Ấn Độ - Từ ‘khu ổ chuột’ trở thành ‘Quốc gia khởi nghiệp’

12/01/2021 08:00 GMT+7

Không còn là đất nước của những khu ổ chuột nghèo nàn, Ấn Độ đã trở thành một quốc gia mới nổi về công nghệ thông tin với nền kinh tế quy mô 10.000 tỉ USD, lớn thứ ba thế giới.

Ấn Độ từng bị các học giả châu Âu đánh giá là một nền văn hóa làng quê lạc hậu, thụ động và không thể tạo động lực cho tiến bộ xã hội. Thế nhưng với những nỗ lực không ngừng, Ấn Độ đã phá vỡ định kiến và từng bước vươn lên trở thành một trong những quốc gia khởi nghiệp trẻ nhất. Đây không còn là đất nước của những khu ổ chuột nghèo nàn, mà trở thành một quốc gia mới nổi về công nghệ thông tin với nền kinh tế quy mô 10.000 tỉ USD, lớn thứ ba thế giới.
Thanh niên vẫn luôn được coi là thành phần cơ bản nhất của dân số quốc gia và là xương sống của sự phát triển đất nước. Bằng năng lượng, đam mê và tri thức họ chính là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, chính trị và xã hội. Tại Ấn Độ, một quốc gia từng rơi vào tận cùng của bần hàn, ô nhiễm, bạo lực, ma túy và dịch bệnh… nhưng đã hồi sinh thần kỳ nhờ một thế hệ thanh niên có khát khao và nỗ lực học tập để cạnh tranh với thế giới trong mọi lĩnh vực. Bằng cách hưởng ứng tinh thần khuyến học, phấn đấu rèn luyện cao độ, nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo mạnh mẽ và chọn theo đuổi con đường khởi nghiệp, thế hệ trẻ đã tạo nên sự bùng nổ của những công ty công nghệ mới trên toàn lãnh thổ Ấn Độ.
Tư duy khởi nghiệp được lan tỏa trong tầng lớp thanh niên Ấn Độ và được coi là lựa chọn nghề nghiệp khả thi và đáng tin cậy hơn là công việc làm thuê. Thanh niên Ấn Độ chọn khởi nghiệp như là phương tiện để đạt được mục tiêu của bản thân và vươn đến thành tựu. Họ đồng thời là những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro là những người có khả năng hiện thực hóa những ý tưởng táo bạo và biết tận dụng cơ hội. Do vậy, người ta nhìn thấy ở các nhà sáng lập trẻ của các công ty khởi nghiệp Ấn Độ có niềm đam mê, học hỏi không ngừng, và mạnh dạn dấn thân với khát vọng tạo ra một xã hội khác biệt. Nhiều người trẻ đã từng làm việc trong môi trường doanh nghiệp ổn định, có lương cao nhưng họ vẫn chấp nhận thoát khỏi môi trường hạn chế sáng tạo để lập nghiệp, khẳng định giá trị của bản thân và tự tạo ra những gì của riêng mình.
Trong những thập niên gần đây, xã hội Ấn Độ đã có sự thay đổi đáng chú ý trong nhận thức. Những câu chuyện thành công về những lần thoát vốn thành công đáng chú ý và những công ty kỳ lân (công ty khởi nghiệp có vốn từ 1 tỉ USD trở lên) đầu tiên của Ấn Độ đã nhận được nhiều sự chú ý của truyền thông. Sau đó, một số nhà sáng lập đã trở thành "anh hùng khởi nghiệp" của Ấn Độ, đóng góp vào việc xây dựng hình ảnh "sang trọng" và "hấp dẫn" của doanh nghiệp khởi nghiệp đã củng cố tư duy khởi nghiệp như một nghề nghiệp trong xã hội. Nhờ vậy, các công ty khởi nghiệp được mở ra nhanh chóng với những ý tưởng sáng tạo mới mẻ và táo bạo.
Số lượng các công ty khởi nghiệp đang tăng lên đã trở thành mắt xích xã hội quan trọng giúp tạo ra tăng trưởng và việc làm. Thông qua đổi mới và áp dụng công nghệ cao trên diện rộng, các công ty khởi nghiệp còn tạo ra các giải pháp tác động mạnh mẽ, góp phần chuyển đổi kinh tế xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngày nay, Ấn Độ tự hào là hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ ba trên thế giới, trở thành "Quốc gia khởi nghiệp" trẻ nhất thế giới với 72% người sáng lập các công ty khởi nghiệp đều có độ tuổi dưới 35, có hơn 7.700 công ty công nghệ, tạo ra trên 1,7 triệu việc làm và là một phần quan trọng trong chính sách phát triển quốc gia Ấn Độ.
