Ăn nửa trái sim - Truyện ngắn của Tống Phước Bảo

1. Nội nói với Lãng, người ta thường không thể giữ những điều tốt đẹp nhất ở cạnh bên mình. Mãi sau này, khi đi qua những thăng trầm của đường đời, cái người ta giữ được chẳng qua chỉ là vừa vặn với chính mình mà thôi.

Năm đó Lãng mười sáu. Cơn mưa cuối hạ vắt ngang triền đồi. Gió hắt những cơn buốt nhói lòng. Dương tử trổ đòng ngợp trời. Vậy mà An vẫn đi.
An bỏ cao nguyên đất đỏ nghèo nàn này mà xuôi đời mình về phố thị. An ngán lắm cái cảnh mỗi buổi tối ngồi lê ngay chợ đêm mà nhìn thiên hạ dập dìu qua lại. Chàng trai sành điệu nhón tay mua cái móc khóa đan hình trái dâu tặng cô bạn gái xinh đẹp như một món quà kỷ niệm cho tình yêu của họ. An thèm thuồng khi nhìn những cô gái chớm xuân thì xênh xang áo quần hợp mốt, tay đỏ màu sơn, môi cong chúm chím, nước hoa sực nức.
Miền cao nguyên này chẳng có gì ngoài nắng ngoài gió, ngoài cái lạnh tê tái, ngoài những đêm mệt nhoài theo dòng người du lịch nhận về trăm ngàn tiền hàng, nhưng là cả đống khát khao ước vọng của tuổi trẻ. An phải đi thôi Lãng. Đời cho mình bao lần cơ hội đâu Lãng. An nói với bố mẹ rồi. Nhất quyết phải đi. Nhất quyết phải hết nghèo. Bố mẹ mình nghèo quá rồi, giờ mà mình nghèo theo thì là lỗi của mình đó Lãng.
An lên chiếc ô tô của người bác họ, vẫy tay chào Lãng. Nhẹ bâng. Lãng đạp xe quanh vòng bờ hồ như thằng dại. Trĩu trịt. Gốc thông quen, một mình Lãng ngồi nghe tiếng chuông từ nhà thờ Con Gà đổ từng hồi. Thành phố buồn tê lòng.
2. Thời dịch, thành phố du lịch vắng ngắt. Trời Đà Lạt bỗng xanh lành như hồi nội còn đôi mươi, thường địu gùi men theo những con dốc gồ ghề xuống chợ. Nội hay nhắc về những năm tháng hoang sơ khi đất còn chưa thuần hóa, khi nước còn trong vắt từ những con suối xa, khi hoa lá cứ si dại mà mọc ven đường, khi thông vẫn xào xạc hát bài hương ca vô tận. Khi ấy, nội chỉ là cô bé tộc ngẩn ngơ hái trái sim rừng mỗi mùa trái tím lịm chân mây. Thoảng khi giữa buổi chè sớm với thằng cháu, nội ngân nga hát: “Đói lòng ăn nửa trái sim, uống lưng bát nước đi tìm người thương”. Lãng nghe hoài thành ra cũng thuộc. Trái sim ăn hoài thành ra cũng ngán. Nội không ăn sim từ ngày ông mất. Lãng không ghé đồi sim từ ngày An đi. Một già một trẻ, vẫn cứ bên ấm chè sớm mà mỗi người the thắt mấy chuyện riêng mang. Nội nhìn về phía đồi chè sau nhà. Lãng nhìn ra đồi Dương tử trước sân. Ấm chè nhiều khi nguội ngắt mà chẳng ai hay.
Nội lại pha ấm chè, trời còn chưa hửng nắng phía đằng đông. Nội bảo dạo này sao cứ khó ngủ, mới hai ba giờ sáng mắt đã trơ trơ. Nằm miết thành đầu óc mụ mị. Thì thôi vận động cái thân thể già nua cho giãn gân giãn cốt. Nhờ vậy mà nội hái được loại chè quý “quý nương”, mà phải là “quý nương một tôm hai lá” uống cho đã cơn thèm. Chè “quý nương” là loại chè phải hái khi lá còn đọng sương hôm, khi mặt trời còn chưa chiếu những tia nắng buổi bình minh. Nếu chỉ hái loại đúng một búp dính chùm hai lá, ấy là của quý trong cả đồi chè. Lắm khi quãng đồi thênh thênh vậy chỉ có khoảng độ mấy chục đọt “một tôm hai lá”. Nội nói hễ để mặt trời mọc rồi, thì loại chè mình hái, phải gọi là chè “bà lão”. Độ chát và độ thanh cũng như hương thơm bốc lên không sao sánh bằng chè “quý nương”.
