An ninh vận tải trước nạn bom bưu kiện

03/12/2010 22:23 GMT+7

Thế giới đang lo ngại vì những kiện hàng chứa bom trên các chuyến bay, nhưng theo giới chuyên gia, không nên vội áp đặt những quy định an ninh mới.

Những quả bom từ Yemen

Rạng sáng 29.10, ngay sau khi Hy Lạp cho phép nối lại các chuyến bay vận tải hàng hóa và thư từ bị tạm hoãn, thì tại Anh, Cơ quan tình báo MI6 phát hiện một quả bom hẹn giờ giấu trong thùng hàng gửi đi Mỹ. MI6 nhận được thông tin từ tình báo Đức do một thành viên al-Qaeda ở Ả Rập Xê Út khai báo với nhà chức trách nước này.

Nếu một loạt bom thư gửi đến văn phòng các lãnh đạo châu u và cơ quan ngoại giao tại thủ đô Athens trong những ngày trước đó được xác định là do một nhóm cực tả ở Hy Lạp chủ mưu và có sức phá hoại nhỏ, thì quả bom mà MI6 tìm thấy có sức công phá mạnh. Nó chứa 400g chất nổ pentaerythritol trinitrate (PETN) và được giấu trong hộp mực máy in hiệu Hewlett Packard, gửi đến một nhà thờ Do Thái ở Chicago. Quả bom đến sân bay East Midlands (bắc London) từ Yemen trên chuyến bay của hãng chuyển phát nhanh UPS, và được tháo ngòi lúc 7 giờ 40 phút, 170 phút trước khi phát nổ theo giờ hẹn.

Cùng thời gian đó, tại sân bay Dubai, cảnh sát phát hiện một quả bom tương tự trên chuyến bay của hãng chuyển phát nhanh FedEx từ Yemen đi Mỹ. Chứa 300g PETN và có ngòi kích nổ bằng điện thoại di động, quả bom giấu trong máy in này cũng có địa chỉ nơi nhận là nhà thờ Do Thái ở Chicago. Chất nổ này cũng được dùng trong vụ đánh bom máy bay bất thành ở Detroit, Mỹ, mùa Giáng sinh 2009.

Điều quan trọng (để ngăn chặn bom bưu kiện) là sự phối hợp giữa lực lượng an ninh và tình báo các nước
Hermann Ude - Tổng giám đốc vận tải hàng hóa toàn cầu của hãng DHL
Giới chức Anh cho rằng nhóm khủng bố al-Qaeda trên bán đảo Ả Rập (AQAP), vốn nhận trách nhiệm vụ đánh bom năm 2009, là chủ mưu hai vụ mới nhất. Còn các quan chức Mỹ tin rằng chuyên gia chế tạo bom gốc Ibrahim Hassan al-Asiri có quan hệ với AQAP là nghi can chính.

Nhiều quốc gia ngay sau đó ra lệnh cấm tất cả hàng hóa, thư tín từ Yemen gửi theo đường hàng không vào nước mình. Anh cấm luôn cả hàng hóa từ Somalia, cấm hành khách đi máy bay mang mực in trong hành lý xách tay, trong khi Đức “đóng cửa” các chuyến bay từ Yemen. Các hãng chuyển phát nhanh, vốn đảm nhận vận chuyển bằng đường hàng không 35% giá trị thương mại toàn cầu, vì thế đứng trước áp lực “ngăn sông cấm chợ” và đối mặt với những yêu cầu an ninh khắt khe hơn.

“Sự cố riêng lẻ”

Trả lời PV Thanh Niên về nguy cơ khủng bố lợi dụng dịch vụ chuyển phát bằng đường hàng không, Tổng giám đốc vận tải hàng hóa toàn cầu của hãng DHL, Hermann Ude, nói rằng hai vụ ở Anh và Dubai chỉ là “những sự cố riêng lẻ, diễn ra trùng hợp và hiếm hoi”. “Từ trước đến nay, chưa có ai chết do các sự cố tương tự cả”, ông cho hay. Trong năm 2009, DHL đã chuyển phát 2,1 triệu tấn hàng hóa bằng đường hàng không.

Bàn về vấn đề tăng cường an ninh sau các sự cố trên, ông Ude cho rằng không nhất thiết phải vội vàng áp đặt những quy định mới mà cần triệt để tuân thủ quy trình rất chặt chẽ có sẵn. “Đối với những khách hàng mà chúng tôi không rõ gốc gác, việc kiểm tra an ninh luôn được thực hiện gắt gao hơn, hàng họ gửi đương nhiên phải qua máy quét nhiều lần”, ông nói. “Vậy, đối với khách hàng ở các quốc gia bị cho là dung chứa khủng bố hoặc bị LHQ cấm vận do phổ biến khí tài quân sự chẳng hạn thì các ông sẽ thận trọng hơn?”, PV Thanh Niên hỏi. “Không nhất thiết như thế, bởi kẻ xấu có thể có mặt ở bất cứ đâu. Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm soát hàng hóa của khách lạ. Nhưng điều quan trọng là sự phối hợp giữa lực lượng an ninh và tình báo các nước”, ông Ude trả lời. Ông cũng nói thêm giả sử một hãng điện tử uy tín gửi linh kiện sang Việt Nam để lắp ráp, rồi xuất sản phẩm sang châu u, thì lô hàng của họ đương nhiên là đáng yên tâm hơn.

Ông cũng không đồng tình việc các nhà lập pháp châu u và Mỹ yêu cầu toàn bộ kiện hàng gửi bằng đường biển phải qua máy quét an ninh. Kế hoạch dự kiến bắt đầu vào năm 2012 đã bị hoãn sau phản đối của những tập đoàn vận tải. Ông Ude tính toán nhiều nơi áp đặt quá nhiều loại giấy tờ và thủ tục thông quan, gây lãng phí 30% chi phí thương mại nhưng lại không hiệu quả trong việc tăng cường an ninh.

Trong trường hợp bom giấu trong hộp mực máy in, một chuyên gia an ninh Israel cho rằng “gần như không thể” phát hiện được bằng máy quét X-quang, bởi cấu trúc máy in nhiều tầng chồng lắp, khó có thể nhìn thấy ngòi nổ giấu trong hộp mực. Philip Baum, chủ bút tạp chí Aviation Security International Magazine chuyên về an ninh hàng không, cho rằng kể cả công nghệ mới cũng khó lòng loại sạch nguy cơ. “Chỉ có vận may và ý chí con người mới có thể ngăn chặn được”, ông này nói.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.