'Ăn nên làm ra' trên YouTube nhờ… câu view bẩn

23/06/2019 06:17 GMT+7

Ngủ trong quan tài, tự làm mù mắt, dùng băng vệ sinh làm ví tiền, khiêu dâm trá hình… là những biến tướng đáng lo ngại về nội dung trong các video trên YouTube.

Xu hướng kiếm tiền với nội dung ''bẩn'' dựa vào nền tảng công nghệ này đang đầu độc hàng triệu người dùng trên mạng xã hội.

Đa dạng phương thức câu view phản cảm

Sau hàng loạt bê bối gây chấn động về trách nhiệm kiểm duyệt nội dung, YouTube đã thắt chặt các chính sách trên nền tảng của họ. Cụ thể, những kênh trên YouTube chỉ được bật chế độ kiếm tiền khi đạt ít nhất 1.000 lượt đăng ký theo dõi cũng như tối thiểu 4.000 giờ xem mỗi năm. Quy định này thực thi vào ngày 20.2.2018, phần nào thu hẹp cơ hội làm giàu đối với đội quân YouTuber (những chủ kênh YouTube) đang ào ạt đổ bộ lên “địa phận” màu mỡ này.
Tuy nhiên, việc nâng cao tiêu chuẩn tưởng chừng sẽ hạn chế số lượng chủ tài khoản, nhưng đáng tiếc quy định này dường như không ngăn được các nhà sáng tạo nội dung lao vào cuộc đua câu view bất chấp. Hiện tại, doanh thu từ quảng cáo của các chủ kênh tại Việt Nam dao động từ 0,5 - 1 USD/1.000 lượt xem. Ước tính, mỗi video có 1 triệu lượt xem có thể mang về cho chủ tài khoản gần 20 triệu đồng. Như vậy, nếu con số này nhảy vọt trên 10 triệu lượt view thì các nhà sản xuất nội dung có thể kiếm được hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
Các video có nội dung phản cảm lan truyền trên YouTube. Ảnh: Chụp màn hình
Các video có nội dung phản cảm lan truyền trên YouTube Ảnh chụp màn hình
Khát khao kiếm tiền đã sản sinh hàng loạt clip có nội dung phản cảm, kích thích trí tò mò của người xem bằng nhiều cách thức khách nhau. Thử thách 24 giờ làm động vật, ngủ trong quan tài, làm mù mắt bằng đèn bàn học, trêu chọc phụ nữ nơi công cộng… là những tiêu đề thường bắt gặp trên nền tảng video này. Chưa kể, các nội dung trên được lan truyền và tái sản xuất từ kênh này đến kênh khác nhằm mục đích câu view. Ngoài ra, đối với một số kênh YouTube non trẻ, để đạt được lượng người xem kỳ vọng, họ sẵn sàng thực hiện vô số những nội dung phản cảm. Trong đó, các chủ đề dung tục lần lượt xuất hiện tràn lan như: chạy xe đi thu mua quần áo lót cũ, trêu đùa gái mại dâm, dùng băng vệ sinh làm ví tiền…
Một số kênh YouTube còn đem các chương trình người lớn ở nước ngoài thực hiện lại. Những trò chơi, đố vui, thử thách mô phỏng các tư thế quan hệ tình dục được một số kênh Việt Nam sản xuất và nhận về hàng triệu lượt xem.
Mặc dù các nội dung nhạy cảm này đã được YouTube giới hạn độ tuổi người xem, tuy nhiên, chỉ bằng thao tác tạo một tài khoản Google, người xem có thể dễ dàng tiếp cận nội dung kể trên. Ngoài ra, các đoạn video trên còn được các trang giải trí trên Facebook, Instagram cắt ghép những trích đoạn với mục đích tương tự càng làm gia tăng tốc độ lan truyền của các sản phẩm này. Đáng chú ý, đa số khán giả của các kênh nội dung này đều là người trẻ với lượng theo dõi và tương tác gây kinh ngạc.
Từng gây bất ngờ khi chia sẻ trên tờ Variety, bà Susan Wojcicki, Giám đốc điều hành của YouTube cho biết số lượng kênh có hơn 1 triệu người đăng ký trong năm 2018 tăng gần gấp đôi so với năm trước. Bất ngờ hơn khi con số này đã tăng gấp 4 lần so với năm 2016, số lượng các kênh này được ghi nhận chỉ có 2.000 kênh. Trung bình, thế giới có khoảng 4 kênh YouTube đạt 1 triệu lượt đăng ký mỗi ngày.
Nhiều kênh chủ ý sản xuất nội dung dung tục, khiêu dâm nhằm thu hút người xem để đạt lợi nhuận từ quảng cáo. Ảnh: Chụp màn hình
Nhiều kênh chủ ý sản xuất nội dung dung tục, khiêu dâm nhằm thu hút người xem để đạt lợi nhuận từ quảng cáo Ảnh chụp màn hình
Với số lượng kênh tăng lên chóng mặt, môi trường YouTube dần trở thành một nền tảng kiếm tiền lý tưởng cho đại đa số người trẻ hiện nay. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng đã kéo theo nhiều hệ lụy và thách thức trong việc rà soát và kiểm định nội dung đối với trang video lớn nhất thế giới này.

