Theo dự đoán của Liên Hiệp Quốc, năm 2023 dân số Ấn Độ dự kiến sẽ vượt dân số Trung Quốc và sức cạnh tranh của Ấn Độ sẽ ngày càng tăng. Vấn đề đặt ra là liệu quốc gia Nam Á này có thể tận dụng được nguồn nhân lực dồi dào, các cải cách lớn về thể chế, cơ sở hạ tầng và một môi trường địa chính trị thuận lợi để hiện thực hóa tham vọng trở thành "công xưởng" tiếp theo của thế giới hay không?
Ấn Độ hiện đã thiết lập kế hoạch "PM Gati Shakti" (Sức mạnh của tốc độ) với hy vọng cải thiện các dự án cơ sở hạ tầng thông qua công nghệ để các công ty toàn cầu chọn làm trung tâm sản xuất quốc tế. Trong tương lai, Ấn Độ tham vọng có thể thay thế Trung Quốc trở thành "công xưởng" tiếp theo của thế giới. Khi đó, hàng hóa và các linh kiện do Ấn Độ sản xuất sẽ lưu thông khắp nơi và trở nên dễ dàng hơn.
Những 'cơn gió thuận chiều'
Theo đánh giá của các chuyên gia, quá trình chuyển đổi kinh tế của Ấn Độ đang diễn ra khá mạnh mẽ và Thủ tướng Narendra Modi đang nỗ lực để nắm bắt các cơ hội. Hiện nay, Ấn Độ đang có trong tay 4 yếu tố thuận lợi để phát triển.
Thứ nhất, kể từ khi lên nắm quyền từ năm 2014 đến nay, Thủ tướng Modi đã bắt đầu xúc tiến kế hoạch "Make in India" (sản xuất tại Ấn Độ), trong đó hướng tới các ngành sản xuất chính như điện tử, ô tô, y tế, máy móc hạng nặng, điện năng, năng lượng mặt trời, chế biến thực phẩm, hóa chất và dệt may. Việc này đã mang lại những kết quả khả quan cho Ấn Độ. Hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước này đang khá tốt. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP của Ấn Độ sẽ tăng 6% vào năm 2023.
Ngân hàng Morgan Stanley dự đoán Ấn Độ sẽ đóng góp 1/5 tổng mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thập niên này. Ấn Độ cũng sẽ trở thành một trong 3 nước duy nhất có thể tạo ra mức tăng trưởng GDP hơn 400 tỉ USD hằng năm. Trong khi đó, Bloomberg Economics dự báo thu nhập bình quân đầu người của Ấn Độ sẽ ngang bằng với một số nước phát triển trong khoảng thời gian đó, đưa mục tiêu của ông Modi - biến Ấn Độ thành nước phát triển trong 25 năm tới - nằm trong tầm tay. Tăng trưởng GDP tiềm năng sẽ dần đạt đỉnh khoảng 8,5% vào đầu thập niên tới, được thúc đẩy bởi việc cắt giảm thuế doanh nghiệp, khuyến khích các nhà sản xuất và tư nhân hóa tài sản công. Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (Anh) dự báo Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế trị giá 10.000 tỉ USD vào năm 2035.
Thứ hai, Ấn Độ đã có sự thay đổi lớn về chính sách đất đai và các cải cách về cơ chế nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chính quyền New Delhi đã thông qua kế hoạch cấp đất tại các khu vực bỏ trống hoặc tại các đặc khu kinh tế (SEZ) cho các doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời cam kết cung cấp hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng cho các nhà đầu tư khi họ quyết định rót vốn vào thị trường Ấn Độ.
Thứ ba, Ấn Độ cũng đã tận dụng được môi trường cạnh tranh phức tạp bên ngoài để biến mình thành một điểm đến hấp dẫn cho các khoản FDI. Cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc đang tạo ra "cơn gió thuận chiều" cho Ấn Độ. Các nhà phân tích chuỗi cung ứng đánh giá, Ấn Độ và Việt Nam là hai quốc gia hưởng lợi lớn khi các công ty nước ngoài hướng tới chiến lược "Trung Quốc cộng 1", theo đó các công ty chuyển một phần dây chuyền sản xuất của họ từ Trung Quốc sang Ấn Độ và một số quốc gia Đông Nam Á.
Ông Nandan Nilekani, người sáng lập một trong số các công ty dịch vụ công nghệ lớn nhất Ấn Độ là Infosys, đánh giá Ấn Độ sẽ là nơi tuyệt vời để rót vốn đầu tư trong 15 năm tới. Theo tờ The Times of India, trong năm 2022, Ấn Độ đã thu hút được khoảng 83,6 tỉ USD vốn FDI, cao hơn mức 82 tỉ USD của năm 2021. Cuối năm 2022, Apple cũng quyết định tăng cường sản xuất ở Ấn Độ và dự kiến Ấn Độ sẽ trở thành trung tâm sản xuất iPhone toàn cầu vào năm 2025.
Thứ tư, Ấn Độ áp dụng chính sách "trung dung" trong một thế giới đa cực để mọi quốc gia đều muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với họ. Hiện nay, rất nhiều công ty cảm thấy rằng với quy mô của của một nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực châu Á, với dân số đông và trẻ, với sức mạnh và ảnh hưởng đáng kể trong các vấn đề quốc tế, Ấn Độ là nơi mà họ nên đến.
