Ấn Độ tính đánh thuế các triệu phú di cư

12/04/2018 14:35 GMT+7

Giới chức Ấn Độ vừa quyết định bắt đầu đánh thuế dân di cư vì họ cho rằng nhiều người giàu trong nước ra nước ngoài để tránh kiểm soát và đóng thuế.

Theo Russia Today, Ấn Độ cho rằng việc di cư như trên có ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu thuế của chính phủ.
Một cơ quan đặc biệt được Trung tâm Thuế trực tiếp (CBDT) lập ra để cố vấn cho Bộ Tài chính về vấn đề thuế thu nhập. CBDT được yêu cầu lập quy định để người dân phải trả tiền thuế nếu họ muốn di cư.
Theo ngân hàng Morgan Stanley, 7.000 triệu phú đã rời Ấn Độ trong năm 2017. Tổng cộng nước này có 23.000 triệu phú rời đi trong bốn năm qua. Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse thì cho biết có khoảng 245.000 triệu phú ở Ấn Độ tính đến tháng 11.2017.
“Một số nước trên thế giới có thuế xuất cảnh hoặc thuế di dân. Ví dụ, các cá nhân rời khỏi Canada bị đánh thuế tùy thuộc vào tài sản cá nhân”, đối tác về thuế và luật pháp Jiger Saiya tại hãng luật BDO cho hay.
Tại Canada, khi một cá nhân rời nước vĩnh viễn, chính phủ cho rằng người đó xử lý tất cả tài sản của họ, ngay cả khi họ không thực sự bán. Vì vậy, một người Canada sắp di cư có các khoản lỗ hoặc lời phải thanh toán thuế trước khi đi.
Singapore cũng tương tự như thế. Nhân viên nước ngoài hoặc cư dân vĩnh viễn rời đất nước có nghĩa vụ đóng thuế thặng dư vốn cho lựa chọn cổ phiếu họ nắm giữ. Theo Saiya, những người di cư phải nộp thuế trên trước khi rời nước.
Ngoài ra, CBDT cũng sẽ xem xét việc báo cáo và tuân thủ luật pháp như tại Mỹ. Ông Saiya giải thích: “Với nhiều vụ gian lận, sự gia tăng sử dụng tiền thuật toán không được kiểm soát, cơ hội đầu tư ở nước ngoài cho giới siêu giàu và nhiều yếu tố khác, các khoản thuế dành cho người siêu giàu cũng được chú ý”.
Nhiều người giàu Ấn Độ có tên trong danh sách những người trốn thuế, trong đó có Hồ sơ Panama và Paradise. Ít nhất 121 người đã bị điều tra.
“Dù nỗi lo bị khởi tố là lý do lớn khiến nhiều người có khả năng, tiền bạc muốn di cư ra nước ngoài, đây không phải là lý do duy nhất. Người ta di cư cũng vì nhiều yếu tố khác như cơ hội cải thiện chất lượng cuộc sống ở nước ngoài, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, cơ hội đầu tư tốt hơn, thuế suất thấp”, ông Saiya cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.