'Ăn mày' vì cộng đồng: Anh 'Khoèo' thương người nghèo

25/08/2020 05:57 GMT+7

Bị khuyết tật vận động với 1 chân và 1 tay co quắp nhưng anh Nguyễn Duy Học (33 tuổi, ở xã Eakly, H.Krông Pắk, Đắk Lắk) vẫn lê những bước chân đi khắp các buôn làng xa xôi giúp đỡ người nghèo .

Hiện anh Học là Trưởng nhóm thiện nguyện Vòng tay yêu thương ở Đắk Lắk với hàng trăm tình nguyện viên, đã thực hiện được rất nhiều chương trình an sinh xã hội có giá trị cho cộng đồng.

Cho đi yêu thương...

Những lần đi cùng anh tham gia các chương trình thiện nguyện, tôi lại được truyền cảm hứng từ nghị lực phi thường và trái tim nhân ái của chàng trai này. Anh Học sinh ra đã bị khuyết tật do chất độc da cam: 1 bên chân bị teo với bàn chân bẻ quặt lại phía sau, 1 cánh tay bị khoèo và bàn tay co quắp.
10 tuổi mới tập tễnh những bước đi đầu tiên, nhưng anh vẫn nỗ lực vươn lên trong học tập và trở thành sinh viên ngành công nghệ thông tin Trường đại học Duy Tân (Đà Nẵng). Khi còn là sinh viên, thấy còn nhiều người khó khăn hơn mình, anh tình nguyện dạy học văn hóa cho các bạn khuyết tật ở Trung tâm hướng nghiệp từ thiện của Hội Chữ thập đỏ TP.Đà Nẵng, rồi gắn bó với công việc thiện nguyện từ đó.
“Ăn mày” vì cộng đồng: Anh 'Khèo'  thương người nghèo

Một ngôi nhà anh Học (bìa phải) và nhóm Vòng tay yêu thương xây dựng giúp người dân

Năm 2012, anh Học tự thành lập nhóm thiện nguyện Vòng tay yêu thương, với mục đích chia sẻ, động viên và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật… “Thời gian đầu, tôi kêu gọi các bạn trẻ là học sinh, sinh viên tham gia nấu và tặng các suất ăn tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Đều đặn 2 lần/tháng, nhóm thực hiện phát cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại đây. Thời gian đầu chưa vận động được kinh phí, tôi và các tình nguyện viên mỗi người góp một chút, người góp gạo, người góp rau...”, anh Học nhớ lại. Đặc biệt, chương trình Chén cơm yêu thương đã được nhóm thực hiện liên tục 26 lần, suốt hơn một năm đầu thành lập.
Sau đó, anh Học cùng nhóm thực hiện nhiều chương trình ý nghĩa: sửa chữa bàn ghế, sơn sửa lại phòng học cho các trường vùng sâu xa và tặng quà cho hàng ngàn học sinh nghèo… Mỗi chương trình đã để lại nhiều ý nghĩa cho cộng đồng.
Tại Trường tiểu học Yang Reh (xã Yang Reh, H.Krông Bông, Đắk Lắk), trong một lần nhóm đến làm thiện nguyện, các bạn trẻ chia ra từng tốp nhỏ để cắt tóc, cắt móng tay, phát áo ấm, dụng cụ học tập cho các em học sinh. Trưởng nhóm Nguyễn Duy Học cứ đi hết nhóm này đến nhóm khác thăm hỏi các em và khó khăn nhấc cánh tay khoèo lên mặc áo trao tặng cho học sinh. Hôm ấy, nhóm của anh tổ chức chương trình Vì học sinh nghèo tại 4 điểm trường thuộc xã Yang Reh. Hàng trăm suất quà đã được các tình nguyện viên trao tận tay những học sinh nghèo.
Thầy Y Phiên M’drang, Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Cư Pui 2 (H.Krông Bông), tâm sự: “Học sinh của trường chủ yếu là người dân tộc thiểu số, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Nhóm từ thiện của anh Học đã nhiều lần về tặng quà cho học sinh ở đây. Khi có được những món quà ý nghĩa đó, các em rất vui và hứa sẽ cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt”.

Thắp sáng ước mơ

“Trong những năm qua, nhóm đã tổ chức nhiều chương trình tình nguyện vì an sinh xã hội cho bà con nhân dân, học sinh có hoàn cảnh trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông với mỗi chương trình trị giá hàng trăm triệu đồng”, anh Học phấn khởi “khoe”.
Đặc biệt, trong mùa dịch Covid-19, nhóm vận động xã hội tặng nhiều suất quà trợ giúp các gia đình khó khăn. Không chỉ hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn, một trong những hoạt động ý nghĩa làm nên “thương hiệu” của Vòng tay yêu thương là xây dựng và sửa chữa nhà cho các hộ gia đình ở vùng bão lũ, gia đình khó khăn neo đơn, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
“Những ngôi nhà của chúng tôi dựng lên, được làm từ khung sắt, lợp tôn và làm nền nhà bằng xi măng với kinh phí khoảng 20 triệu đồng, nhưng đã giúp được nhiều gia đình có nhà ở”, anh Học nói, và cho biết nhóm đã xây dựng, sửa chữa được hơn 24 ngôi nhà cho người dân.
“Ăn mày” vì cộng đồng: Anh 'Khèo'  thương người nghèo