Ông Kenneth Juster, cựu Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ, nói rằng: "Ấn Độ đang định vị chính mình như một cầu nối giữa đông và tây, bắc và nam". Bên cạnh đó, với vai trò chủ tịch G20, Ấn Độ càng tạo thêm niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cương vị này đã giúp Ấn Độ nâng cao vị thế, uy tín không chỉ đối với các nước trong khối G20 mà còn với các nước khác trên trường quốc tế. Đây là cơ hội quan trọng để Ấn Độ quảng bá những thành tựu về văn hóa và kinh tế của mình, nhằm thu hút các nguồn vốn từ bên ngoài.
Còn không ít thách thức
Tương lai về việc Ấn Độ có thể thay thế Trung Quốc trở thành "công xưởng" tiếp theo của thế giới không hề dễ dàng bởi còn rất nhiều thách thức phía trước mà quốc gia Nam Á này đang phải đối mặt.
Đầu tiên, nạn quan liêu và tham nhũng ở Ấn Độ không phải có thể giải quyết một sớm một chiều. Mặc dù dưới thời Thủ tướng Modi, đã có nhiều đổi mới và chế tài được thực hiện, các nhà đầu tư nước ngoài đến Ấn Độ vẫn phải tuân thủ rất nhiều các quy định khác nhau.
Ông Ashutosh Sharma, Giám đốc nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường Forrester (Mỹ), nói rằng: "Ấn Độ không giống như những quốc gia mà các doanh nghiệp có thể đến, mở một cửa hàng mà không cần tuân thủ quá nhiều quy định".
Thứ hai, các chuyên gia cảnh báo, kế hoạch vực dậy lĩnh vực sản xuất của Ấn Độ đã không thực sự hiệu quả. Cụ thể, chiến lược "Make in India" đề ra từ năm 2014 của Thủ tướng Modi, trong đó đặt mục tiêu tăng xuất khẩu và tạo thêm việc làm, tỏ ra không mấy hiệu quả. Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất cũng chỉ chiếm 14% nền kinh tế và không tăng trưởng trong suốt thập niên qua. Hơn nữa, tỷ lệ thất nghiệp ở Ấn Độ vẫn ở mức khá cao, theo một số ước tính là 8,3% trong tháng 12.2022.
Thứ ba, Ấn Độ còn thiếu sự liên kết. Nhờ các chính sách thu hút FDI mà Thủ tướng Modi đưa ra, vốn nước ngoài rót vào Ấn Độ trong năm 2022 đã đạt mức kỷ lục 83,6 tỉ USD. Cộng với đó là các lợi thế về nhân khẩu học, về địa lý. Tuy nhiên, thứ mà Ấn Độ vẫn đang thiếu hiện chính là sự liên kết của các nguồn lực.
Ông Sharma nói rằng Trung Quốc đã xây dựng được dây chuyền sản xuất lớn đến mức hầu hết nguyên vật liệu cần thiết để tạo ra một sản phẩm đều là nguồn nội địa, cho phép triển khai sản xuất với chi phí thấp trên quy mô lớn. Trong khi đó, hiện nay Ấn Độ lại chưa có khả năng này. Họ sẽ phải mất nhiều năm mới có thể xây dựng được chuỗi cung ứng có quy mô và chất lượng tốt như cách mà Trung Quốc đã làm để trở thành "công xưởng" của thế giới thời gian qua.
Thách thức thứ tư của Ấn Độ là sự thận trọng của các công ty và nhà đầu tư nước ngoài. Các chuyên gia cho rằng, sau việc chuỗi cung ứng ở Trung Quốc bị đứt gãy vừa qua thì các công ty sẽ khó có thể ồ ạt tràn vào thị trường Ấn Độ như cách họ đã làm ở Trung Quốc trước kia, bởi họ không muốn phụ thuộc quá lớn vào chuỗi cung ứng của một quốc gia nào. Các hãng sản xuất của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan như Apple, Nike, Toyota, Samsung, Foxconn là minh chứng về việc chịu thiệt hại lớn vì việc đứt gãy chuỗi cung ứng.
Các công ty như Foxconn, Apple đang chuyển dịch một phần đáng kể hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc để sang Ấn Độ, Việt Nam và một số nơi khác, từ đó làm cho chuỗi cung ứng đa dạng hơn, giảm bớt rủi ro trong tương lai.
Hơn nữa, một số chuyên gia cho rằng, đa phần các công ty vẫn chưa có động thái dứt khoát rời khỏi Trung Quốc. Do đó, chính phủ của Thủ tướng Modi cần phải chứng minh được Ấn Độ là nơi có nguồn nhân công giá rẻ, dễ vận hành sản xuất thay vì chỉ tập trung vào những lợi thế sẵn có như chính trị để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Tham vọng trở thành "công xưởng" tiếp theo của thế giới mà Ấn Độ đang theo đuổi sẽ khó có thể trở thành hiện thực trong một sớm một chiều, nhất là trong bối cảnh các nhà đầu tư lớn của thế giới có xu hướng đa dạng hóa nguồn cung và đối tác để ứng phó các tác động từ sự bất ổn địa chính trị toàn cầu và dịch bệnh… Điều quan trọng hiện nay là Ấn Độ cần phải sớm nhận biết các "điểm yếu", các thách thức và các khoảng trống cần bù đắp trong hệ sinh thái hạ tầng nhằm hiện thực hóa tham vọng kinh tế lớn lao của mình.
Bình luận (0)