Bị chỉ trích sao vẫn tồn tại?

Nhìn chung, công thức để sở hữu một video triệu view thường đánh vào 3 chữ “S”: sex (tình dục), sốc và sợ. Vào trại giáo dưỡng khi chưa đủ 18 tuổi, chỉ huy dàn đàn em đông đảo, thẳng tay đốt xe, khoe tiền… Khá "bảnh" là một trong những trường hợp gây tranh cãi với kênh YouTube gần 2 triệu lượt đăng ký, sánh vai với loạt tên tuổi đình đám trong nước như Sơn Tùng M-TP (hơn 3,9 triệu lượt đăng ký), Chi Pu (hơn 1 triệu lượt theo dõi), Bích Phương (1,2 triệu người đăng ký)…
Không thể phủ nhận, nhân vật này đã thành công trong việc “định hướng” nội dung và lôi kéo lượng người xem đông đảo trên YouTube. Cùng với Khá "bảnh", hàng loạt hiện tượng YouTube đi theo con đường này phải kể đến: “thánh chửi” Dương Minh Tuyền, Tùng Sơn… “Xưng hùng, xưng bá” một phương trên YouTube, thế nhưng các chủ kênh này phải trả giá đắt về những hành vi của mình. Khá "bảnh" vào tù và bị xóa bỏ kênh YouTube với giá trị lên đến hàng tỉ đồng, kênh hoạt hình người lớn Elsa và Spider Man bị xử phạt 50 triệu đồng vì nội dung dung tục dành cho trẻ em, hàng loạt kênh có nội dung chửi tục, khiêu dâm cũng bị hãng này gỡ bỏ hoặc khóa hết các video…
Khá Bảnh trong clip đốt xe gây bão trên YouTube. Ảnh: Ảnh cắt từ clip
Khá "bảnh" trong clip đốt xe "gây bão" trên YouTube Ảnh cắt từ clip
Chia sẻ về nguyên nhân các nội dung độc hại có lượng người xem khủng, thạc sĩ tâm lý Lê Tuyết Ánh, nguyên Trưởng khoa Giáo dục, Trường ĐH KHXH-NV (TP.HCM) lý giải: “Tâm lý người trẻ thường tò mò, thích khám phá nên dễ bị cuốn vào các dạng thông tin này. Thật ra giới trẻ xem không phải để học, họ xem để thỏa mãn trí tò mò. Tuy nhiên, rõ ràng họ chưa đủ sự trưởng thành về mặt nhận thức để định hướng thông tin. Nếu làm tốt việc này, giới trẻ có thể phân loại được giá trị của thông tin và hạn chế sự phát triển của các kênh gây độc hại về tâm lý. Muốn khắc phục điều này, đòi hỏi khán giả trẻ phải tự ý thức bản thân và nâng cao nhận thức trong việc lựa chọn thông tin”.
Đinh Võ Hoài Phương, chủ kênh Khoai Lang Thang, người từng gây sốt trong giới trẻ với loạt clip khám phá du lịch và ẩm thực, chia sẻ với Thanh Niên: “Rõ ràng, những nội dung phản cảm này trái với luật hiện tại của YouTube, hệ thống kiểm soát nội dung của nền tảng này sẽ sớm lọc chúng trong tương lai. Lách luật hay dùng những chiêu trò sẽ thu hút được lượng người xem tò mò, nhưng để giữ chân khán giả nằm ở phong cách cá nhân và nội dung truyền tải của kênh. Sở dĩ, các kênh độc hại phát triển vì số lượng kênh chất lượng hiện nay vẫn còn khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhu cầu người xem, và hệ thống kiểm soát nội dung của YouTube còn quá nhiều lỗ hổng”.
Đinh Võ Hoài Phương, chủ kênh Khoai Lang Thang được nhiều người trẻ yêu thích bởi kênh du lịch, khám phá ẩm thực bổ ích. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đinh Võ Hoài Phương, chủ kênh Khoai Lang Thang được nhiều người trẻ yêu thích bởi kênh du lịch, khám phá ẩm thực bổ ích Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đứng ở góc độ nhà sáng tạo nội dung, travel blogger (người làm video về trải nghiệm du lịch) sinh năm 1991 khuyến khích những người có ý định khởi nghiệp bằng YouTube: “Thay vì chạy theo các hình thức phản cảm, người mới bắt đầu có thể tập trung vào đề tài giới trẻ và trẻ em. Các đối tượng này thường dễ thu hút bởi những video có nội dung vui vẻ, kịch bản đơn giản và gần gũi”.