Lãng gật gù ra điều biết thế, chứ kỳ thực, thằng cháu nhấp ngụm trà nào cũng thấy thanh, cũng thấy chát, có bao giờ thấy ngọt chi đâu. Có lần Lãng nói vậy với nội. Nội cười rồi cầm ấm trà rót vào ly tống, từ ly tống nội lại chia đều ra hai ly quân. Lần đó nội nhìn Lãng, rồi nhìn phía đồi Dương tử đang bung cánh trắng rực rỡ trong nắng sớm. Nếu dễ dàng cảm nhận ly chè ngon, thì người ta đâu có nhọc lòng mà thưởng chè. Cầm ly chè, đảo quanh, hương thơm mát rượi nơi cánh mũi. Nhấp một hớp, vị chát quấn lấy đầu lưỡi. Nhưng khi mình uống nó vào, tận sâu trong cuống họng, mới nghe vị ngọt thấm dần một cách thanh thản.
Ăn nửa trái sim - Truyện ngắn của Tống Phước Bảo1

MINH HỌA: TUẤN ANH

Uống có ly chè, nội kỳ công chi dữ. Mình ngồi đây tốn năm ba phút cho ly chè, ngoài kia người ta đi năm ba chục bước. Mình còn phải làm vườn, bông cắt bán, chè hái bán. Cuộc sống này đều quy ra thành tiền để sống đó nội. Nội không biết, đất giờ rục rịch thành vàng. Bữa con ra chợ người ta nói, đất chợ vào quy hoạch, sẽ xây trung tâm thương mại. Tỉnh đòi thành phố phải phát triển du lịch. Một căn nhà ngoài ấy, bán ra giờ năm bảy tỉ. Đất trong mình nghe nói sốt vô cùng. Theo giá tụi cò đất tính, một miếng vườn chỉ trăm mét vuông thì đâu chừng hai ba trăm triệu đó nội. Dân thành phố bắt đầu chạy kiếm mấy khu đất trồng trọt xa trung tâm để mua đầu cơ, chờ quy hoạch trúng là họ ôm tiền chạy về đây.
Nội lại cười cái khì, đất là để sống, nhưng người ta ai rồi cũng chết vì nó. Cuối cùng cũng chỉ là nằm trọn trong lòng đất mà thôi. Chỉ những người đi qua thác ghềnh gieo neo của cuộc đời này, khi mang nhiều đớn đau hằn sâu thành vết sẹo trong tâm hồn mình, thì mới thưởng thức được cái vị ngọt của lá chè.
Lãng hai mươi sáu vẫn chưa gọi là già. Nội đã tuổi bảy mươi nhưng chẳng chịu già.
3. Xưa, nội có mối tình cùng anh giải phóng quân đóng bên ven đồi sim tím. Mối tình của thời chiến. Mối tình cô gái tộc và anh miền xuôi. Nhưng rồi chiến tranh phân ly. Anh giải phóng một lần nhổ trại hành quân. Biền biệt chẳng còn tăm tích. Nội đợi, đợi chừng hai tháng thì nghe bụng mình khang khác. Vậy là có tội với Giàng. Làng đem nhốt nội vào một căn nhà hoang trên ngọn đồi cao. Vạt cỏ mỗi ngày nội ngồi ngóng về phía làng mòn dẹt theo thời gian.
Rồi nội hạ sinh thằng con trai. Một đêm rừng hoang u tịch. Nội đặt cho bố cái tên Sim. Thằng Sim của nội năm 14 tuổi cũng bị Giàng bắt đi trong một lần ra chợ bán măng rừng. Địch quần rát ổ. Tên bay đạn lạc. Thằng Sim nằm ngay góc chợ, trước cái cửa ổ trốn, thân mình bao phủ một anh giải phóng quân. Người dưới chợ nói với nội, thằng Sim cố cứu một anh lính bị thương. Nhưng không may cả hai đều trúng đạn.
Nội quay về ngọn đồi cao. Vạt cỏ ngồi ngóng làng nay lại ngồi ngóng con mỗi buổi chiều hôm. Từng nhát cuốc khai hoang như thêm trĩu trịt. Quãng đường gùi hàng về chợ, không còn để mua bán, mà là để đưa tin.
Chiến tranh tàn, nội vẫn giữ đồi, phát đất làm nương rẫy trồng chè, trồng ngô. Người ta chỉ thấy cô gái tộc tuần hoặc mươi ngày đổi lấy ít đồ đạc rồi lủi thủi gùi hàng leo lên những con dốc, những ngọn đồi thoai thoải. Dân di cư bắt đầu tràn về. Ngọn đồi thêm nhiều nóc nhà cất lên, hình thành cái xóm chè đồi Côi. Chẳng biết ai đặt cái tên nghe bi xót. Nhưng cứ lâu rồi thành quen.