Cùng với đó, Chính phủ Ấn Độ đã áp dụng "Chính sách giáo dục quốc gia" để nhằm giúp thanh niên Ấn Độ sẵn sàng cho tương lai trong khi tập trung vào các giá trị quốc gia và mục tiêu quốc gia. Chính sách này đặt nền tảng cho Ấn Độ Mới, Ấn Độ của thế kỷ 21, với trọng tâm là giáo dục và các kỹ năng cần thiết để thanh niên Ấn Độ, đưa đất nước lên tầm cao mới với sự phát triển và trao đổi thêm về quyền lực cho công dân Ấn Độ tiếp cận tối đa các cơ hội.
Trước khi trở thành "quốc gia khởi nghiệp" hay "cường quốc công nghệ thông tin", đất nước Ấn Độ từng phải trải qua giai đoạn "đen tối" nhất trong lịch sử Ấn Độ những cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Trong những năm khủng hoảng kinh tế (1929-1933), phong trào đấu tranh của nhân dân Ấn Độ lại dâng cao với sự dẫn dắt của Mahatma Gandhi (1869-1948) vị anh hùng dân tộc, người lãnh đạo tinh thần của người dân Ấn Độ - cha đẻ của học thuyết Bất bạo động nổi tiếng. Ông đã áp dụng thuyết này, để giành lại độc lập cho Ấn Độ từ tay thực dân Anh mà không phải dùng vũ lực. Chính điều đó, đã giúp ông đoàn kết được những người không có chung ngôn ngữ, đa tín ngưỡng, đa sắc tộc lại với nhau. Đặc biệt là "Cuộc đi bộ đòi muối" năm 1930 do Mahatma Gandhi phát động, đã lôi cuốn được đông đảo dân chúng Ấn Độ tham gia.
Trong Chiến tranh thế giới thứ II, Mahatma Gandhi cùng Jawaharlal Nehru đã phát động một cuộc đấu tranh rộng lớn ở Ấn Độ chống thực dân Anh với khẩu hiệu "Bọn thực dân hãy rút khỏi Ấn Độ! Chúng ta hãy hành động hay là chết". Sau Chiến tranh thế giới thứ II, Mahatma Gandhi và Jawaharlal Nehru tiếp tục tiến hành đấu tranh chính trị với thực dân Anh trong những cuộc thương thuyết Anh-Ấn kéo dài từ năm 1945-1946. Với đường lối sáng suốt và ý chí đấu tranh kiên trì, bền bỉ của Mahatma Gandhi và nhân dân Ấn Độ đã buộc thực dân Anh trao trả nền độc lập cho quốc gia này vào ngày 15.8.1947.
Mahatma Gandhi - vị anh hùng dân tộc đã giúp Ấn Độ thoát khỏi sự cai trị của thực dân Anh

Mahatma Gandhi - vị anh hùng dân tộc đã giúp Ấn Độ thoát khỏi sự cai trị của thực dân Anh

Nhưng sau đó, Ấn Độ tiếp tục lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện với hơn 30 triệu người thất nghiệp, nợ nước ngoài lên đến 70 tỉ USD, dự trữ ngoại tệ tính đến tháng 5.1991 chỉ còn 1 tỉ - đủ cho nhập khẩu 2 tuần, đầu tư nước ngoài trực tiếp chỉ đạt trung bình khoảng 100 triệu USD,… Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính kéo theo những mâu thuẫn tôn giáo, đẳng cấp sắc tộc trở nên phức tạp hơn. Hàng loạt các cuộc bạo loạn, đòi ly khai diễn ra tại các bang Pujab, Kasihmir ở miền Bắc; bang Assam ở miền Đông Bắc. Đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng là sự kiện Thủ tướng Rajiv Gandhi đã bị ám sát trong khi đang vận động tranh cử vào ngày 21.5.1991.
Cuộc khủng hoảng từ lĩnh vực tài chính, kinh tế những năm 1990 - 1991 ở Ấn Độ chính thức trở thành cuộc khủng hoảng toàn diện. Chính lúc này, chính phủ Ấn Độ đặt ra yêu cầu cấp thiết bấy giờ là cải cách đất nước, và đầu tiên phải bắt đầu từ cải cách kinh tế - hành chính. Những chiến lược đúng đắn của chính phủ đã đưa Ấn Độ không chỉ thoát nghèo, ổn định xã hội mà còn vươn lên trở thành "cường quốc về công nghệ thông tin".
Ấn Độ - từ một nước luôn có nạn đói kinh niên, không vượt qua ngưỡng 20 triệu tấn lương thực, thành một đất nước đủ ăn và còn dư để xuất khẩu với tổng sản lượng kỷ lục là 60 triệu tấn/năm nhờ cuộc Cách mạng xanh vào những năm 1960. Tận dụng những nền tảng về công nghệ đã làm tăng sản lượng lương thực của Ấn Độ tạo ra các giống cây trồng mới năng suất cao, sử dụng rộng rãi phân bón và máy móc, cải cách ruộng đất và hệ thống thủy nông. Thành quả của công nghệ xanh không chỉ tạo đà cho nông nghiệp phát triển mà còn đẩy lùi nạn đói và các cuộc tranh chấp kinh tế cũng được ngăn chặn. Cho đến nay, Cách mạng xanh vẫn được Chính phủ Ấn Độ duy trì và đẩy mạnh.
