'Ăn mày' vì cộng đồng: Người phụ nữ quên mình

24/08/2020 05:30 GMT+7

Dù mang trong mình căn bệnh ung thư, nhưng 6 năm qua, chị Đỗ Thị Nga (41 tuổi, ở P.Xuân La, Q.Tây Hồ, Hà Nội) đã băng rừng vượt núi, đến những vùng khó khăn giúp người nghèo, với tổng số tiền hơn 5 tỉ đồng quyên góp từ cộng đồng.

Chị Đỗ Thị Nga (tên thường gọi là Phương) công tác trong ngành giáo dục ở Hà Nội. Ngoài giờ làm việc, chị lại dấn thân làm thiện nguyện. Từ năm 2014, bằng việc đi xin tiền của cộng đồng, chị đã làm được hàng loạt dự án an sinh xã hội như: xây trường, lắp điện năng lượng mặt trời, xây cầu vượt lũ, nuôi cơm bán trú cho học sinh nghèo... với tổng số tiền hơn 5 tỉ đồng. Hiện, chị là Trưởng ban thường trực Mạng lưới tình nguyện quốc gia khu vực miền Trung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Chia sẻ yêu thương Yên Thành - Nghệ An.

Bán đồng nát làm thiện nguyện

Tôi gặp chị Nga lần đầu tiên khi cùng chị lên Cao Bằng nhận giải thưởng tình nguyện quốc gia (T.Ư Đoàn trao tặng) cho CLB Chia sẻ yêu thương Yên Thành - Nghệ An, mà chị làm chủ nhiệm. Nhìn chị năng nổ, nhiệt huyết, ít ai biết chị đang mang trong mình bệnh ung thư cổ tử cung, thường xuyên phải đi điều trị. Nhưng say mê với công việc thiện nguyện, chị vẫn không ngừng nghỉ, đi đến những bản làng xa xôi, hiểm trở để giúp người nghèo.
Chị Nga kể: “Tôi bắt đầu gắn bó với công việc thiện nguyện sau một lần lên huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, thấy người dân phải sống trong cảnh quanh năm tối tăm; đường đi thì toàn suối dữ; học sinh không đủ cơm ăn, có em trên đường đi học về đói quá phải vặt lá ăn và chết vì ăn nhầm lá ngón… Vì thế, tôi đã đau đáu phải làm gì đó giúp các em, giúp người dân ở đây”.
Năm 2014, chị Nga tiếp nhận và làm Chủ nhiệm CLB Chia sẻ yêu thương Yên Thành - Nghệ An và dấn thân vào các dự án thiện nguyện. Dự án đầu tiên chị thực hiện là công trình điện năng lượng mặt trời cho bản Pà Ca (xã Nậm Cắn, H.Kỳ Sơn, Nghệ An). Để có tiền giúp bà con, chị tận dụng tất cả các mối quan hệ của mình, kêu gọi sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm, anh em, bạn bè, hoặc những nhóm thiện nguyện cùng chung lý tưởng. Đồng thời, chị và các thành viên trong CLB phát động chiến dịch “đồng nát”, thu gom rác tái chế ở những nơi mình sinh sống, bán lấy tiền gây quỹ. “Chúng tôi đi gom những lon bia, thùng giấy và tất cả phế liệu về phân loại, đóng gói, bán gây quỹ để mua ắc quy, pin mặt trời...”, chị Nga nhớ lại.
Sau 3 tháng lắp hệ thống chiếu sáng bằng pin mặt trời và năng lượng gió tại điểm Trường tiểu học Nậm Cắn, thầy hiệu trưởng đã gọi điện thoại cho chị báo tin vui: “Lần đầu tiên trong lịch sử, nhà trường có học sinh đi thi vở sạch chữ đẹp cấp huyện!”.
'Ăn mày' vì cộng đồng: Người phụ nữ quên mình1

Chị Đỗ Thị Nga (thứ 2 từ trái qua) lên biên giới ủng hộ vật phẩm cho các đồn biên phòng ở Nghệ An phòng chống dịch Covid-19

ẢNH: THÁI BÌNH

Sau lần đó, chị kết nối được với nhiều người cùng làm thiện nguyện để xây cầu vượt lũ, trị giá hàng tỉ đồng, ở các bản làng khó khăn của H.Kỳ Sơn, trong đó có 2 cây cầu đầu tiên được xây dựng tại bản Lưu Tân xã Bảo Nam (H.Kỳ Sơn). Đây là bản khó khăn của xã, người dân đi lại phải băng qua 2 con suối dữ. Nói về công trình này, anh Phan Mạnh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin H.Kỳ Sơn, nguyên Chủ tịch UBND xã Bảo Nam (H.Kỳ Sơn), tâm đắc: “Khi chưa có cây cầu, cứ mưa lũ là học sinh nghỉ học, người lớn thì không thể lên rẫy, trâu bò thường xuyên bị lũ cuốn trôi. Từ ngày cầu xây xong đã thay đổi bộ mặt cho bản làng này. Học sinh không bao giờ nghỉ học nữa, giáo viên không còn phải đón đưa học sinh qua suối, người dân có thể vận chuyển nông sản về tận nhà, trâu bò cũng có đường đi... Nhiều người già trong bản nói với tôi rằng họ không dám tin giấc mơ về cây cầu đã thành sự thật”.

