PGS-TS-BS Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trả lời:
Các nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa chế độ ăn nhiều chất béo và suy giảm nhận thức là tình trạng đề kháng insulin. Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa cũng như nhiều axit béo chuyển hóa có thể làm phá vỡ tính mềm dẻo của não (khả năng thay đổi cấu trúc và chức năng của não nhằm thích nghi với sự thay đổi của môi trường).
Tăng lượng mỡ trong cơ thể cũng dẫn đến giảm thể tích các cấu trúc quan trọng của não, trong đó có chất xám ở vị trí trung tâm của não.
Ăn nhiều thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa sẽ gây hại cho não |
shutterstock |
Các khuyến nghị về dinh dưỡng hiện nay cho phép lượng chất béo trong khẩu phần ăn hằng ngày chiếm khoảng 20-35% tổng năng lượng trong ngày, tương đương 44 g đến 77 g ở người có chế độ ăn 2.000 kcal mỗi ngày.
Trong đó, chất béo bão hòa cần dưới 10%, không có chất béo chuyển hóa, cholesterol dưới 300 mg. Đồng thời cần giữ cân nặng ở mức độ hợp lý tránh thừa cân, béo phì.
Chất béo chuyển hóa là axit béo chuyển hóa, axit béo đồng phân nhân tạo. Chúng hình thành trong quá trình chế biến thực phẩm, bằng phương pháp hydro hóa dầu ăn, nhằm giúp thực phẩm được bảo quản lâu hơn. Chất béo chuyển hóa nhân tạo có trong các loại bánh ngọt, bánh nướng, đồ ăn nhanh gà rán, pizza, khoai tây chiên, đồ ăn chế biến sẵn như bắp rang bơ, snack, mì ăn liền...
Chất béo bão hòa là một loại chất béo trong đó các chuỗi axit béo chủ yếu là các liên kết đơn. Hầu hết chất béo động vật là chất béo bão hòa. Thực phẩm có chứa tỷ lệ chất béo bão hòa cao bao gồm các sản phẩm từ chất béo động vật như mỡ lợn và các sản phẩm từ sữa chẳng hạn như phô mai, bơ, kem, các loại dầu như dầu dừa, dầu cọ.
Bình luận (0)