Trong quá trình phát triển, Ấn Độ tạo ra những dấu ấn riêng biệt và sức hút lớn nhờ nền điện ảnh lâu đời nhất trên thế giới - Bollywood, với số lượng phim kỷ lục. Ngành công nghệ điện ảnh Ấn Độ mang trong mình những nét đẹp văn hóa tôn giáo, lịch sử, văn hóa riêng biệt, độc đáo được kết hợp một cách hài hòa đặc biệt. Trong đó phải kể đến "Triệu phú Ổ chuột" - bộ phim đã đạt được 4 giải quả cầu vàng đã giúp đưa Bollywood - ngành công nghiệp điện ảnh của Ấn Độ lên bản đồ điện ảnh toàn cầu. Bộ phim đầy khát vọng vươn lên và nỗ lực hỏi học của người dân Ấn Độ từ "khu ổ chuột" để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Sự chuyển biến đáng kinh ngạc trên đất nước Ấn Độ đã bác bỏ hoàn toàn nhận định của các học giả phương Tây thế kỷ 19 rằng Ấn Độ một xã hội tĩnh, thụ động và thiếu động lực cho sự phát triển. Soi chiếu vào lịch sử của một đất nước từng tồn tại nền văn minh sông Hằng vĩ đại bậc nhất, sự vươn lên của Ấn Độ không chỉ là điều tất yếu mà còn là sự nỗ lực của tinh thần đoàn kết vì một Ấn Độ bản sắc và phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực. Thành tựu tiêu biểu mà người Ấn Độ được thừa hưởng chính là hai bộ kinh lớn Veda và Upanishad - không chỉ lưu giữ lịch sử, văn hóa mà còn thể hiện hệ tư duy uyển chuyển linh hoạt của người Ấn Độ.
Để hiểu hơn về phong trào đấu tranh của người dân Ấn Độ, nhà sáng lập - Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tâm huyết, cẩn trọng tuyển chọn bộ phim Gandhi - một trong những bộ phim thuộc Tủ phim Nền tảng đổi đời - kể về vị anh hùng của dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi - cha đẻ của thuyết Bất bạo động, ông đã dành trọn cuộc đời mình áp dụng học thuyết này để thống nhất đất nước. Cùng với những cuốn sách về lịch sử, văn hóa và những phẩm tính tốt đẹp tạo nên thành tựu vượt bậc cho đất nước Ấn Độ như cuốn sách Lịch sử văn minh Ấn Độ (Will Durant) và Kinh Veda (Doãn Chính)… Đây là những tác phẩm kinh điển thuộc Tủ sách Nền tảng đổi đời - tủ sách gồm hơn 100 đầu sách quý thuộc 12 lĩnh vực căn cốt nhất của nhân loại nhằm xây dựng trí huệ và minh triết toàn diện, góp phần kiến tạo nên một dân tộc hình mẫu, dẫn dắt tinh thần toàn diện cho quốc gia và đi tới sự giàu có toàn diện về thể chất, vật chất, tinh thần.
Chính phủ đã tập trung đầu tư chiến lược vào ngành mũi nhọn này để đạt mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành quốc gia về công nghệ thông tin của thế giới với phương châm đưa công nghiệp phần mềm Ấn Độ trở thành kiểu mẫu của Sáng tạo và Thành công.
Mặc dù, trong lĩnh vực phát minh khoa học và kỹ thuật số bằng phát minh hằng năm ở Ấn Độ còn thua xa mức của thế giới, tuy nhiên hệ thống giáo dục tập trung phát triển ngành công nghệ thông tin ở quốc gia này thực sự ấn tượng.
Theo thống kê, Ấn Độ có đến 380 trường đại học và 1.500 viện nghiên cứu hàng năm đào tạo 500.000 kỹ sư, chuyên gia tin học và kỹ thuật viên, nhiều hơn cả Mỹ. Các kỹ sư không chỉ được đào tạo về chuyên môn mà còn được chú trọng phát triển khả năng hội nhập vào mọi môi trường văn hóa, nhạy bén nắm bắt những biến đổi thế giới công nghệ và đặc biệt là được giảng dạy chính bằng ngôn ngữ tiếng Anh. Nhờ đó, ngay khi ra trường họ đã có thể làm việc ngay theo chuẩn toàn cầu. Đây thực sự là một "biển tài năng" rất lớn của thế giới và hứa hẹn đem lại những thành tựu ấn tượng vượt bậc cho Ấn Độ.