Mang lại hạnh phúc cho người dân

Đặc biệt, từ năm học 2018 -2019, nhóm của chị Nga đã kết nối với các nguồn lực xã hội, nuôi cơm bán trú cho hơn 1.200 học sinh vùng khó khăn ở Nghệ An, để các em không phải bỏ học vì đói. Chị cũng cùng với CLB đã và đang xây dựng được 7 điểm trường cho các em vùng cao, trong đó có những điểm trường được xây dựng từ việc bán ve chai. Đồng thời, chị tổ chức nhiều chương trình tặng quà cho trẻ em vùng khó khăn mỗi dịp lễ tết, lắp đặt giếng khoan cho bà con có nước sạch...
Không chỉ quan tâm đến học sinh, những người gặp khó khăn ở bất cứ nơi đâu, khi biết tin, chị lại đến tận nơi tìm hiểu hoàn cảnh, chia sẻ thông tin lên mạng xã hội để kêu gọi cộng đồng chung tay hỗ trợ. Trong đợt dịch Covid-19, chị Nga cùng các nhóm thiện nguyện đã có những hoạt động thiết thực hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn tại Quảng Nam và Đà Nẵng. Chị còn lặn lội đến các chốt biên phòng ở các huyện biên giới của Nghệ An để ủng hộ nhu yếu phẩm, giúp các chiến sĩ biên phòng kiên cường phòng chống dịch Covid-19...
'Ăn mày' vì cộng đồng: Người phụ nữ quên mình2

Cứ thời gian rảnh là chị Đỗ Thị Nga lại lặn lội đến với các em học sinh vùng cao để làm thiện nguyện

Thân mình thì không lo...

Chia sẻ về việc vận động nguồn lực xã hội để thực hiện các chương trình thiện nguyện, chị Nga cho biết chị thường đi “xin” trên mạng xã hội và đó là một hành trình không ít gian nan. “Khó khăn nhiều lắm, nhất là việc kêu gọi tài trợ trong mùa dịch Covid-19, đơn vị, công ty nào cũng khó khăn về kinh tế. Nhưng bằng những thông tin cụ thể và bằng thực tế kết nối trực tiếp với những người cần giúp đỡ, tôi đã thuyết phục được các mạnh thường quân”, chị Nga chia sẻ.
Nhớ lại những ngày đầu đi “xin”, chị vẫn còn thấy cảm giác bị hắt hủi: “Khi lần đầu làm dự án, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Có lần gặp một công ty bất động sản để xin tài trợ, bị từ chối thẳng thừng, nhưng tôi kiên trì lắm. Lần đầu không được thì lần 2. Lần 2 họ vẫn từ chối, và tôi cầm tiếp giấy tờ và kế hoạch gặp lần 3 thì họ chấp nhận”, chị Nga kể. Đặc biệt, để có được những thông tin thực tế, thuyết phục nhà tài trợ, bản thân chị Nga phải nỗ lực rất nhiều. Trong những chuyến đi khảo sát ở các bản làng xa xôi, chị phải băng rừng, vượt núi, không ít lần bị ngã, ngất khi đang trèo đèo, lội suối. Trong ba lô hành lý của chị, túi thuốc bao giờ cũng lớn hơn quần áo, nhưng cứ lúc nào rảnh là chị lại lặn lội đến với bà con vùng cao. “Nhiều khi, đến kỳ đi viện mà CLB thực hiện chiến dịch, tôi phải làm việc online từ xa ngay trong bệnh viện”, chị Nga tâm sự.
Dù vất vả, chị Nga cũng không nản, nhưng có lúc rất buồn lòng khi không được chia sẻ. “Có lần tôi bị lãnh đạo cơ quan gọi lên hỏi rằng: lấy tiền đâu để làm từ thiện, làm cho tổ chức rửa tiền nào... Thú thực, lúc đó tôi cũng nản lắm!”, chị Nga trải lòng. Chị cũng cho biết có chồng làm trong ngành xây dựng và con trai 18 tuổi. Thời gian đầu chị phải giấu chồng con. Nhưng dần dần, mọi người trong gia đình cũng hiểu và chia sẻ với việc làm của chị. “Lúc đầu, chồng tôi bảo thân mình, nhà mình thì không lo, đi lo chuyện bao đồng đâu đâu, tôi cũng căng thẳng lắm. Giờ thì gia đình đã hỗ trợ tôi nhiều, vì thấy đó là niềm vui hằng ngày của tôi”, chị Nga phấn khởi nói. (còn tiếp)
Là người nhiều năm đã đồng hành cùng chị làm thiện nguyện, anh Nguyễn Vĩnh Toàn, Phó chủ nhiệm CLB Chia sẻ yêu thương Yên Thành - Nghệ An, nhận xét: “Chị Nga là người có tấm lòng bao dung. Chị thương tất cả học sinh nghèo trên cả nước và rất tâm huyết với công việc thiện nguyện. Rất nhiều hoàn cảnh đáng thương đã được chị giúp đỡ kịp thời”.
Đã từng cùng chị Nga và CLB của chị thiết kế, xây dựng những cây cầu vượt lũ cho người dân, kỹ sư Nguyễn Nam Hà, chuyên gia của Trung tâm phát triển giao thông đô thị và nông thôn thuộc Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT), đánh giá: “Chị Nga và nhóm rất nhiệt tình, trách nhiệm khi kêu gọi, vận động xã hội chung tay làm được những công trình có giá trị cho cộng đồng; những cây cầu đó đã thực sự mang lại hạnh phúc cho người dân”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.