Mặc dù bị lên án và chỉ trích gay gắt từ dư luận, thế nhưng nhiều kênh YouTube tiêu cực vẫn ngày một sinh sôi và bất chấp các quy định của pháp luật. Với thu nhập khủng mỗi tháng, nhiều người lo ngại việc xử phạt hành chính đối với các đối tượng này đang trong tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa”.
Chia sẻ với Thanh Niên về vấn đề này, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho biết: “Đối với kênh có lượng người xem lớn, chứa nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy, thì tùy vào lượng người được phổ biến hoặc dung lượng truyền tải càng nhiều thì mức phạt càng cao. Ví dụ, nếu phổ biến cho 101 người trở lên hoặc dữ liệu được số hóa có dung lượng 10 gigabyte (GB) trở lên thì mức hình phạt tù từ 7 - 15 năm về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy”.
Cụ thể, căn cứ vào Điều 326 bộ luật Hình sự: Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp trên, thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng. Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn bị phạt tù từ 3 - 15 năm dựa theo dung lượng được số hóa trên internet. Trong đó, bộ luật quy định như sau:
Quy định phạt tù tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy căn cứ theo dung lượng của văn hóa phẩm được số hóa và mức độ phổ biến đến người xem. Infographic: Phùng Hạo
Quy định phạt tù tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy căn cứ theo dung lượng của văn hóa phẩm được số hóa và mức độ phổ biến đến người xem Đồ họa: Phùng Hạo
Bên cạnh đó, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ còn cho biết đối với những hành vi thực hiện và đăng tải nội dung mô tả cảnh quan hệ tình dục, chửi rủa phản cảm… chưa đến mức xử lý hình sự về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo quy định tại Điều 326 bộ luật Hình sự, tuy nhiên, các hành vi này đã vi phạm theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 8 luật An ninh mạng. Trong đó, luật này ghi rõ “Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Trước những diễn biến phức tạp trên môi trường YouTube, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông) đã hợp tác với Google trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ những video clip xấu độc trên YouTube theo yêu cầu của Bộ. Tỷ lệ gỡ bỏ các clip độc hại theo yêu cầu được khoảng 90 - 95% (xấp xỉ 8.000 clip).
Tuy nhiên, tình trạng các nội dung phản cảm trên YouTube vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Câu chuyện kiểm duyệt và ngăn chặn các nội dung độc hại vẫn đang là một bài toán nan giải. Bởi lẽ, khi một kênh bị xóa đi, vô số các kênh khác lại mọc lên, thậm chí việc đăng lại các video đã bị gỡ bỏ dần nằm ngoài tầm kiểm soát. YouTube đang xây dựng đế chế hùng mạnh của mình trên toàn cầu với hàng tỉ nội dung được sản xuất mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu đồng tiền không đi liền với đạo đức thì sự sụp đổ chỉ còn là vấn đề của… thời gian.
Ngày 7.6, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông) đã công bố một loạt vi phạm của Google và YouTube tại Việt Nam. Trong đó, các sai phạm này đến từ nhiều chủ thể tham gia hoạt động trên YouTube, gồm: YouTube, Google; các đại lý quảng cáo của Google tại Việt Nam; những nhãn hàng, thương hiệu mua quảng cáo trên nền tảng YouTube, Google; những nhà sáng tạo nội dung trên YouTube (content creator) và các công ty đối tác quản lý đa kênh của Google tại Việt Nam (MCN).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.