Số lượng và chất lượng các phòng thí nghiệm phát triển tăng lên nhanh chóng tại Bangalore (Ấn Độ) đã đưa tên tuổi địa danh này trở thành thung lũng Silicon của châu Á. Không ở đâu, ngay cả California, có nhiều chuyên gia và kỹ sư công nghệ tin học làm việc như ở Bangalore. Hơn thế, sự phát triển bùng nổ về công nghệ thông tin còn tiếp tục lan rộng sang các trung tâm khác ở Hyderabad, Niu Đêli, Mumbai và nhiều khu vực khác. Tỷ phú công nghệ Bill Gates hiện đã đầu tư 1,7 tỉ USD ở Ấn Độ để xây dựng 4 trung tâm phát triển và phòng thí nghiệm lớn nhất của ông nằm ngoài nước Mỹ tại Hyderabad.
Bước tiếp theo của Ấn Độ trong chiến dịch ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế là việc thành lập các trung tâm nghiên cứu mới trong lĩnh vực công nghệ gene và sinh học. Theo đó, Ấn Độ muốn trở thành một đối thủ cạnh tranh thực sự với phương Tây trong quá trình toàn cầu hóa về đổi mới, cách tân và sáng tạo.
Trong lĩnh vực dược phẩm, Ấn Độ hiện đã có những hãng sản xuất lớn như Ranbaxy, Wockhardt, hoặc Dr. Reddy’s và đặc biệt trong đó có thành tựu sản xuất thuốc chống căn bệnh thế kỷ AIDS. Trong y học, các ca phẫu thuật tim, cấy ghép xương hông nhân tạo tại Ấn Độ đã thực hiện thành công với giá chỉ bằng 1/5 so với giá ở châu Âu. Cuối cùng là vũ trang và nghiên cứu vũ trụ, thế giới gần đây đã ghi nhận Ấn Độ đã phóng thành công tên lửa và vệ tinh lên vũ trụ và trong thời gian sớm nhất sẽ đưa người máy lên mặt trăng.
Từ một nước nghèo, nổi tiếng với những khu nhà ổ chuột, bằng cách xác định được năng lực lõi, cùng với tầm nhìn chiến lược đúng đắn và tinh thần đoàn kết dân tộc đã giúp Ấn Độ trở thành một thế lực mới nổi trong lĩnh vực công nghệ thông tin và có khát vọng cạnh tranh với các cường quốc về công nghệ thông tin trên thế giới. Hiện hơn 100 nước trên thế giới nhập khẩu các phần mềm của Ấn Độ. 25 công ty phần mềm hàng đầu của Ấn Độ đã đạt được những thành quả to lớn xét trên phương diện doanh thu và tư bản hóa thị trường đưa Ấn Độ trở thành thị trường hấp dẫn của thế giới công nghệ phần mềm trong thế kỷ 21.
Với dân số bằng gần 1/5 dân số thế giới, hiện Ấn Độ làm ra 2% tổng thu nhập toàn cầu, trong khi người châu Âu chiếm 8% dân số thế giới làm ra 31% và người Mỹ chiếm 5% thậm chí đã làm ra 28% tổng sản phẩm thế giới. Và tỷ lệ này sẽ còn tiếp tục cao hơn nữa trong những năm tới.
Ấn Độ đã chứng minh cho thế giới sự vươn lên mạnh mẽ của mình, từ "khu ổ chuột" trở thành "Quốc gia Khởi nghiệp" và quốc gia mới nổi về công nghệ thông tin nhờ duy trì những giá trị cốt lõi như: tinh thần ham học hỏi và sáng tạo không ngừng; chiến lược đúng đắn qua từng giai đoạn cùng với khát vọng lớn mãnh liệt luôn chảy âm ỉ trong mỗi người dân Ấn Độ. Dù trong quá khứ hay ở thời điểm hiện tại, người dân Ấn Độ vẫn lưu giữ những giá trị truyền thống, nhưng họ cũng đã sáng tạo và học hỏi từ các nước nhằm tạo đà cho sự phát triển bền vững nhằm khẳng định vị thế của mình tại đấu trường quốc tế; tuy nhiên ở quốc gia này, vẫn còn tồn tại những hủ tục lạc hậu về tín ngưỡng, tôn giáo cùng bất cập về quyền của phụ nữ cần được xóa bỏ. Trong thời kỳ phát triển đất nước, nhờ tầm nhìn đúng đắn, linh hoạt của Chính phủ trong từng giai đoạn đã giúp Ấn Độ vượt qua thời kỳ đen tối trở thành "Quốc gia khởi nghiệp" trẻ nhất của thế giới.
(Đón đọc kỳ sau: Dubai - Tầm nhìn thay đổi quốc gia)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.