Ấn Độ siết mọi đầu ra của gạo, vì sao?

30/08/2023 09:49 GMT+7

Ấn Độ, nguồn cung gạo lớn nhất toàn cầu hiện đã siết chặt toàn bộ hoạt động xuất khẩu mặt hàng này kể cả gạo đặc sản Basmati. Từ lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm ngày 9.9.2022, đến nay những chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã đẩy giá gạo thế giới lên mức cao kỷ lục.

Loạn giá vì nguồn cung siết chặt

Ngay sau lệnh áp thuế xuất khẩu 20% với gạo đồ, ngày 29.8, Ấn Độ tiếp tục áp giá sàn xuất khẩu gạo Basmati. Mức giá xuất khẩu tối thiểu mặt hàng gạo đặc sản này là 1.200 USD/tấn. Mục tiêu của giới chức nước này là ngăn chặn tình trạng các nhà xuất khẩu phối trộn gạo trắng thường với gạo Basmati để xuất khẩu nhằm lách luật.

Ấn Độ siết mọi đầu ra của gạo, vì sao? - Ảnh 1.

Ấn Độ siết toàn bộ nguồn cung gạo điều này sẽ khiến giá gạo thế giới tiếp tục tăng

CÔNG HÂN

Năm 2022, Ấn Độ xuất khẩu khoảng 22 triệu tấn gạo các loại. Trong đó, gạo Basmati chiếm khoảng 20%, tương đương khoảng 4,5 triệu tấn; gạo đồ xuất khẩu chiếm khoảng 30%, khoảng 7,4 triệu tấn; gạo trắng chiếm thị phần tương đương với gạo đồ.

Ngày 9.9.2022, Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với một số mặt hàng gạo trắng từ gạo Basmati.

Như vậy có thể thấy, so với một năm trước hiện tại Ấn Độ đang siết chặt mọi đầu ra của gạo. Điều này khiến giá thế giới tăng mạnh và nhiều người dự báo giá có thể chạm ngưỡng 700 USD trong tháng 9.2023 (kết hợp với yếu tố Myanmar cân nhắc dừng xuất khẩu gạo đến giữa tháng 10). 

Reuters dẫn nguồn từ các thương nhân Ấn Độ cho biết, giá gạo đồ (loại 5% tấm) đã tăng gần 40% so với cách đây một năm. Trước khi có lệnh áp thuế xuất khẩu 20%, giá gạo đã ở mức 450 - 455 USD/tấn, lệnh áp thuế đẩy giá lên mức kỷ lục 520 - 540 USD. Ngay cả trước khi Ấn Độ áp dụng thuế, người mua đã cảm thấy không "thoải mái" với giá tăng. Khách mua gạo này chủ yếu từ các nước châu Phi không đủ khả năng mua hàng ở mức giá hiện tại.

Những khách hàng này cũng không thể chuyển sang mua gạo từ các nguồn cung khác như Việt Nam, Thái Lan hay Pakistan vì giá cao hơn rất nhiều. Chính vì vậy, họ trì hoãn việc nhập hàng để chờ giá mới tốt hơn. Hiện có đến 500.000 tấn gạo đồ đang nằm chờ ở các cảng Ấn Độ vì thuế xuất.

Ấn Độ điều chỉnh chính sách xuất khẩu gạo

El Nino có thể làm tăng giá gạo, đường, đậu…

Trong một diễn biến liên quan trực tiếp đến các lệnh cấm, Reuters dẫn thông tin thời tiết từ giới chức Ấn Độ cho biết: Hiện tượng thời tiết El Nino đang tác động lớn đến sản xuất và kinh tế Ấn Độ. Tháng 8.2023, được ghi nhận (có khả năng) là tháng nóng nhất lịch sử Ấn Độ trong hơn 100 năm qua. Lượng mưa thấp có thể tiếp tục duy trì trong tháng 9. Trong khi 2 tháng này là giai đoạn quan trọng trong mùa gieo trồng chính ở Ấn Độ, thường bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào tháng 10. Có khả năng, khi mùa mưa kết thúc lượng mưa thiếu hụt ít nhất đến 8% và là năm khô hạn nhất kể từ năm 2015.

El Nino không chỉ gắn với khô hạn mà nó còn gây nên tình trạng thời tiết bất ổn, lượng mưa cũng không đồng đều trong mùa mưa. Cụ thể trong tháng 7 vừa qua lượng mưa ở Ấn Độ cao hơn bình thường đến 13%.

Ấn Độ, nền kinh tế trị giá trên 3.000 tỉ USD cần một lượng mưa lớn để tưới tắm cho mùa vụ và làm đầy các hồ chứa, kênh rạch tự nhiên cho thời gian còn lại trong năm. Lượng mưa thiếu hụt có thể khiến các mặt hàng thiết yếu khác ngoài gạo như: đường, đậu và rau… trở nên đắt đỏ hơn; đồng thời nâng lạm phát lương thực, vốn đã tăng trong tháng 7 vừa qua lên mức cao nhất kể từ tháng 1.2020.

El Nino dự báo đe dọa đến ngành sản xuất đường của nhiều nước như: Ấn Độ, Thái Lan và Pakistan… Ngày 28.8, Pakistan chính thức cấm xuất khẩu đường. Các nhà thương mại lo lắng, tác động dây chuyền của lệnh cấm này sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung đường thế giới - mặt hàng vốn đang ở mức cao kỷ lục trong hơn một thập kỷ qua.

Ấn Độ cũng là nước xuất khẩu lúa mì và đường lớn thứ hai thế giới nhưng đang cân nhắc áp đặt nhiều hạn chế xuất khẩu đường và sẽ có công bố chính thức trong tháng 9.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.