Lý giải nguyên nhân, các chấp hành viên đều thừa nhận do khó khăn trong việc truy tìm, xác minh tài sản để thi hành án.
Theo bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành, các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế có khung hình phạt cao nhất là từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình, tùy tội danh. Thực tế xét xử dễ dàng nhận thấy, các hành vi vi phạm mà tội phạm thường “vướng” là những tội “buôn lậu”, khung hình phạt cao nhất là chung thân; tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, tội “vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” với khung hình phạt cao nhất là 20 năm hoặc tổng hợp hình phạt 2 tội danh này là 30 năm tù.
Đồng thời, theo bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, tình tiết tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong vụ án là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Nhưng hầu hết, khi các vụ án liên quan đến tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, HĐXX luôn nhận định, dù các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ (trong đó có khắc phục hậu quả) nhưng do hậu quả trong vụ án là rất lớn, ảnh hưởng đến trật tự xã hội, nền kinh tế nên cần có mức án nghiêm khắc, răn đe, từ đó tuyên mức án cao nhất trong khung hình phạt.
Theo các chuyên gia pháp luật, khi HĐXX nhận định một cách cứng nhắc như hiện nay, sẽ dẫn đến tâm lý của bị can, bị cáo hoặc người nhà của bị can, bị cáo suy nghĩ có khắc phục hậu quả toàn bộ hay một phần lớn thì cũng “nhận” mức án cao nhất cho nên cứ tẩu tán, giấu tài sản được bao nhiêu thì làm. Còn bị can, bị cáo chấp nhận ngồi tù.
Cần thay đổi tư duy về tình tiết giảm nhẹ
Theo luật sư (LS) Hà Hải (Đoàn LS TP.HCM), trong các vụ án kinh tế, mong muốn chung nhất của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, bị can - bị cáo, bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là việc khắc phục hậu quả được càng sớm càng tốt.
LS Hà Hải phân tích, ở những vụ án kinh tế thì người phạm tội đã gây ra hậu quả là xâm hại đến quyền sở hữu hợp pháp, gây thiệt hại về tài sản cho tổ chức hoặc công dân, nên cần lấy mục tiêu khắc phục hậu quả tối đa hoặc toàn bộ làm ưu tiên hàng đầu ngay trong giai đoạn tiền khởi tố, điều tra, truy tố hoặc xét xử tại tòa án các cấp. Muốn như vậy thì về nhận thức, về chính sách cũng cần phải thay đổi. Chính sách có thay đổi thì luật pháp mới có thể điều chỉnh.
“Chẳng hạn, khi bị can, bị cáo khắc phục hậu quả toàn bộ có nghĩa hậu quả bằng 0 thì nên chăng có quy định rằng bị can, bị cáo đó được miễn trách nhiệm hình sự? Chứ như thực tiễn điều tra xét xử hiện nay, bị can, bị cáo mong muốn sớm khắc phục hậu quả trước và trong khi mở phiên tòa nhưng cũng khó lòng thực hiện, mà đợi khi tòa xử xong, án có hiệu lực thì có khắc phục hay không cũng ngần ấy năm tù thì người phạm tội thấy bất công. Nhà nước thì không thu hồi được tiền cho ngân sách, bị hại và người liên quan cũng không được bồi thường và trách nhiệm dân sự trong một vụ án hình sự của các bị cáo chỉ được thực thi trên giấy, bản án của tòa không đi vào cuộc sống”, LS Hà Hải nói.
Kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Thanh Sơn, Phó viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cũng nêu: “Dù BLHS 2015 đang hoãn thi hành vì một số lỗi ở một vài tội danh tuy nhiên theo tinh thần chung của các bộ luật này đều có những quy định có lợi cho bị can, bị cáo, người chấp hành án nếu họ khắc phục hậu quả. Chẳng hạn, tại điều 51 quy định: nếu người phạm tội tự nguyện bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả thì được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; điều 63 thể hiện: người bị kết án tù có thời hạn, chung thân nếu đã chấp hành được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự thì được giảm thời hạn chấp hành hình phạt; hoặc quy định phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với các trường hợp người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế”.
Theo ông Sơn, tinh thần chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về thu hồi tài sản đã được hiện thực hóa trong luật, còn việc thi hành như thế nào, có cứng nhắc hay không là ở những người tiến hành tố tụng và các cơ quan tố tụng. “BLHS 2015 có quy định người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ thì được chuyển thành tù chung thân. Do đó, cũng nên có quy định nếu tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế khắc phục 3/4 hay toàn bộ hậu quả thì pháp luật cũng sẽ có chính sách khoan hồng cụ thể đối với họ để việc thu hồi tài sản được tốt hơn”, ông Sơn nêu ý kiến.
LS Hà Hải cho rằng: “Pháp luật nên có cơ chế giao cho cơ quan chức năng trách nhiệm giám sát song song với việc cho phép bị can, bị cáo quyền chủ động thương thảo với các bị hại, đối tượng có thể mua tài sản với giá tốt nhất để có số tiền tốt hơn nhằm mục đích khắc phục hậu quả cao hơn. Nên có cơ chế về khắc phục hậu quả trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử (thay vì ở giai đoạn thi hành án như hiện nay - PV) để khi bị can, bị cáo hợp tác thì điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán cùng tham gia giải quyết vấn đề dân sự trong hình sự chứ không phải cứ tập trung vào hình sự, tìm chứng cứ phạm tội của bị can, bị cáo thậm chí bóc tách làm giảm chất lượng bản án".
|
Bình luận (0)