Năm bà quá lứa bốn mươi, một chị trên hội phụ nữ huyện ngỏ ý nhờ bà nhận nuôi đứa trẻ vừa bị mẹ bỏ rơi trên bệnh viện. Người con gái trẻ không dám đem theo cái tàn tích của một lần lầm lỡ, bỏ con trốn mất tiêu. Nội gật đầu cái rụp. Có đứa hủ hỉ, một sinh linh được cứu rỗi. Tiện đôi bề. Vậy là nội lên bệnh viện huyện làm thủ tục, rồi tận tay ẵm thằng nhỏ về. Nội đặt tên cho thằng con hoang là Lãng. Nội cho nó nhận Sim là bố. Con nào cũng phải có cha, cháu nào cũng phải có bà. Cho nó đủ đầy như người ta. Mãi sau này, có lần Lãng hỏi nội sao đặt mình cái tên kỳ cục. Đi học mấy đứa bạn cứ ưa trêu là thằng lãng nhách, lãng xẹt. Nhiều khi quê với đám con gái lắm nội. Nội quay qua nhìn Lãng, rồi đưa mắt lên không trung u tịch của một đêm không trăng. Tại Lãng có một cái bớt nhỏ ngay má phải, y hệt anh giải phóng quân bên đồi sim năm ấy. Khoảnh khắc đó, hình như giọng nội rè đi. Lãng từ ấy không hỏi han gì đến cái tên hay mấy câu chuyện bên đồi sim ngày thanh tân của nội. Nội vẫn trồng chè. Lãng vẫn chăm đồi Dương tử.
4. Hồi ấy, cũng có lần An về. Đó là năm thứ nhất sau khi đi Sài Gòn theo bác. An về cùng đám bạn học của mình. Lãng rụt rè nhìn An thay đổi phổng phao trắng hồng khác lạ. An đi giày cao gót, môi son đỏ tía, phảng phất mùi hương nước hoa quanh mình. Mấy cậu bạn đi chung luôn chiều chuộng ra điều lấy lòng An. Lãng dẫn cả nhóm đi tắm suối, vào rừng hái sim. Giữa những khoảnh khắc nô đùa ấy, Lãng thấy An không còn hồn nhiên như thời hai đứa chiều chiều tan học lén nhà chạy lên đồi nằm nghêu ngao hát “ăn nửa trái sim”. Trả về cho Lãng, buổi ấy, chỉ là một cô gái lạ lẫm quá đỗi.
Lãng lừng khừng hỏi An khi nào về lại với phố núi cao nguyên này, những mùa Dương tử trổ đòng ngợp trời vẫn đợi chờ. An cười, nụ cười phảng phất nét kiêu kỳ trên vành môi. An trả lời câu gì đó bâng quơ. Lãng nghe trong tiếng thông reo có lời xa cách. Từ buổi đó, An không về nữa. Thoảng khi Lãng nhắn tin, An trả lời bận lo việc học. Có lần An khoe, được bác họ cho đi du học. Nước phương Tây nào đó, xa lắc lơ, Lãng nghe An nói cái tên, mà chẳng nhớ nổi.
Lãng bắt đầu dựng cổng, treo bảng cho du khách tới tham quan đồi hoa Dương tử. Mỗi khách vào là ba mươi ngàn. Sáng sớm Lãng lựa cành nào đẹp nhất thì cắt rồi bó thành chục giao cho mối lái. Trời hửng nắng, cứ thế mà ngồi thu tiền du khách. Đồi Côi từ dạo đó bỗng xôm tụ hẳn lên. Người mở quán ăn phục vụ khách du lịch. Người làm vườn hướng dương, làm vườn hồng, làm quán cà phê nguyên chất. Cuộc sống nhộn nhịp và khấm khá hơn.
5. Nhưng chẳng được bao lâu, một sáng trời trong, hết mùa dịch, thiên hạ rần rần kéo về cái thành phố ngàn hoa này hưởng thụ sau những ngày bó gối giam mình trong bốn bức tường nhà, nội hớt hải chạy về báo tin với Lãng. Nghe đâu người ta trả giá đất cao, muốn mua hết khu này làm làng du lịch đó con. Người ta bù cho một căn chung cư mới xây, lại còn đưa cả mấy trăm triệu cho mình làm ăn nữa. Phía đầu đồi nghe nói ba bốn người chịu rồi. Lãng nghe thất thần. Cái điều lo lắng bấy lâu, chẳng sớm thì muộn thiên hạ cũng thâu tóm cái đồi Côi. Vị trí đồi có tầm nhìn xuống thành phố, đường sá đã được làm thành lộ lớn. Hồi trước tết đã có mấy ông đại gia rậm rịch đi xem đất, xem đồi…
Lãng bảo nội ở nhà canh vườn, Lãng phóng xe ra đầu đồi, thấp thoáng vài chiếc xe hơi láng coóng đậu ngay lộ. Nhiều người ăn mặc sang cả đứng chỉ tay hướng này hướng nọ. Lãng chạy tới nắm lấy tay thằng Phồn, khẽ lắc. Trời, mầy đừng có bán đất. Bán là hết đường sống đó. Mình ra phố rồi biết làm gì. Đừng có nghe họ dụ mà ham. Thằng Phồn nhìn Lãng rồi phủi tay cái mạnh. Khùng quá đi, họ bù cho mình một căn nhà khang trang ngay cái khu cao ốc mới xây. Họ cho mình thêm vài trăm triệu đến cả tỉ. Cả đời này mình kiếm còn không ra được. Họ hứa họ làm khu du lịch xong, họ nhận mình về làm công nhân cho họ. Mình có đói đâu mà sợ. Mầy cũng bán đi, tao chỉ họ mấy miếng đất rồi. Họ mua được một miếng đất là tao có thêm năm mươi triệu đó. Mà đất nhà mầy bán không, tao chỉ cho?... Lãng không trả lời, leo lên xe máy nhắm hướng đỉnh đồi mà chạy. Nghe trong lòng nhiều thứ vỡ vụn ra. Thông khóc lao xao dọc triền đồi.
