'Ăn ong' ở vùng Bảy Núi

06/03/2014 09:48 GMT+7

Sau nhiều lần nài nỉ, anh Ngô Văn Lên (ngụ khóm Thới Hòa, thị trấn Nhà Bàng, H.Tịnh Biên, An Giang) mới đồng ý cho chúng tôi theo “mục sở thị” tài nghệ lấy mật ong (ăn ong) của cư dân vùng Bảy Núi...

 

Anh Nguyễn Văn Cương quan sát tìm túi mật - Ảnh: Thiên Lộc

 Túi mật sau khi thu - Ảnh: Thiên Lộc

Theo chân “Vua ong Bảy Núi”

Nhóm của anh Lên gồm 3 tay cừ khôi, trong đó có anh Nguyễn Văn Cương. Anh  được bạn bè gọi là “Vua ong Bảy Núi” vì gần 10 năm lăn lộn với nghề nhưng hiếm khi anh bị ong tấn công. Hôm đó, nếu không tận mắt chứng kiến cảnh các anh hun khói, thò tay vào tổ cắt lấy túi mật, có lẽ chúng tôi vẫn chưa tin lời đồn về biệt tài “ăn ong” và những kinh nghiệm dạn dày của họ.

Vừa lên tới lưng chừng một ngọn núi thuộc xã Thới Sơn (H.Tịnh Biên), anh Lên chỉ cho chúng tôi xem một tổ ong mật to bằng chiếc chiếu manh đang bám dưới dạ một tảng đá. Bề mặt tổ chi chít nhiều lớp ong, nếu những người chưa có kinh nghiệm “ăn ong” nhìn sẽ rùng mình. Biết chúng tôi lo lắng, anh Lên vội vàng trấn an: “Yên tâm, đừng sợ, cứ đứng sau làn khói, chúng tôi sẽ bảo vệ. Nếu bị ong đánh hãy đứng yên, đừng cử động, vì càng cử động chúng càng tấn công”.

Nói xong, anh Lên và anh Cương mỗi người đốt một bó cỏ khô lẫn cỏ tươi cho khói lên ngùn ngụt hướng về tổ ong. Bị khói cay, đàn ong túa ra đen nghịt trên các vòm cây. Đàn ong di chuyển phát ra âm thanh rào rào nghe rợn người nhưng ai cũng nín thở chờ. Đợi cho đàn ong bay xa, ong còn lại trên tổ thưa dần, bớt khói, các anh thực hiện những thao tác lấy mật một cánh thuần thục, chính xác chỉ chưa đầy 5 phút, không có bất trắc xảy ra…

Nguy cơ mất đàn ong

Trên đường đi, anh Lên kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện lý thú về nghề “ăn ong”. Theo anh, xưa nay, nghề lấy mật ong chỉ thịnh hành ở vùng rừng U Minh, nhưng những năm gần đây, do mật ong ngày càng quý hiếm nên nhiều người đã khai thác ong rừng Bảy Núi lấy mật.

Các anh cho biết ở vùng Bảy Núi chỉ có 3 loài ong cho mật là ong mật, ong tầng và ong ruồi. Ong mật thường làm tổ trên cây hoặc dưới dạ các tảng đá. Loại này con lớn, cho nhiều mật, có thể trên 3 lít/tổ. Ong mật rất hung dữ, một khi tổ bị xâm phạm, chúng đánh hơi người sẽ rượt xa hàng mấy trăm mét. Chính vì vậy mà nhiều người lấy mật đã bị ong đánh phải đưa đến bệnh viện cứu cấp. Ong tầng còn gọi là ong bọng hay ong đá, chúng làm tổ trong hang, hốc đá hoặc bọng cây. Tuy ít mật nhưng rất quý nhờ con nhỏ nên hút được nhiều loại mật hoa. Ong ruồi còn gọi là ong dùi kèo, nhỏ con, thường làm tổ trong các bụi rậm um tùm, hiền, ít đánh người.

Anh Lên cho biết nghề lấy mật ong trên núi không đòi hỏi phải gác kèo, dọn kèo. Tuy nhiên, người “ăn ong” phải gan dạ, nắm rõ đặc tính của từng loài ong, theo dõi mùa nào mật vàng kẹo, thơm ngọt, mùa nào nên khai thác và khi nào ngưng. Mật ong núi nhiều nhất vào khoảng cuối năm cho đến đầu mùa mưa, một tổ ong có thể khai thác được 2 lần/mùa. Với kinh nghiệm của mình, anh Cương chỉ cần quan sát đàn ong bay nhanh hay chậm, thưa hay dày là biết được tổ ong đóng cách đó bao xa, tổ lớn hay nhỏ, mật nhiều hay ít. 

Theo những người “ăn ong” ở vùng Bảy Núi, cách đây khoảng 5 - 7 năm, mật ong còn nhiều, có người lấy được trên 100 lít mật/năm, bây giờ đã giảm còn hơn phân nửa, nhưng giá mật đã tăng gấp đôi (400.000 đồng/lít). Nguyên nhân của sự sụt giảm là do có nhiều người khai thác, một số còn dùng thuốc xịt muỗi để tiêu diệt ong nên việc tái tạo đàn rất chậm. Anh Lên tâm sự: “Sinh ra, lớn lên tại đây nên tôi rất yêu và xem rừng như máu thịt của mình. Tôi khai thác mật nhưng không bao giờ lạm sát ong non. Mỗi lần lấy mật xong đều giữ nguyên các tầng sáp để giúp ong tái tạo đàn nhanh hơn. Nếu như mình khai thác một cách vô tội vạ, ong bỏ đi, lúc đó chúng ta sẽ mất tất cả”.

Thiên Lộc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.