Thường xuyên tập thể dục vào buổi chiều tại bờ kè kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, bà Phạm Thanh Sang (ngụ Q.3) cho biết có lần đang đi bộ thì bà giật mình dừng lại bởi những con chó to lớn được cột vào thành cầu chắn cả đường đi mà không rọ mõm, thậm chí là thả rông. “Nó (chó dữ) mà lên cơn thì chủ cũng bó tay”, bà Sang lo ngại.
Một người dắt con chó to lớn đi qua đường tại TP.HCM mà không rọ mõm |
NHẬT THỊNH |
Còn ông Nguyễn Thanh Phong (ngụ Q. Bình Thạnh) thì bức xúc: “Tôi thường xuyên bắt gặp nhiều người đưa thú cưng ra nơi công cộng phóng uế, nhưng rất ít người ý thức mang theo dụng cụ để dọn dẹp. Nhiều đoạn khuất bốc mùi hôi thối nồng nặc”.
Ông Trần Mạnh Tuấn, Phó chủ tịch UBND P.11 (Q.Phú Nhuận) cho biết trên thực tế người dân không đăng ký khi nuôi chó, mèo, nhưng phường quản lý thông qua việc đăng ký tiêm phòng bệnh dại hằng năm. “Cách đây 2 tháng, phường xử lý một trường hợp hộ dân nuôi 10 con chó sủa ầm ĩ khiến hàng xóm bức xúc, sau khi vận động thì chủ nhà cho bớt một nửa”, ông Tuấn cho hay.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và thú y (thuộc Sở NN-PTNT TP.HCM), tính đến tháng 7.2022, tổng đàn chó, mèo trên toàn thành phố có gần 180.000 con đang được nuôi tại hơn 101.000 hộ dân, trong đó chủ yếu là chó.
Ông Lê Việt Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y TP.HCM, nhìn nhận dù quy định đầy đủ nhưng hiện vẫn còn tình trạng cho chó ra đường không có rọ mõm, không có dây xích, không có người dắt, không đăng ký đầy đủ với chính quyền địa phương. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức của một số người dân chưa cao, cũng như nhân sự của chính quyền địa phương cấp xã còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, xử lý chó thả rông, chưa tạo được sự răn đe.
Trước đây, TP.HCM có đội bắt chó thả rông nhưng khi sắp xếp lại Chi cục Chăn nuôi và thú y, thì từ năm 2018 đến nay nhiệm vụ bắt chó thả rông được giao về các phường, xã, thị trấn. Tuy nhiên, qua khảo sát của PV Thanh Niên thì rất ít địa phương thành lập đội bắt chó thả rông cấp quận, phường. Trước đây, UBND Q.1 từng thành lập một đội bắt chó thả rông nhưng sau đó cũng giải tán. Trong khi đó, UBND TP.Thủ Đức đã có kế hoạch thành lập các đội bắt chó thả rông, nghi mắc bệnh dại trên địa bàn 34 phường với thành phần gồm công chức phường, công an, trật tự đô thị, bảo vệ khu phố…
Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và thú y TP.HCM cho rằng nếu cấp phường có đủ điều kiện về nhân lực và phương tiện thì thành lập đội (bắt chó thả rông) riêng. Tuy nhiên, tại khu vực đô thị, người dân có ý thức tốt về pháp luật thì có thể nghiên cứu thành lập đội (bắt chó thả rông) cấp quận, huyện để có thể khai thác tối ưu nguồn lực, phương tiện và tuyên truyền nâng cao ý thức, kiến thức người dân.
Hiện Chi cục Chăn nuôi và thú y thực hiện tập huấn công tác bắt chó thả rông cho nhân sự của các phường, xã, thị trấn cũng như hỗ trợ phương tiện, dụng cụ cho các đơn vị thực hiện công tác bắt chó thả rông (xe chuyên dụng, cây bắt chó). Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tập huấn về phòng, chống bệnh dại và công tác bắt chó thả rông cho nhân sự của các quận, huyện: 1, 4, 6, 8, 12, Cần Giờ và TP.Thủ Đức. Chi cục cũng phối hợp và hỗ trợ Q.7 và H.Cần Giờ bắt chó thả rông, xử lý 13 trường hợp để chó thả rông...
Ông Lê Việt Bảo cũng cho rằng VN vẫn chưa có quy định riêng về việc nuôi chó dữ như nước ngoài mà quy định chung về quản lý chó, mèo nuôi. Tuy nhiên, trào lưu nuôi “chó chiến”, tức các loài như pitbull, becgie, ngao Tây Tạng… phát triển như hiện nay nhưng chủ vật nuôi quản lý không chặt dẫn đến cắn người, khiến dư luận bức xúc. Do đó, cơ quan có thẩm quyền cũng nên nghiên cứu có hướng dẫn, quy định cụ thể về vấn đề này để hạn chế đến mức tối thiểu tình trạng chó cắn chết người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Có thể xử lý hình sự
Ngày 30.7, luật sư Phùng Thanh Sơn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng nếu cấm nhập khẩu, nuôi chó dữ là không khả thi, phù hợp. Thay vào đó, cần siết chặt công tác quản lý vật nuôi, thú cưng, đặc biệt là các loại chó dữ. Cần tăng cường trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan, truy trách nhiệm trong công tác quản lý, thậm chí quy định điều kiện riêng đối với các loại chó dữ có khả năng tấn công người; đồng thời tăng mức xử phạt hành chính, thay vì chỉ 1 - 2 triệu đồng như quy định hiện hành.
Hiện nay, khi chưa có quy định riêng về nuôi chó dữ nhưng nếu vật nuôi (bao gồm chó dữ) thả rông nơi công cộng, không rọ mõm đúng quy định hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng, thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể truy cứu hình sự chủ vật nuôi về hành vi “vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người”; còn dùng chó dữ như một công cụ giết người thì chủ vật nuôi bị xử lý hình sự theo Điều 123 bộ luật Hình sự, về tội “giết người”.
Đối với trường hợp nuôi chó dữ trong nhà, theo luật sư Phùng Thanh Sơn, phải xây dựng hành lang pháp lý về biện pháp bảo vệ người xung quanh, quy chuẩn về chuồng trại khi nhốt, nuôi trong nhà, đồng thời cấm không cho ra nơi công cộng. Vì vậy, nếu chủ vật nuôi vi phạm về chuồng trại thì có biện pháp xử phạt hành chính thật nặng. Trường hợp chủ vật nuôi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng làm chết người thì xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “vô ý làm chết người” theo Điều 128 bộ luật Hình sự, hoặc tội “vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” khi người bị vật nuôi cắn có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên.
Phan Thương
Bình luận (0)