnh cấm sử dụng công nghệ nước ngoài ngày càng mở rộng trong nhiều cơ quan nhà nước.

Sự bứt phá mạnh mẽ về hoạt động sản xuất iPhone tại Ấn Độ một phần nhờ sự nỗ lực của chính quyền Thủ tướng Narendra Modi, khi dùng ưu đãi tài chính để thu hút các công ty nước ngoài. Chính phủ Ấn Độ cho biết sự phát triển trong lĩnh vực sản xuất đã tạo ra 150.000 việc làm trực tiếp tại các nhà cung cấp của Apple.

Theo Bloomberg, Foxconn lắp ráp gần 67% và Pegatron lắp ráp khoảng 17% số iPhone ở Ấn Độ trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3.2024. Những chiếc iPhone còn lại được sản xuất tại nhà máy của Wistron ở bang Karnataka phía nam Ấn Độ. Nhà máy này được tập đoàn Tata Group tiếp quản vào năm ngoái và đang có kế hoạch xây dựng một trong những nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất Ấn Độ.

Việc iPhone tăng sản lượng ở Ấn Độ cho thấy sự nổi lên của quốc gia Nam Á này như một trung tâm sản xuất phần cứng. Ấn Độ cũng nằm trong số các lĩnh vực di động phát triển nhanh nhất thế giới, nhờ tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, mức độ thâm nhập băng thông rộng ngày càng tăng và các chính sách hỗ trợ tích cực của chính phủ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.