|
Ấn Độ và Trung Quốc từng trải qua cuộc chiến tranh biên giới năm 1962 và những bất đồng về lãnh thổ vẫn phủ bóng quan hệ giữa hai nước đến tận ngày nay. Trong tranh chấp có thể xảy ra giữa 2 quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc sẽ phải dè chừng một số vũ khí mà Ấn Độ đang và sẽ sở hữu.
Vũ khí nhiệt hạch
Ấn Độ được cho là đang xúc tiến một dự án làm giàu uranium nhằm phát triển vũ khí nhiệt hạch, vốn có khả năng hủy diệt lớn hơn nhiều so với bom nguyên tử. Reuters dẫn lời các chuyên gia phân tích của chuyên san tình báo quân sự IHS Jane’s cho biết họ tin cơ sở đang được bí mật mở rộng tại Nhà máy kim loại hiếm Ấn Độ gần thành phố Mysore, thuộc bang Karnataka, có thể nâng cao đáng kể năng lực làm giàu uranium cấp độ sản xuất vũ khí của Ấn Độ. Cụ thể, theo IHS Jane’s, Ấn Độ có thể sản xuất khoảng 160 kg uranium làm giàu ở mức 90% mỗi năm, gấp đôi số lượng cần thiết để phục vụ hạm đội tàu ngầm hạt nhân của nước này. Dự kiến nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm tới.
Nhận định của IHS Jane’s phù hợp với đánh giá của các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) ở Thụy Điển. Theo tạp chí The Diplomat, trong một báo cáo đưa ra tuần qua, SIPRI nhận xét: “Khả năng làm giàu uranium mở rộng của Ấn Độ được thúc đẩy bởi kế hoạch chế tạo các lò phản ứng mới phục vụ hải quân, nhưng khả năng dư thừa tiềm tàng cũng có thể là dấu hiệu cho thấy ý định tiến tới chế tạo vũ khí nhiệt hạch”.
Trung Quốc hiện đã có vũ khí nhiệt hạch, và trong bối cảnh Ấn Độ luôn so sánh hệ thống răn đe chiến lược của họ với kho vũ khí của Bắc Kinh, đây có thể là lý do căn bản để New Delhi tìm cách phát triển loại vũ khí này. “Bất kể Ấn Độ có sử dụng nhà máy chỉ để cung cấp nhiên liệu cho lò phản ứng và tàu hải quân như nhiều người phỏng đoán hay không, việc này đã giúp Ấn Độ vượt xa Pakistan về tiềm năng sản xuất vũ khí hạt nhân. Nó cũng giúp Ấn Độ thu hẹp cách biệt với Trung Quốc”, tờ South China Morning Post dẫn lời ông Mark Fitzpatrick, phụ trách chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) ở London (Anh), nhận định.
Những “đồ chơi” khác
Ngoài tiềm năng vũ khí nhiệt hạch, Ấn Độ hiện sở hữu những loại vũ khí khác. Trước hết, phải kể đến tàu sân bay INS Vikramaditya. Đây là tàu sân bay mới và uy lực nhất mà Ấn Độ có được kể từ khi nước này bắt đầu vận hành tàu sân bay vào năm 1961. Dự kiến phi đội máy bay trên tàu Vikramaditya sẽ bao gồm 30 tiêm kích cơ MiG-29K hoặc chiến đấu cơ Tejas và 12 trực thăng, theo The National Interest. Vikramaditya có thể chỉ huy việc mở rộng bán kính tác chiến cho hạm đội Ấn Độ.
Một món “đồ chơi” lợi hại khác là FGFA, chiến đấu cơ thế hệ thứ năm đầu tiên của Ấn Độ, sản phẩm hợp tác giữa Tập đoàn Hindustan Aeronautics Limited (Ấn Độ) và Sukhoi (Nga). Được chế tạo trên cơ sở tiêm kích cơ tàng hình thế hệ thứ 5 PAK-FA của Nga, FGFA sẽ đánh dấu một bước tiến quan trọng về năng lực của không quân Ấn Độ và về mặt lý thuyết sẽ cung cấp cho New Delhi một loại chiến đấu cơ sánh ngang tiêm kích cơ F-22 của Mỹ và J-20 Trung Quốc.
The National Interest cũng đề cập đến BrahMos, tên lửa hành trình siêu thanh tầm ngắn do Nga và Ấn Độ hợp tác chế tạo. Đây được xem là một trong những tên lửa tối tân nhất thế giới hiện tại, có thể tấn công chính xác các mục tiêu trên đất liền và trên biển. BrahMos có thể di chuyển với tốc độ Mach 3, tức gấp 3 lần tốc độ âm thanh, mang đầu đạn nặng 200 - 300 kg và có tầm bắn đến 500 km. Ngoài ra, còn phải kể đến tàu ngầm hạt nhân lớp Arihant, được thiết kế để phóng các loại tên lửa hạt nhân. Tàu có thể trang bị 12 tên lửa hạt nhân tầm ngắn K-15 hoặc 4 tên lửa hạt nhân tầm trung K-4.
Vũ khí nhiệt hạch là một dạng vũ khí hạt nhân có sức công phá mạnh hơn nhiều và có quá trình kích nổ phức tạp hơn so với bom nguyên tử (bom A), vốn chỉ dựa vào phản ứng phân hạch. Cụ thể, vũ khí nhiệt hạch kết hợp cả phản ứng phân hạch và phản ứng hợp hạch (còn được gọi là phản ứng nhiệt hạch). Trong đó, phản ứng phân hạch trong giai đoạn đầu sẽ sinh ra nguồn nhiệt cần thiết để tạo ra phản ứng hợp hạch từ các đồng vị phóng xạ của hydro. Do vậy, bom nhiệt hạch còn được gọi là bom khinh khí hoặc bom H. Cả bom nguyên tử và bom nhiệt hạch đều được xếp chung là vũ khí hạt nhân. Ấn Độ hiện được cho là đang có trong tay khoảng 90 - 110 vũ khí hạt nhân. New Delhi khẳng định họ đã thử thành công một quả bom nhiệt hạch trong một loạt vụ thử hạt nhân năm 1998 song hầu hết các chuyên gia nước ngoài đều tỏ ra nghi ngờ điều này. |
Trùng Quang
>> 5 loại vũ khí của Ấn Độ khiến Trung Quốc phải lo sợ
>> UBND TP.HCM khẳng định không có tiêu cực trong dự án đô thị Sing - Việt
>> Một phụ nữ Uganda bị bắt cóc, hiếp dâm ở Ấn Độ
>> Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ tập trận chung 'dằn mặt' Trung Quốc
>> Ấn Độ và đường đến cường quốc
Bình luận (0)