An Giang chủ động phòng chống, Đồng Tháp chỉ đạo khẩn

27/02/2023 06:28 GMT+7

An Giang, Đồng Tháp triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm.

An Giang có hơn 100 km giáp Campuchia. Theo thống kê của Sở NN-PTNT, hiện tỉnh này có đàn gia cầm ước khoảng 5 triệu con. Tính đến hết tháng 2, tỉnh đã tiêm vắc xin cúm A/H5N1 cho đàn vịt hơn 2 triệu con (đạt tỷ lệ 93% so tổng đàn) và đàn gà gần 443.000 con (đạt tỷ lệ 87% so tổng đàn).

An Giang thực hiện vệ sinh tiêu độc thường xuyên phương tiện vận chuyển, quầy kệ bán thịt gia súc, gia cầm, khu vực chăn nuôi, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tổng cộng 520.000 m2. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi chủ động tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, trong đó tập trung tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm.

Tại Đồng Tháp, từ đầu năm 2023 đến nay chưa ghi nhận ổ dịch nguy hiểm hoặc các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Tuy nhiên, khả năng dịch bệnh lây lan là rất lớn khi thông báo ngày 10.2 của Chi cục Thú y Vùng 7 cho biết kết quả xét nghiệm có sự lưu hành vi rút cúm A/H5N1 trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho hay trong ngày 26.2, UBND tỉnh đã chỉ đạo khẩn đối với các sở ngành, các huyện, TP và thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi của tỉnh tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm.

Trong đó, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đặc biệt là đàn gia cầm tại các địa phương. Tổ chức tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường đợt từ ngày 1 - 31.3. Khẩn trương kiểm tra, đôn đốc công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu trên 80% tổng đàn có nguy cơ và đối tượng thuộc diện tiêm phòng. Phối hợp với Sở Y tế giám sát phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Yêu cầu lực lượng bộ đội biên phòng, hải quan, công an, quản lý thị trường… triển khai thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới, đặc biệt tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới; kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh; an toàn thực phẩm.

Lãnh đạo UBND các huyện, TP của tỉnh phải yêu cầu cơ sở, người chăn nuôi chấp hành đăng ký chăn nuôi và khai báo dịch bệnh với UBND xã, phường. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn gia cầm theo quy định. Nếu không chấp hành việc tiêm phòng và áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc cho vật nuôi sẽ không được xem xét hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khi có dịch bệnh xảy ra theo quy định. Thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại theo hướng dẫn của nhân viên thú y.

Tính đến giữa tháng 2, Đồng Tháp đã tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm mũi 1 trên gà đạt tỷ lệ 4,9% tổng đàn; vịt đạt tỷ lệ 18,7% tổng đàn; tiêm mũi 2 cho gà đạt tỷ lệ 8,33% tổng đàn và tiêm cho vịt mũi 2 đạt 10,47% tổng đàn.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.