Anh Nguyễn Duy Học (giữa) không quản khó khăn, đến hỗ trợ những người dân nghèo trong mùa dịch Covid-19

Mới đây, nhóm đã tổ chức chương trình sửa nhà cho em Dương Thị Thi (học lớp 2 Trường tiểu học Cẩm Phong, xã Hòa Phong, H.Krông Bông, Đắk Lắk). “Nhà em Dương Thị Thi hoàn cảnh hết sức khó khăn. Căn nhà nhỏ xập xệ, không đủ che mưa nắng, là nơi ở của 6 người. Thi là con đầu trong nhà có 4 chị em. Nhà em có ít ruộng, nên bố em phải đi khắp nơi làm thuê kiếm sống. Cái ăn còn chưa lo nổi, thì làm sao làm nhà được”, anh Học kể. Vậy là 25 bạn tình nguyện viên của nhóm đã xuống dựng nhà cho em Thi, giúp gia đình em có một mái nhà che mưa, che nắng.
Trong những năm qua, từ sự giúp đỡ của nhóm đã thắp sáng ước mơ cho nhiều học sinh nghèo. Trong số đó, có một câu chuyện mà anh Học nhớ mãi, đó là cô bé người dân tộc Nùng. “Lúc tôi vào nhà em đó thì được biết gia đình khó khăn, em sắp nghỉ học cấp 3 để phụ bố mẹ đi làm, nuôi em ăn học. Thương hoàn cảnh của em, nhóm tôi đã đi vận động kinh phí và giúp đỡ em hoàn thành 3 năm cấp 3 và thi đậu vào Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM”, anh Học chia sẻ.

“Đừng để ai phải sống vì mình”

Để đi làm các chương trình thiện nguyện, anh Học và nhóm tình nguyện viên đều phải tự bỏ tiền túi của mình để chi phí đi lại, ăn ở. Anh Học cũng cho biết, có những tháng, anh đi tới 30 lần để thực hiện các chương trình. Quãng đường đi xa nhất là 200 km, gần nhất cũng khoảng 50 km. “Để có tiền đi như vậy, tôi đã làm đủ nghề. Từ 2010 - 2014, tôi làm nghề kỹ thuật viên tin học cho một phòng khám răng hàm mặt ở Buôn Ma Thuột. Sau đó, tôi nghỉ việc về nhà mở quán bán trà sữa, rồi làm thêm nghề sửa máy tính và giờ thì thêm nghề chụp ảnh, quay phim”, anh Học kể.
Thời gian đầu anh Học làm thiện nguyện, cũng có người nói: “Thân mình còn chưa lo được, thì lo cho ai?”. Thế nhưng, anh Học không để ý mà chỉ quan tâm đến việc mình làm. Giờ đây, sau 8 năm, mọi người đã động viên anh nhiều hơn. Đặc biệt, nhiều gia đình trên địa bàn đã tin tưởng cho con cái họ đi cùng, để có thêm nhiều kinh nghiệm sống. “Hầu như những gia đình đó không cho con đi chơi khuya sau 9 giờ tối, nhất là con gái mới lớn, độ tuổi 16 - 18, vậy mà họ vẫn đồng ý cho con đi tham gia chương trình qua đêm, ở trong vùng sâu, vùng xa, thì độ tin tưởng của họ tới mức nào...”, anh Học tự hào kể.
Từ một nhóm chỉ có 6 người, giờ đây nhóm của anh Học huy động đông nhất có thể lên tới 200 tình nguyện viên. Đối tượng đa dạng, từ giáo viên, thợ sửa chữa, hay học sinh, sinh viên, đến cán bộ, nông dân… “Cho đi yêu thương là nhận lại hạnh phúc”, anh Học luôn nói với các thành viên như vậy.
Để vận động các nhà tài trợ giúp đỡ cũng là việc không ít khó khăn. Có những lần thiếu tiền, nhóm phải đi bán hoa vào các ngày lễ để gây quỹ. Nhưng khó khăn nhất đối với anh chỉ là việc đi lại. “Có những cung đường địa hình đồi núi, hiểm trở, đôi lúc, tôi phải nhờ người khiêng xe, nhờ bạn dìu qua suối hoặc leo dốc. Song nghĩ đến sự quan tâm, sẻ chia của các nhà hảo tâm và nhiều em học sinh ở vùng khó khăn đang rất cần sự giúp đỡ, tôi lại cố gắng vượt qua”, anh Học nói, và cho biết dù là người khuyết tật nhưng anh luôn nghĩ: “Mình phải sống vì mọi người chứ đừng để mọi người phải sống vì mình”.
Với những sự cống hiến của mình, đầu năm nay, nhóm Vòng tay yêu thương của anh Học đã được T.Ư Đoàn trao tặng Giải thưởng tình nguyện quốc gia vì có nhiều đóng góp cho cộng đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.