An Giang, vùng đất tươi đẹp giàu bản sắc

22/11/2022 09:06 GMT+7

Trải qua 190 năm hình thành và phát triển, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân tỉnh An Giang đã không ngừng phát huy ý chí tự lực tự cường, khát vọng vươn lên để xây dựng tỉnh ngày càng phồn vinh.

An Giang chính thức được ghi vào hệ thống hành chính năm 1832. Tỉnh có vị trí đặc biệt, tọa lạc địa đầu biên giới Tây Nam của Tổ quốc, nơi đầu nguồn sông Mê Kông chảy vào lãnh thổ Việt Nam.

TP.Châu Đốc nhìn từ Núi Sam

Trần Ngọc

Lịch sử 190 năm tên gọi An Giang

An Giang là vùng đất được thành lập khá sớm. Theo Châu bản triều Nguyễn ghi chép lại, năm 1832, triều thần nhà Nguyễn tấu trình: “…đất Châu Đốc lại là nơi rất xung yếu. Nhưng dân cư chưa được đông đúc, địa lợi chưa được mở mang, gần đây có Vĩnh Long, đất rộng, dân giàu, hơn cả mọi hạt. Vậy xin tách lấy 2 huyện; Vĩnh An và Vĩnh Định thuộc Vĩnh Long, gộp với đất Châu Đốc lập làm tỉnh An Giang”.

Du lịch rừng tràm Trà Sư

Trần Ngọc

Sách Đại Nam thực lục chính biên cũng ghi nhận, vào ngày mùng 1.10 năm Nhâm Thìn (1832) - năm Minh Mạng thứ 13 trong buổi thiết triều, sau khi nghe bộ lại tấu trình, vua Minh Mạng đã chỉ dụ bãi bỏ Gia Định thành, đổi “ngũ trấn” thành “lục tỉnh”, quyết định thành lập 12 tỉnh từ Quảng Nam đến Hà Tiên cùng thời điểm, trong đó có An Giang.

Đối chiếu với lịch vạn niên, ngày mùng 1.10 năm Nhâm Thìn (1832) nhằm ngày 22.11.1832 (dương lịch), tỉnh An Giang chính thức được thành lập gồm 2 phủ và 4 huyện, tỉnh thành đặt tại Châu Đốc.

Cư dân 4 dân tộc sống chan hòa, sung túc

Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang, An Giang là đất khai phá sau cùng ở Nam bộ so với các nơi khác, điều kiện sinh sống ở An Giang không được thuận lợi cho lắm. Triều đình chú ý khẩn hoang, lập ấp chủ yếu để phục vụ cho kế hoạch an ninh quốc phòng. Cư dân sống bằng nghề làm ruộng, đánh bắt cá, tôm… dần dần một số nghề thủ công được ra đời như: dệt, mộc, đan lát, nắn nồi, chạm khắc đá. Nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa khá phổ biến, đến đầu thế kỷ XX lụa Tân Châu đã nổi tiếng khắp vùng vừa bền, vừa đẹp.

Nghề dệt lụa Tân Châu

Trần Ngọc

Nghề mộc cũng sớm phát triển trên đất Chợ Mới. Ở núi Sam, núi Sập, do nhu cầu tiêu dùng của xã hội, dần dần hình thành từng lớp “thợ” chuyên khai thác đá. Ngoài đá xây dựng, họ còn làm ra những đồ dùng như cối giã gạo, chày đâm tiêu, cối xay bột, mặt bàn và cả đồ trang sức bằng đá quý. Nghề đan bàng, đưng tập trung ở vùng Tịnh Biên, Tri Tôn. Đặc biệt là cây bàng đã tạo ra chiếc nóp kỳ diệu để sau này cùng với cây tầm vông đi vào lịch sử đấu tranh oai hùng của dân tộc, in đậm trong ký ức của người dân vùng đồng bằng châu thổ.

Từ chỗ cùng nhau khai khẩn đất hoang dựng lên làng mạc, dân cư An Giang bao gồm 4 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm sống chan hòa trong sự hòa hợp giữa các nền văn hóa, hình thành tính cách, thói ăn, nết ở. Những người Kinh đi đến đây đa số là những người không chịu được áp bức, bóc lột, yêu tự do, giàu lòng nhân ái, đùm bọc lẫn nhau khẩn hoang, lập ấp. Người Khmer cần cù lao động, quây quần bám đất, kính Phật, thật thà, chất phác. Người Hoa chịu cực, chịu khó giúp đỡ lẫn nhau, chuyên mua bán, dễ dàng hòa hợp. Người Chăm ươm tơ, dệt vải, chài lưới, mua bán đổi chác đều thành thạo.

Các thiếu nữ Chăm tại An Giang trong trang phục truyền thống lễ cưới của người Chăm

Trần Ngọc

Từ những điều kiện đặc thù của nền kinh tế, văn hóa, xã hội ở một vùng đất mới đã sản sinh ra những tính cách của con người An Giang thích tự do, phóng khoáng. Người dân gắn bó với nhau để sống bằng tấm lòng vị tha, chân thật, hào hiệp. Sách Đại Nam Nhất

Thống Chí đã viết về những cư dân đầu tiên của An Giang: “Học trò hơi biết chữ, nhà nông chăm làm ăn... tính cách nhẹ nhõm, ham thích phong lưu... không ai gian tham, không ai trộm cướp, phần nhiều hào phóng...”.

Khu du lịch núi Cấm (H.Tịnh Biên, An Giang) là điểm đến hấp dẫn đối với du khách.

Trần Ngọc

Về văn hóa - xã hội, An Giang có dân số đông nhất khu vực ĐBSCL. Tính đến năm 2020, dân số của tỉnh này hơn 1,9 triệu người (đông dân thứ 8 trong cả nước). Đời sống người dân không ngừng cải thiện, GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 46,8 triệu đồng, tăng 16 triệu đồng so năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến năm 2020 giảm còn 1,93% (giảm bình quân 1,5%/năm). An Giang là tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo, nơi khởi nguồn của Phật giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Bốn dân tộc anh em cùng chung sống hòa thuận lâu đời, từ đó hình thành những giá trị văn hóa phong phú, với nhiều lễ hội dân gian, các làng nghề truyền thống và các công trình kiến trúc độc đáo. Tính đa dạng về văn hóa là một trong những thế mạnh của hệ giá trị sinh thái nhân văn, tạo nên nét đẹp rất riêng của nền văn hóa tâm linh địa phương và của từng dân tộc tại An Giang.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.