Chiều đó, nội bảo Lãng có khách. Ánh hoàng hôn phủ vàng mênh mông cả vùng trời. Lãng dẫn khách đi ra đồi Dương tử. Cái lạnh bắt đầu bủa vây triền đồi. Dương tử bung cánh xoe tròn, từng bông vẫn trắng muốt. Cả hai đứng nhìn và lặng im. Rất lâu. Rất khẽ. An bảo Lãng phải thức thời chứ. Cái triền đồi có bao nhiêu chủ đất đâu. Bác An trả giá tốt nhất thời điểm này rồi, mùa dịch qua, nhưng cũng còn khốn khó, chuyện tiền bạc bây giờ nó mới là lẽ sống của con người ta. Đâu cứ phải bám víu vào đất cả đời cực khổ hoài. Bây giờ là điều kiện để Lãng cho nội nghỉ ngơi an hưởng. Lãng kiếm gì đó mà học một cái nghề. Lãng thông minh, Lãng phải nghĩ tiền đồ của mình chứ. Hổng lẽ suốt cuộc đời Lãng cứ quần đùi áo thun bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Ngửa bàn tay lên đi Lãng. Lãng thấy gì không?...
Chẳng có câu trả lời nào dành cho An. Mái tóc đen dài nay thay bằng ánh vàng thuốc nhuộm, ngắn cũn cỡn ôm sát vai. Tay đỏ màu sơn, môi cong kiêu kỳ. Giữa cái ánh hoàng hôn phản chiếu, hình ảnh người con gái Lãng từng thương trên đồi Dương Tử sao nó lấp lánh mà diệu vợi muôn trùng. An quay gót đi, khi Lãng vẫn lầm lì chẳng thốt lời nào. Lãng chẳng tiễn An như cái lần An bỏ triền đồi mà đi lên Sài Gòn. Lãng chỉ đứng nhìn bóng dáng khuất dần theo tia nắng chiều. Nội bảo sao không mời An vào nhà chơi. Lãng hẫng nhẹ trả lời, An nào đâu nội, người ta là khách ghé mua đất thôi.
Lâu lắm rồi, dễ chừng cũng chục năm, từ cái hồi An về thăm rồi đi biền biệt, Lãng mới lên đồi sim. Đồi loang tím. Con đường mòn quen thuộc vẫn còn y nguyên, khác chăng là những bụi sim nay mọc lên um tùm và rậm rạp. Lãng ngồi ngay gốc cây có khắc tên hai đứa hồi mười sáu trẻ dại. Rồi đất sẽ rùng mình chuyển thành lô lốc. Nứt nẻ vỡ toạc ra thành những khu vila, biệt thự. Người ta chẳng chọn nơi này để sống, mà chỉ là vung tiền hưởng thụ cái thú tao nhã của mình. Người ta có biết nghe thông hát? Người ta có biết sim tím vì đâu? Thương nhớ là một thứ đâu thể vay mượn. Chỉ có dân đồi Côi này, mới thương thông nhớ sim mà giữ gìn và vun bồi đất rừng.
Lãng nhìn đêm buông sẫm xuống triền đồi. Nội chẳng thể đi đâu, đất này là cả cuộc đời của nội. Vườn chè là nguồn ký ức để nội sống những tháng năm cạn cùng. Lãng cũng chẳng thể đi đâu. Dương tử vẫn trổ đòng chờ Lãng mỗi sớm tinh sương. Thông hát chờ Lãng nghe. Sim chín chờ tay Lãng hái. Lãng chỉ ăn nửa trái sim thôi. Rồi Lãng sẽ tìm người thương, như câu hát mà nội hay hát…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.