Có 60 dự án trọng điểm thuộc 6 lĩnh vực: nông nghiệp quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao, du lịch, hạ tầng đô thị, các khu - cụm công nghiệp, chế biến và các khu chức năng khu kinh tế cửa khẩu được tỉnh An Giang ưu tiên mời gọi đầu tư dịp này.
Ông Hồ Văn Mừng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết với nhiều lợi thế tự nhiên và tiềm năng sẵn có, tỉnh định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, giảm phát thải, ứng dụng công nghệ cao, giảm giá thành, nâng cao giá trị và hướng đến trở thành trung tâm lúa gạo và thủy sản nước ngọt của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài lúa gạo, tỉnh cũng sẽ khai thác hiệu quả hơn lợi thế về nguồn nước ngọt và thổ nhưỡng, chú trọng phát triển thêm các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như cá tra, rau màu, cây ăn trái; chăn nuôi, trồng nấm ăn và dược liệu để cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm. Định hướng chủ đạo là tăng cường chế biến tinh, đa dạng hóa sản phẩm và tăng tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng cao theo chuỗi cung ứng khép kín, đồng bộ từ nguyên liệu đến thành phẩm. Đồng thời, tỉnh cũng mời gọi các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực tài chính và công nghệ để đồng hành cùng khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc lưu ý, tỉnh An Giang muốn phát triển kinh tế - xã hội, trước hết cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại với các tỉnh lân cận, đặc biệt là kêu gọi đầu tư tại TP.HCM, đầu tàu của vùng kinh tế phía nam. Ngoài ra, tỉnh cần tạo điều kiện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế tìm hiểu về cơ chế, chính sách ưu đãi và môi trường đầu tư của tỉnh, tạo cơ hội tiếp xúc và gắn bó giữa tỉnh An Giang và các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cùng xây dựng, phát triển một không gian mới theo hướng Quy hoạch tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo báo cáo của UBND tỉnh An Giang, lũy kế từ đầu năm đến nay, số doanh nghiệp gia nhập thị trường trên toàn tỉnh ước đạt 1.061 doanh nghiệp, tăng 8,9% (tương đương 83 doanh nghiệp).
Trong đó, số doanh nghiệp đăng ký mới là 818 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký là 5.712 tỉ đồng. So với cùng kỳ, số doanh nghiệp đăng ký tăng 7,21% (tương đương 55 doanh nghiệp), vốn đăng ký tăng 11,13% (tương đương 571 tỉ đồng). Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 243 doanh nghiệp, tăng 13% (tương đương 28 doanh nghiệp).
Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lũy kế đến nay, An Giang có 36 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đầu tư 261 triệu USD, tổng vốn thực hiện là 178 triệu USD (chiếm 68,19% tổng vốn đầu tư đăng ký), tạo việc làm cho 16.800 lao động.
Bình luận (0)