Ấn Độ tiếp tục nới lỏng chính sách hạn chế xuất khẩu gạo

28/09/2024 11:30 GMT+7

Trong diễn biến mới nhất, ngày 27.9, Ấn Độ giảm một nửa thuế suất áp dụng đối với mặt hàng gạo đồ xuất khẩu.

Reuters và nhiều cơ quan truyền thông Ấn Độ đồng loạt đưa tin, ngày 27.9, chính phủ Ấn Độ thông báo giảm thuế xuất khẩu gạo đồ từ 20% xuống còn 10%, có hiệu lực ngay lập tức.

Ấn Độ tiếp tục nới lỏng chính sách hạn chế xuất khẩu gạo
- Ảnh 1.

Theo các doanh nghiệp, việc Ấn Độ nới lỏng chính sách hạn chế xuất khẩu gạo sẽ không tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam

ẢNH: CÔNG HÂN

Việc Ấn Độ nới lỏng chính sách hạn chế xuất khẩu gạo vì lượng hàng tồn kho của nước này đang gia tăng trong khu nông dân chuẩn bị thu hoạch một vụ mùa mới kharif là vụ lúa lớn nhất trong năm.

Năm ngoái, sau khi cấm xuất khẩu gạo trắng, Ấn Độ áp dụng thêm một loạt biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo khác như: áp dụng mức thuế 20% đối với gạo đồ, áp giá sàn xuất khẩu với gạo basmati.

Trước khi giảm thuế xuất khẩu với đồ, giữa tháng này Ấn Độ đã bỏ chính sách giá sàn với gạo basmati. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati vẫn còn hiệu lực.

"Lượng gạo dự trữ tại Tổng công ty Lương thực Ấn Độ tính đến ngày 1.9.2024 là 32,3 triệu tấn, cao hơn 38,6% so với năm 2023, là điều kiện để chính phủ có nhiều không gian nới lỏng các hạn chế xuất khẩu gạo", Reuters cho hay.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện tại giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam giảm 3 USD xuống còn 562 USD/tấn nhưng vẫn cao hơn gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan đang ở mức 556 USD/tấn và Pakistan là 532 USD/tấn.

Theo các doanh nghiệp và chuyên gia, việc Ấn Độ nới lỏng chính sách hạn chế xuất khẩu gạo sẽ tạo nguồn cung trên thị trường thế giới thêm phong phú, tuy nhiên phân khúc của gạo Ấn Độ và Việt Nam khác nhau nên tác động là không lớn. Mặt khác, hiện tại Việt Nam đã xuất khẩu một lượng gạo khoảng gần 7 triệu tấn, lượng gạo còn có khả năng xuất khẩu trong những tháng cuối năm không còn nhiều. Trong khi đó, thị trường của hạt gạo Việt Nam là Philippines và Indonesia, Malaysia… vẫn có nhu cầu cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.