An Giang: 'Không có 'vùng cấm' trong xử lý cán bộ nhà nước vi phạm nồng độ cồn'

18/11/2020 13:31 GMT+7

Đó là yêu cầu của ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đối với lực lượng Công an tỉnh An Giang trong xử lý cán bộ, công chức nhà nước vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Sáng 18.11, Công an tỉnh An Giang phối hợp Sở Y tế, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh An Giang tổ chức lễ ra mắt 12 Tổ Công tác bảo đảm trật tự ATGT, an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh nhằm xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
Đại tá Bùi Bé Năm, Phó giám đốc Công an tỉnh An Giang, thông tin tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh giảm về số vụ 63/69 vụ, nhưng làm chết 66 người, tăng 2 người so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông do có sử dụng rượu, bia chiếm tỷ lệ 14,28%.
Công an tỉnh An Giang đã phối hợp với Sở Y tế ký kết quy chế kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn đến cấp cứu tại các cơ sở y tế. Đồng thời, Công an tỉnh đã ra quyết định ban hành quy chế hoạt động của Tổ công tác đảm bảo trật tự ATGT, an ninh trật tự trên địa bàn.

Tổ Công tác bảo đảm trật tự ATGT, an ninh trật tự Công an tỉnh An Giang diễu hành một số tuyến đường ở TP.Long Xuyên sau khi thành lập

Ảnh: Trần Ngọc

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban ATGT tỉnh An Giang, đề nghị lực lượng Công an tỉnh An Giang phải làm hết trách nhiệm trong quá trình thực hiện công tác đảm bảo trật tự ATGT. Đối với lãnh đạo, cán bộ công chức nhà nước sử dụng rượu bia không làm gương, xin bỏ qua lỗi vi phạm thì điện thoại cho Ban ATGT tỉnh xử lý. Cần thiết thì gọi điện trực tiếp Chủ tịch UBND tỉnh để kiên quyết xử lý, không có “vùng cấm” trong xử lý vi phạm. Đối với các cơ sở y tế, khi tiếp nhận cán bộ, công chức điều trị liên quan tai nạn giao thông thì báo về cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý, đồng thời báo cho Ban ATGT tỉnh nắm để xử lý.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, đã có tình trạng người dân vi phạm thì lực lượng chức năng xử lý nghiêm, nhưng đối với cán bộ, công chức vi phạm thì xử lý nhẹ tay, gây mất niềm tin trong nhân dân, không công bằng trong xử lý vi phạm.
“Người dân vi phạm thì chúng ta xử lý một, còn cán bộ công chức vi phạm thì chúng ta phải xử lý hai vì đây thuộc đối tượng phải gương mẫu chấp hành các Nghị định mà Chính phủ đã quy định để răn đe, làm gương cho nhân dân. Nhân dân nhìn vào như vậy mới tin mình”, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.